Inti Raymi - Lễ hội thần mặt trời ở Peru
Thành phố Cuzco, Peru là quê hương của một trong những lễ hội to nhất nhì Mỹ Latin: lễ hội thần mặt trời thiêng liêng Inti Raymi. Được tổ chức hàng năm vào ngày 24.6, đây từng được coi là lễ kỷ niệm quan trọng nhất của đế chế Inca - Tawantinsuyu. Người Inca là một tộc người da đỏ tại miền nam châu Mỹ và từng làm chủ một vương quốc rộng lớn có mức độ tổ chức cao hồi thế kỷ XIII đến thế kỷ XVI.
![]() |
Xưa kia, trước khi thực dân Tây Ban Nha ra lệnh cấm, các nghi thức thờ cúng thần mặt trời thường được diễn ra vào tiết đông chí ở Cuzco vì đây là thời điểm mặt trời ở xa nhất so với trái đất. Do lo sợ thiếu ánh sáng mặt trời sẽ kéo theo nạn đói, những người Inca cổ đã tập trung ở Cuzco để tôn vinh Thần mặt trời và cầu xin thần trở lại. Mặt trời là vị thần chính mà người Inca coi là đấng sáng tạo ra vạn vật trên trái đất cũng như quyết định vận mệnh của con người và vũ trụ. Đồ thờ thường bao gồm thịt, bánh ngô, chichi (một thứ đồ uống lên men truyền thống) và trà coca. Ngoài ra, một con llamas, một loại lạc đà không bướáu, sẽ bị giết để phục vụ cho nghi thức hiến tế nhằm cầu xin thần mặt trời ban phát mùa màng bội thu và những cánh đồng tốt tươi.

Vào năm 1572, Phó Vương Toledo đã ra lệnh cấm tổ chức lễ hội Inti Raymi, coi đây là một thứ tà đạo, đi ngược lại với niềm tin công giáo. Kể từ đó, Inti Raymi đi vào thoái trào. Tuy nhiên, giờ đây, nó đã trở lại và trở thành sự kiện văn hóa, tôn giáo quan trọng ở Nam Mỹ. Hàng trăm ngàn người từ khắp nơi trên thế giới đổ về Cuzco để tham gia lễ hội kéo dài trong một tuần.
Trong lễ hội, vào ban ngày, người ta tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm cùng các hoạt động nhảy múa, ca hát trên đường phố. Đến tối, các buổi hòa nhạc sống được các nhóm nhạc hay nhất Peru phục vụ miễn phí ở quảng trường Plaza de Armas. Trong suốt năm trước khi diễn ra lễ hội, người ta tiến hành công tác chuẩn bị bằng việc chọn ra hàng trăm diễn viên để hóa thân vào các nhân vật lịch sử. Ai được chọn đóng vai Sapa Inca (Vua của người Inca) hay vợ của ông là Mama Occla là một vinh hạnh lớn.

Trung tâm của lễ hội là các sự kiện kỷ niệm diễn ra cả ngày 24.6, đây được coi là linh hồn của Inti Raymi. Trong ngày này, các nghi lễ được bắt đầu bằng lời cầu khấn của Sapa Inca kêu gọi thần mặt trời ban phước lành ở quảng trường Qorikancha trước nhà thờ Santo Domingo, được xây dựng trên Đền thờ mặt trời cổ. Sau đó, Sapa Inca ngồi trên ngai vàng và được đám rước công kênh tới pháo đài cổ Sacsayhuamán.
Đám rước đi qua những con phố được trang hoàng bằng những bông hoa rực rỡ trong tiếng nhạc, tiếng cầu nguyện và những điệu nhảy. Phụ nữ quét phố thật sạch để xua đuổi tà ma. Tại Sacsayhuamán, nơi đám đông lớn chờ đợi sự xuất hiện của đám rước, Sapa Inca trèo lên án thờ linh thiêng để tất cả có thể trông thấy mình.
Một khi tất cả các thầy cúng đã yên vị trên đại quảng trường nơi pháo đài, Sapa Inca, các tu sỹ và những đại diện của Suyos (con rắn đại diện cho thế giới dưới đất, con báo đại diện cho cuộc sống trên trái đất và Con kền kền tượng trưng cho thế giới trên trời của các vị thần) sẽ đọc các bài tế của mình.
Một con lạc đà không bướu màu trắng sẽ bị giết để hiến tế và thầy cúng có địa vị cao nhất sẽ giơ cao quả tim đẫm máu nhân danh nữ thần Pachamama (hay còn gọi là Mẹ đất). Nghi thức này được thực hiện nhằm đảm bảo sự phì nhiêu của đất đai kết hợp với ánh sáng và cái ấm áp của mặt trời để cho ra vụ mùa bội thu. Các thầy cúng còn đọc các vết máu để xem tương lai cho người Inca. Tuy nhiên ngày nay, súc vật không còn bị giết và nghi thức hiến tế chỉ còn là sự mô phỏng.
Khi mặt trời lặn, người ta bắt đầu đốt rơm và các thầy cúng nhảy xung quanh đống lửa để vinh danh đế chế Tawantinsuty. Các nghi thức của lễ hội Inti Raymi kết thúc khi đoàn rước trở về Cuzco.