Từ những lời của Mahatma

Hồ Anh Thái 13/09/2012 09:35

New Delhi, năm 1992. Tôi đi cùng ông đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ đến khu tưởng niệm Mahatma Gandhi. Tôi giải thích cho ông, chữ Mahatma là ghép của hai chữ: Maha là lớn, là vĩ đại. Atma là tâm hồn, linh hồn, bậc thánh. Mahatma là tâm hồn vĩ đại, hay là bậc đại thánh. Chữ này lần đầu tiên được đại thi hào Ấn Độ là Rabindranath Tagore dùng để nói về lãnh tụ Mohandas Kramchand Gandhi, rồi từ bấy đến giờ, cả dân tộc Ấn gọi Gandhi như vậy, cả nhân loại gọi ông như vậy.

Ông đại sứ mở sổ tay, ghi vào đó một dòng vắn tắt. Mahatma = đại thánh.

Việc ghi chép chưa dừng lại ở đấy. Trong khuôn viên khu tưởng niệm có một tấm bia cẩm thạch màu đen, trên đó khắc những lời của Mahatma Gandhi. Đại sứ dừng lại trước tấm bia, đọc, rồi gọi tôi đến. Ông cần người dịch lại một cách cặn kẽ để hiểu cho đúng hơn. Tôi khi ấy là thư ký đại sứ. Tôi đã nhìn thấy tấm bia này nhiều lần. Tôi đã đến đây nhiều lần. Những câu khắc trên bia thật hay nhưng với tôi không phải là lần đầu nữa. Còn bây giờ là lần đầu tiên tôi phải dịch nó theo kiểu dịch một văn bản. Cái hiểu vì thế cũng cụ thể và kỹ lưỡng hơn.

Seven social sins:
- Politics without principle
- Wealth without work
- Pleasure without conscience
- Knowledge without character
- Commerce without morality
- Science without humanity
- Worship without sacrifice.

Đại sứ Vũ Xuân Áng (bên phải) cùng Thủ tướng ấn Độ Rajiv Gandhi, New Delhi 1989
Đại sứ Vũ Xuân Áng (bên phải) cùng Thủ tướng ấn Độ Rajiv Gandhi, New Delhi 1989

Đó là định nghĩa của Mahatma Gandhi về bảy cái tội của người đời:

- Làm chính trị mà vô nguyên tắc
- Có của cải mà không nhờ lao động
- Hưởng lạc thú mà không có lương tâm
- Có tri thức mà không có nhân cách
- Làm thương mại mà vô đạo đức
- Làm khoa học mà không nhân văn
- Có thờ cúng mà không chịu hiến dâng.

Dịch xong, tôi để ông đại sứ ở lại với tấm bia, rồi một mình tản bộ trong khuôn viên khu tưởng niệm nhiều cây xanh.

Mấy ngày sau, ông chìa cuốn sổ ra, nói tôi dịch lại lần nữa. Hóa ra hôm trước ông đã chép lại đầy đủ định nghĩa bảy tội lỗi. Bây giờ thì ông chép lại đầy đủ phần dịch tiếng Việt và học thuộc. Nhờ ông chép lại mấy câu ấy mà tôi mới làm theo mà cũng chép lại, và giờ đây, sau hai chục năm, mới có tư liệu chính xác để viết lại chuyện này.

Ông vẫn tự học theo kiểu ấy. Chép lại những câu những đoạn mà ông tâm đắc rồi cố gắng học thuộc. Đó là cách học của một ông đại sứ khi ấy ở tuổi sáu mươi ba.

Năm 1978 chúng tôi vào Đại học Ngoại giao, ông là quyền hiệu trưởng. Tôi nhớ ông bước vào lớp mới nhập học của chúng tôi, đi dọc theo bàn đầu mà hỏi mấy sinh viên ngồi ở đó: Cháu con ai?

Cháu con ai? Tôi đã đưa chi tiết này vào một tiểu thuyết. Người hỏi mặc nhiên nghĩ rằng đám sinh viên đều là con em trong ngành, đều là hậu thế của đồng nghiệp. Nhưng sau này, làm việc dưới quyền ông và hiểu tính cách ông, tôi mới hiểu câu hỏi ấy xuất phát từ một tấm lòng thật thà đôn hậu. Người khéo miệng không hỏi một câu như vậy. Nhưng ông đã hỏi, hỏi thật thà, không hàm ý phân định thân sơ đẳng cấp.

