Quá tải ở Seoul: Căn bệnh của những thủ đô

Kim Chi
Theo Le Monde
07/09/2012 08:41

Là nơi tập trung một nửa số dân, 1/3 lực lượng lao động và 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của xứ kim chi, thủ đô Seoul từ nhiều năm nay luôn rơi vào tình trạng quá tải đô thị. Chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách quy hoạch phân bổ lại của cải vật chất và lao động cho đồng đều hơn, song việc làm này có thể ảnh hưởng đến sự năng động kinh tế của đất nước.

Với nhiều người Hàn Quốc, được về thủ đô sinh cơ lập nghiệp là một giấc mơ, nhất là đối với những người dân ở vùng thôn quê hay các thành phố nhỏ. Hiện tại, “vùng thủ đô”, sáp nhập với thành phố lân cận Incheon và tỉnh Gyeonggi có tổng dân số 24,5 triệu người, tức gần bằng một nửa dân số của cả nước. Vào năm 1960, dân số của Seoul mới chỉ có 2,4 triệu, bằng 1/10 so với hiện nay. Về mặt kinh tế, trong năm 2010, thủ đô có thu nhập trên 200 tỷ USD, tức chiếm 20% GDP. Toàn vùng Seoul tập trung 1/3 lực lượng lao động và 50% lượng tiền tiết kiệm của cả nước.

Mặc dù giá cả đời sống đắt đỏ, vấn đề giao thông, ô nhiễm nảy sinh do tập trung dân cư quá cao, nhưng rất ít người muốn rời khỏi thủ đô.

Seoul năm 2008
Seoul năm 2008

Từng là cố đô của Vương quốc Triều Tiên (1392 - 1910), ngay từ thế kỷ XVIII, khi đó Seoul chỉ có 200.000 dân nhưng đã là một trung tâm quyền lực chính trị, kinh tế và văn hóa. Sau năm 1945, Seoul trở thành thủ đô chính thức của Hàn Quốc và bắt đầu từ năm 1960, thành phố này mới thu hút sự chú ý bởi sức phát triển kinh tế ngoạn mục. Đến thập kỷ 70 của thế kỷ XX, những kế họach phát triển tập trung vào công nghiệp nặng đã nhanh chóng đưa Hàn Quốc lên hàng các nước công nghiệp phát triển, đồng thời nhịp độ hiện đại hóa Seoul cũng được đẩy nhanh không ngừng. Nhiều thành phố vệ tinh mọc lên như nấm sau mưa bao quanh thủ đô để đáp ứng các hoạt động công nghiệp hóa đất nước.

Đến cuối thập kỷ 80, dân số Seoul đã đạt con số 10 triệu người. Ngay từ khi đó, người Hàn Quốc đã nhận ra sự mất cân đối khi tập trung quá nhiều vào vùng thủ đô. Chính quyền đã thông qua bộ luật về quy hoạch các thành phố, hạn chế xây dựng thêm các cơ sở, nhà máy, trường đại học với mục đích ngăn chặn dân ngoại tỉnh nhập cư về thủ đô. Chính sách phân tán, giảm tải cho thủ đô tiếp tục được Chính phủ Hàn Quốc theo đuổi trong những thập kỷ sau đó cho đến tận bây giờ, với việc mở rộng các dự án xây dựng nhiều thành phố lớn ở các vùng khác của đất nước. Nhưng với sự phát triển công nghệ mới, dù đã giảm bớt các khu công nghiệp, Seoul vẫn là trung tâm của công nghệ thông tin, thu hút 35.000 kỹ thuật viên cao cấp hàng năm tốt nghiệp từ 400 trường đại học. Seoul vẫn là trung tâm kinh tế của cả Hàn Quốc, mặc dù chính quyền vẫn tiếp tục các nỗ lực phân tán quy hoạch thành phố.

Nhằm giảm bớt tình trạng quá tải và chấn hưng kinh tế ở thủ đô Seoul và các vùng lân cận, ngay từ năm 2002, Tổng thống Roh Moo-hyun khi đó đã đề xuất dự án xây dựng trung tâm hành chính mới ở thành phố Sejong, miền Trung nước này. Mục tiêu của dự án Sejong là tái cân bằng sự phát triển của quốc gia và giải tỏa bớt dân số quá đông ở thủ đô Seoul và các thành phố vệ tinh.

Theo kế hoạch, tháng Chín tới, Văn phòng Thủ tướng Hàn Quốc (PMO) sẽ bắt đầu di dời các cơ quan trực thuộc Chính phủ về “thủ đô thu nhỏ” Sejong – thành phố được đặt tên theo vua Triều Tiên Thế Tông, người có công sáng lập bảng chữ cái Triều Tiên. Dự kiến có hơn 10.000 quan chức chính phủ sẽ chuyển tới Sejong theo từng giai đoạn từ tháng 9.2012 đến cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015.

Thành phố Sejong nằm cách thủ đô Seoul khoảng 150km về phía Nam, sẽ là trung tâm hành chính với 36 bộ và cơ quan trực thuộc chính phủ, khoảng 10 cơ quan nhà nước. Riêng Nhà Xanh (Văn phòng Tổng thống), Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Quốc hội vẫn ở lại Seoul. Những cư dân đầu tiên của thành phố đã định cư tại đây từ tháng 12.2011. Khu vực này đã được đầu tư 8,5 nghìn tỷ won xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện, khí đốt, bệnh viện và trường học. Dự kiến khoảng 20.000 người sẽ chuyển đến Sejong vào cuối năm nay và đến năm 2030, dân số của thành phố dự kiến sẽ vào khoảng 500.000 người.

Trải rộng trên diện tích 465km2, gần bằng 70% diện tích của Seoul, “thủ đô thu nhỏ” Sejong sẽ là thành phố rộng thứ 17 của Hàn Quốc sau thủ đô Seoul, 6 thành phố lớn và 9 tỉnh khác. Theo Yonhap, tổng chi phí đầu tư vào Sejong lên đến 19,4 tỷ USD, trong đó có hơn 7,4 tỷ USD là ngân sách nhà nước. Việc thành phố Sejong mở cửa đã tạm khép lại những tranh cãi chính trị suốt 10 năm qua. Theo quyết định của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc năm 2004, Seoul tiếp tục là thủ đô và Sejong được chọn làm thành phố hành chính.

Kim Chi<br>Theo <i>Le Monde</i>