Có một nước cần QE3 hơn Mỹ
Có một quốc gia cần đến chương trình QE3 (chương trình nới lỏng định lượng 3) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Điều bất ngờ, đó lại không phải là Mỹ.
Ở Mỹ, hai vòng QE năm 2008 và 2010 đã mang lại những kết quả không đồng nhất. Chủ tịch Bernanke đã không thể duy trì tăng trưởng bền vững và thất nghiệp Mỹ vẫn đang ở mức cao. Không may là triển vọng cho vòng kích thích mới của FED không lớn. Hiện giờ Mỹ đang thừa thanh khoản và bơm thêm tiền cũng không mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
QE3 có thể không giúp ích nhiều cho Mỹ, nhưng với Trung Quốc thì lại khác. Ít nhất giờ đây Bắc Kinh đang cần đến một đồng đôla yếu. Trong quá khứ, những biện pháp cứu trợ kinh tế như thế này của FED thường làm giảm giá trị đồng bạc xanh.
Điều này sẽ làm người Trung Quốc vui sướng. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hiện đang neo giá đồng nhân dân tệ với đồng đôla. Một đồng đôla yếu có nghĩa là một đồng nhân dân tệ yếu và một đồng nhân dân tệ yếu sẽ giúp nước này xuất khẩu nhiều hơn trên thị trường thế giới. Xuất khẩu chính là chính sách của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nhằm kéo Trung Quốc ra khỏi nguy cơ suy thoái hiện nay. Vào tháng 7 vừa rồi, xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 1% so với cùng kỳ năm trước và số liệu tháng 8 đang được kỳ vọng còn khả quan hơn. Bắc Kinh hiện đang giúp các nhà máy xuất khẩu của nước này bằng việc giữ cho đồng nội tệ yếu. Đồng nhân dân tệ đã giảm 0,9% so với đồng đôla trong năm nay với đà giảm giá nhiều nhất xảy ra vào quý II vừa rồi.
Tuy nhiên, còn một lý do khiến Trung Quốc thực sự vui mừng trước quyết định của FED vừa qua. Trong chương trình kích thích lần trước, Bắc Kinh đã không mấy vui vẻ khi tiền từ QE2 lại vượt qua biển Thái Bình Dương và góp phần tạo nên bong bóng tài sản ở Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện giờ giá tài sản đã giảm và trở về thời kỳ trước bong bóng. Vào cuối tháng trước, giá cổ phiếu Trung Quốc đã xuống mức thấp nhất 42 tháng do lo ngại về sự đi xuống nhanh chóng của nền kinh tế. Để duy trì tăng trưởng, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc đã tuyên bố 60 dự án cơ sở hạ tầng trị giá 157 tỷ đôla. Trong 4 năm tới, Trung Quốc sẽ có thêm nhiều đường cao tốc, bến cảng và đường lớn.
Các nhà phân tích cho rằng đây là tuyên bố quan trọng. Zhang Zhiwei, nhà kinh tế ở Nomura, Hong Kong nói với CNBC rằng “điều này báo hiệu sự thay đổi trong chính sách, giờ đã chủ động hơn”. Tuần trước, cổ phiếu Trung Quốc đã đảo chiều với chỉ số Thượng Hải tăng 3,7%. Đây là phiên tăng điểm mạnh nhất từ ngày 17.1. Giá thép và giá đồng được dự đoán sẽ tăng mạnh. Thị trường toàn cầu cũng đã phản ứng tích cực vì theo như chuyên gia Pisani của CNBC, tin tức về gói kích thích của Trung Quốc chưa được phản ánh vào giá.
Thực tế, có nhiều thông tin mà nhà đầu tư chưa kịp xử lý. Một thông báo tương tự đã được chính quyền Trung Quốc đưa ra hồi tháng 5 nhưng không có mấy ảnh hưởng đối với nền kinh tế. Nhiều dự án mới được phê duyệt sẽ lãng phí và một số dự án sẽ mất nhiều năm để xây dựng vì chúng xung đột với kế hoạch của các địa phương. Hơn nữa, những dự án mới sẽ làm mất cân đối hơn nữa nền kinh tế đang hướng về đầu tư công. Một gói kích thích mới là không đủ để bù đắp cho sản lượng công nghiệp sụt giảm. Điều quan trọng nhất là chưa rõ những dự án này sẽ lấy nguồn tiền chi trả từ đâu. Nếu chính phủ Trung Quốc không sẵn sàng chi trả, liệu những nhà đầu tư nước ngoài có muốn chi tiền?