Chi tiết này giúp tôi một nhận thức, người viết văn viết báo đôi khi vội vàng trong đánh giá và tái hiện hiện thực. Thoáng đi qua, bắt chộp được một câu nói, một hành vi, ta tưởng như vậy là đã đủ hiểu người, đã nắm được chân lý, nhưng thực ra là chưa.

Ông không phải là nhà sư phạm được đào tạo chuyên nghiệp, mà chỉ là một cán bộ ngoại giao, được ngành cử ra làm quản lý trường đại học của ngành. Thế mà duyên nợ sư phạm theo ông cho đến cả khi đã về hưu, ông nhận làm trưởng khoa Quan hệ quốc tế cho một trường đại học dân lập ở Hà Nội, trực tiếp truyền thụ kinh nghiệm và kiến thức của một nhà ngoại giao kỳ cựu cho lớp con cháu.

Sau thời kỳ quản lý Đại học Ngoại giao, ông quay về bộ làm vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ, được đề bạt thứ trưởng Ngoại giao, rồi đi làm đại sứ. Mười năm sau cuộc gặp đầu tiên với thầy quyền hiệu trưởng, tôi gặp vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ. Tôi là cán bộ trẻ của ngành được học bổng đi du học. Học bổng của nước bạn rất thấp. Đại sứ tỏ lòng thông cảm bằng cách mở lớp tiếng Anh cho một số nhân viên sứ quán, chúng tôi được đến dạy để có thêm thu nhập. Dịp tôi nghỉ hè, ông đưa tôi vào làm ở phòng lễ tân tiếp khách đến giao dịch, cũng là để có thêm chút thu nhập. Cái nóng mùa hè ở New Delhi có khi lên đến bốn mươi lăm độ, nhưng tôi được làm việc trong văn phòng có điều hòa nhiệt độ, và buổi tối được sử dụng căn phòng ấy để ngồi viết văn.

Sau khi tôi kết thúc việc học hành, ông nhận tôi vào sứ quán, làm thư ký đại sứ. Tôi giúp ông thảo một số công văn giấy tờ, tiếp nhận nội dung các cuộc hẹn, lập chương trình công tác cho đại sứ. Dịch những bài phát biểu những bài viết của đại sứ cho truyền hình và báo chí bản địa. Làm phiên dịch cho ông trong những cuộc tiếp xúc. Một bài nói, sau khi được dịch, ông thường bảo tôi đọc vào máy ghi âm, ông nghe để luyện phát âm, đảm bảo khi lên truyền hình, lên đài phát thanh thì có thể tự đọc mà không cần phiên dịch đi kèm.

Trong những chuyến tháp tùng ông đi làm việc ở thủ đô và một số vùng trên tiểu lục địa Ấn Độ, tôi nghe ông kể đôi chút về thời chiến. Ngày ấy ông phụ trách công tác giao thông vận tải ở cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa. Chiếc cầu nằm trên tuyến đường huyết mạch vận chuyển lương thực vũ khí từ bắc vào nam. Vì thế mà cầu nhỏ tí nhưng bị máy bay Mỹ đánh bom ba ngày năm trận, đấy là cách nói tính đếm số nhiều, trên thực tế có ngày hàng chục trận bom. Ông kể chuyện thời chống Pháp, có lần đi công tác cùng một anh cán bộ, anh kia cưỡi một con ngựa cái. Qua một cái làng, cả đàn ngựa đực nhìn thấy con ngựa cái phóng qua, chúng lồng lộn đuổi theo, anh kia bị một trận ngựa lồng chí chết. Vui chuyện, tôi cung cấp cho ông một câu chơi chữ luyện phát âm: The mayor is riding on a mare. Ngài thị trưởng cưỡi con ngựa cái. Chữ thị trưởng và con ngựa cái viết khác nhau nhưng phát âm như nhau. Ông được dịp cười sảng khoái.

