Gói kích thích QE3 - lời cam kết mạnh mẽ của FED
Sau nhiều đồn đoán, cuối cùng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tung ra gói nới lỏng tiền tệ thứ ba (QE). Đặc biệt so với hai gói kích thích trước ở tính “không giới hạn”, QE3 không chỉ đơn thuần là một chương trình mua trái phiếu mà còn là lời cam kết mạnh mẽ của FED về quyết tâm kích thích nền kinh tế.
Đây không phải lần đầu tiên FED sử dụng đến công cụ kích thích kinh tế này. Với tình trạng kinh tế Mỹ đã hồi sức nhưng không mấy khởi sắc sau 2 cú huých QE1 (trong năm 2008) và QE2 (năm 2010), với tổng quy mô gần 3.000 tỷ USD, thì việc thị trường dự đoán về QE3 là dễ hiểu. Nó cho thấy, gói QE3 không phải là cụm từ quá xa lạ. Nhưng điểm khác biệt ở chỗ, gói nới lỏng lần này sẽ là không giới hạn - một sự thay đổi rất lớn và nó cho thấy nỗ lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế của nước Mỹ. Theo đó, mỗi tháng, FED sẽ mua vào 40 tỷ USD chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) cho tới khi “thị trường lao động được cải thiện một cách bền vững”. Lãi suất gần 0% được duy trì cho tới giữa 2015 (thay vì tới cuối năm 2014 như trước đó) và tiếp tục thực hiện chương trình hoán đổi trái phiếu. Tổng cộng, cả 2 chương trình này sẽ làm tăng lượng trái phiếu dài hạn FED nắm giữ lên thêm 85 tỷ USD mỗi tháng. Như vậy, chương trình này đã chuyển đổi từ một chương trình mua trái phiếu thành lời cam kết cho những hành động của FED trong tương lai. FED không mua vào một lượng tài sản cố định và mong đợi sau đó nền kinh tế sẽ tiến lên. FED tuyên bố sẽ tiếp tục mua cho đến khi nền kinh tế tốt lên.
![]() Nguồn: scmp.com |
Mục tiêu chính của ngân hàng Trung ương là hạ thấp lãi suất, đặc biệt là lãi suất thế chấp. Nhưng dường như giải pháp giữ lãi suất ở mức gần 0% từ cuối năm 2008 đã không còn phát huy tác dụng. Và giờ đây QE được lựa chọn như một giải pháp yên tâm nhất để nới thêm biên độ giảm lãi suất. FED hy vọng việc bỏ nhiều tỷ USD để mua trái phiếu thế chấp có thể đánh thức thị trường nhà đất, giá cổ phiếu và các khu vực kinh tế khác giúp cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế và khắc phục tình trạng thất nghiệp.
Trong tuyên bố của mình, FED khẳng định họ không chỉ thực hiện QE3 mà còn dùng đến những công cụ chính sách khác trong trường hợp thị trường lao động không có nhiều dấu hiệu khả quan. Đây được xem là một nỗ lực rất lớn nhằm lấy lòng dân trong bối cảnh niềm tin trong lòng nước Mỹ đã cạn gần hết.
Động thái của FED đang trở thành tâm điểm tranh cãi của nước Mỹ, đặc biệt là khi chỉ còn không đầy 2 tháng nữa, cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo lợi ích mà quyết định này (QE3) mang lại là không nhiều và rủi ro thì không chắc chắn. Hai gói QE đầu tiên trước đó đã giúp giảm lãi suất và thúc đẩy thị trường cổ phiếu nhưng các ngân hàng lại chưa sẵn sàng và không hào hứng trong việc cho vay tiền. Các ngân hàng hiện đang ngồi trên đống dự trữ 1,6 ngàn tỷ USD và tiêu chuẩn tín dụng vẫn đang trong tình trạng thắt chặt sau cuộc khủng hoảng tài chính. Các hộ gia đình không bận tâm nhiều đến việc chi tiêu khi mà họ vẫn đang phải lo trả nợ.
Trong một phát biểu chính thức, đối thủ của Obama, ứng cử viên Mitt Romney gọi hành động của FED là “giả tạo và vô dụng”. Các thành viên của Đảng này cũng cho rằng, việc tăng cung tiền vào nền kinh tế sẽ khiến tình trạng lạm phát leo thang trong thời gian tới.
Trong số 12 thành viên tham gia bỏ phiếu về quyết định QE3 có 1 người phản đối kế hoạch của FED, đó là ông Jeffrey Lacker. Ông cho rằng, “quyết định này sẽ làm gia tăng nguy cơ lạm phát và bong bóng tài chính trong khi thực tế nó không giúp được nhiều cho nền kinh tế”.
Trong một điều tra mới đây của Wall Street Journal, các chuyên gia kinh tế cho rằng, một chương trình mua trái phiếu trị giá 500 tỷ USD chỉ có thể giảm được 0,1% tỷ lệ thất nghiệp và tăng khoảng 0,2% GDP. Như vậy, lợi ích từ kế hoạch của FED liệu có phải là quá ít ỏi nếu như những ước tính trên là đúng?
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác nhìn nhận rằng, điều quan trọng trong quyết định của FED là việc tạo dựng niềm tin. FED có mặt để giúp đỡ chứ không phải để in thêm tiền. Có lẽ quan trọng nhất từ QE3 là lời cam kết mạnh mẽ của FED về trách nhiệm với nền kinh tế chứ không phải việc họ sẽ tung ra bao nhiêu tiền.