Có những dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang suy yếu. Chỉ số sản xuất tháng 8 giảm 3,5% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất điện chỉ tăng 2,7%, một điều lo ngại vì trong quá khứ tăng trưởng điện năng luôn vượt qua tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn có những người đang lạc quan về Trung Quốc. HSBC cho rằng cổ phiếu Trung Quốc đang bị bán do nỗi sợ hãi về nền kinh tế, một điều đã bị thổi phồng. Cổ phiếu các công ty Trung Quốc đang được giao dịch tại mức 0,7 lần lợi nhuận và rẻ hơn cổ phiếu của các công ty Italy hay Tây Ban Nha, hiện đang ở mức 0,9 lần lợi nhuận.
Nhưng giá cổ phiếu Trung Quốc rẻ có lý do của nó. Vấn đề là liệu chúng đã đến đáy hay chưa. Quan điểm chung giữa các nhà phân tích là vốn sẽ chảy vào Trung Quốc với kỳ vọng nước này sẽ hồi phục. Đó là lúc Bernanke xuất hiện. Chủ tịch FED có thể tạo ra làn sóng thanh khoản vượt qua biển Thái Bình Dương như đã từng làm năm 2010 với QE2. Thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể hưởng lợi từ QE3. Có thể vậy, có thể không vì Trung Quốc hiện không giống như hồi 2010 và tình hình đã xấu hơn nhiều.
Quan trọng nhất, các lãnh đạo Trung Quốc có vẻ đang thiếu lựa chọn. Sự khó khăn của họ có thể được được nhận ra khi các nhà phân tích nghĩ rằng Bernanke là hy vọng của Bắc Kinh.
QE là gì? QE (quantitative easing - thuật ngữ kinh tế được dịch là biện pháp nới lỏng định lượng) là một công cụ tiền tệ được FED sử dụng để kích thích nền kinh tế. Thông thường, khi nền kinh tế lâm vào suy thoái hoặc tăng trưởng rất chậm trong một thời gian quá dài FED sẽ giảm lãi suất ngắn hạn để có thể thúc đẩy cho vay và chi tiêu. Tuy nhiên, hiện nay, FED đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp nhất có thể (0%) nhưng nền kinh tế vẫn không khởi sắc. Bởi vậy, FED đã dùng đến các gói QE, theo đó, FED sẽ mua vào các tài sản dài hạn như trái phiếu kho bạc hoặc các chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) từ các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính khác. Lượng tiền này được bơm vào nền kinh tế và sẽ khiến lãi suất dài hạn giảm xuống trong tương lai. Khi lãi suất dài hạn giảm xuống, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn trong việc tiêu tiền. Đó là những gì diễn ra theo lý thuyết. Biện pháp QE đã bao giờ được FED sử dụng? FED đã 2 lần tung ra QE. Lần thứ nhất, vào cuối tháng 11.2008, sau cú sốc khủng hoảng tài chính, FED bắt đầu mua vào các MBS và trái phiếu kho bạc để có thể thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, khi nền kinh tế lại bắt đầu yếu đi, Chủ tịch FED Ben Bernanke khởi động lại chương trình vào tháng 8.2010, tiếp tục mua vào 600 tỷ USD tài sản. Gói kích thích này được gọi là QE2. Cho đến nay, cũng chưa có nghiên cứu nào thấu đáo cho biết tác động của QE1 tới đâu và nó đã thực sự giúp được gì cho nền kinh tế. Mặc dù vậy, đa số các chuyên gia cho rằng QE1 đã tỏ ra hữu hiệu khi ngăn chặn nền kinh tế rơi vào 1 cuộc suy thoái sâu rộng bởi mọi người nhận ra rằng FED sẽ làm bất cứ điều gì có thể để ngăn chặn giảm phát. QE1 là “gói kích thích niềm tin” khổng lồ. Nền kinh tế không còn lao dốc và lạm phát dần dần tăng lên. Về lý thuyết, các gói QE sẽ có 2 tác dụng. Thứ nhất, chúng bơm tiền vào các ngân hàng và cho phép các ngân hàng cho vay nhiều hơn. Thứ 2, chúng giúp giảm lãi suất. Ví dụ, nếu như FED mua vào lượng lớn MBS, chi phí khi vay tiền để mua 1 ngôi nhà sẽ thấp hơn rất nhiều. |