Dấu tích một thời đạn bom hầu như không còn trong một nhà ngoại giao hiền hậu bây giờ. Một nhà ngoại giao từng làm công tác tổ chức cán bộ nên rất biết cân bằng giữa những cán bộ có nhiều mắc mớ. Rất biết ai là ai, nhưng cũng rất biết làm thế nào để giữ cho cơ quan bình yên. Vị phó của ông luôn thành kiến với cán bộ trẻ, tìm cách chứng tỏ uy oai trước cán bộ trẻ. Đi xa hơn một bước, anh ta tìm cách chia rẽ chúng tôi. Một bên là ông phó, một bên là thư ký của đại sứ. Ông đã khéo thu xếp để không ngả về bên ông phó mà ông biết là lặt vặt thiếu bao dung, nhưng cũng không tỏ ra bênh vực thư ký riêng của mình. Một anh bạn đồng nghiệp của tôi sau giờ làm việc thường đi việc riêng, về muộn. Anh phó biết vậy bèn khóa cửa ra vào, trước đó cửa vốn vẫn mở suốt ngày đêm, vì cổng đã có cảnh sát đứng gác. Anh bạn kia không còn lối vào nhà, phải trèo tường lên qua cửa sổ căn bếp ở tầng hai. Ít lâu sau, anh phó rình biết được, bèn khóa nốt cửa sổ căn bếp, anh cán bộ trẻ hết đường trèo vào. Nửa đêm, trong cơn lôi đình, anh bấm chuông náo động, rồi cãi nhau tay đôi với anh phó. Anh phó hầm hầm chạy đến đập cửa phòng đại sứ, đề nghị sáng hôm sau sẽ lôi anh bạn kia ra kiểm điểm. Lát sau, anh bạn kia lại phát hiện ra anh phó đang ghé tai vào cửa phòng mình nghe trộm, lại ồn lên một trận nữa. Anh đối đáp rằng cứ việc kéo nhau ra kiểm điểm, anh sẽ nói hết với mọi người những gì chưa biết về anh phó. Phó ta sợ. Lại đến đập cửa phòng đại sứ, anh ạ, cậu ấy có nhiều sai lầm, nhưng chúng ta cũng cần rộng lượng, mai ta chưa vội kiểm điểm cậu ấy làm gì.

Là người luôn duy trì sự cân bằng giữa các thế lực, nhưng khi cần cũng là người thẳng thắn. Đại sứ lúc này chọn cách bộc lộ thái độ trực tiếp. Chỉ vừa mới cách đây ba mươi phút, lúc nửa đêm anh còn yêu cầu tôi phải tổ chức kiểm điểm, bây giờ lại đổi giọng là không được. Ngày mai chúng ta vẫn làm, để đúng sai công tội rõ ràng.

Và ông đã làm được cái việc giữ bình yên trong cơ quan. Cũng phải kiên quyết mà mềm dẻo lắm mới không làm mất cái thế cân bằng trong một tập thể. Đôi bên chắc vẫn chưa thôi ấm ức vì mình đã không hoàn toàn chiến thắng, nhưng đôi bên đã giữ được thể diện để tiếp tục làm việc cùng nhau. Vị phó ấy giờ đã về hưu, giờ lại chuyển sang giọng điệu rằng mỗi lần đi qua cơ quan bộ chỉ còn biết khép nép nhìn vào mà ngưỡng vọng. Còn anh cán bộ trẻ kia giờ là đại sứ ở một nước châu Âu. Kinh nghiệm một thời làm việc với người từng trải chẳng biết có giúp được gì cho họ bây giờ.

Riêng tôi còn giữ lại ký ức về thời kỳ làm việc với một nhà ngoại giao lịch lãm, lịch lãm không phải qua con đường kinh viện sách vở, mà qua trực nghiệm. Ngay từ thời tôi còn dịch tài liệu để cho ông học thuộc. Ngay từ thời dịch các bài viết rồi đọc vào máy ghi âm để ông phát âm theo. Ngay từ thời ấy, tôi đã biết không phải tôi đang hỗ trợ tiếng Anh cho ông, mà ông mới chính là thầy tôi. Ông dạy tôi bằng tấm gương hiếu học của một vị đại sứ tuổi ngoài sáu mươi. Ông là thầy tôi qua những bài học trực nghiệm trong hoạt động ngoại giao, tôi học qua quan sát, qua thực chứng mà thu thập kinh nghiệm. Ông là thầy tôi trong cách xử thế ở những tình huống hiểm nghèo, khi quan hệ giữa con người với con người mất cân bằng, và bộc phát, đe dọa mối đoàn kết và bình yên trong cơ quan.

Tôi có nhiều người thầy. Và ông đích thực là thầy tôi, nhà ngoại giao Vũ Xuân Áng. 

Hồ Anh Thái