Các thuốc không được dùng khi mắc sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là một bệnh cảnh phong phú đa dạng, cơ chế bệnh sinh phức tạp nên việc sử dụng thuốc và dịch truyền phải hết sức thận trọng và căn cứ vào tình trạng thực tế của từng bệnh nhân.
Nhận biết sốt xuất huyết
Các biểu hiện chính của sốt xuất huyết là có sốt và xuất huyết. Bệnh nhân sau khi bị nhiễm virus sẽ có thời gian ủ bệnh khoảng 1 tuần. Các triệu chứng ban đầu là hội chứng nhiễm virut không đặc hiệu với sốt cao liên tục 39 – 40 độ C, đau đầu, đau mỏi khắp người, buồn nôn, nôn. Xuất huyết thường xảy ra ở ngày thứ 6 trở đi, khi sốt đã bắt đầu giảm. Xuất huyết có thể biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau như xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não….
Nặng nhất là khi sốt xuất huyết có sốc với các biểu hiện như mạch nhanh, vã mồ hôi, vật vã kích thích, chân tay lạnh, huyết áp tụt. Tổn thương gan cũng là triệu chứng hay gặp như gan to và tăng men gan.
Lưu ý khi sử dụng thuốc
Căn cứ vào cơ chế bệnh sinh như trên, có một số thuốc bị chống chỉ định và một số thuốc phải được dùng thận trọng trong sốt xuất huyết.
Các thuốc nhóm hạ sốt, giảm đau chống viêm. Trong nhóm này, aspirin và ibuprofen tuyệt đối không được dùng do có thể gây viêm dạ dày, giảm kết tụ tiểu cầu làm xuất huyết nặng thêm và hội chứng Reye ở trẻ em. Paracetamol (acetaminophen) là một thuốc được khuyến cáo sử dụng tương đối an toàn để hạ sốt trong sốt xuất huyết nhưng liều lượng cũng phải được tính toán kỹ theo lứa tuổi, không được sử dụng quá liều.
Thuốc kháng sinh không được khuyến cáo sử dụng trừ trường hợp có biểu hiện nhiễm trùng hoặc có nguy cơ nhiễm trùng (như bệnh nhân nặng phải thở máy, bệnh nhân đang kèm viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu…). Đối với trường hợp bắt buộc phải dùng kháng sinh, hết sức lưu ý các hoạt chất có thể làm giảm số lượng tiểu cầu (như cetriaxone, vancomycin, sulfonamide). Khi sốt xuất huyết có biểu hiện suy gan, suy thận, các kháng sinh gây độc cho gan và thận phải được cân nhắc kỹ trước khi sử dụng.
Dịch truyền cũng cần phải được sử dụng đúng và đủ.
Dung dịch dextrans (cao phân tử) có nguy cơ làm chảy máu do giảm khả năng kết tập tiểu cầu, gây giảm hoạt hóa yếu tố VIII, tăng hoạt hóa sự tiêu fibrin nên cũng cần thận trọng khi truyền cho bệnh nhân sốt xuất huyết có sốc và tiểu cầu giảm nặng.
Corticoid không được khuyến cáo sử dụng do không được chứng minh là có hiệu quả mà thậm chí còn gây hại như tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Một số thuốc khác cũng có khả năng làm giảm tiểu cầu như thuốc giảm tiết dịch vị (ranitidin, cimetidin), lợi tiểu (chlorothiazide, hydrochlorothiazide) cũng nên tránh dùng cho bệnh nhân sốt xuất huyết.