“Bức tường Berlin” lại ám ảnh châu Âu
Vào cuối tháng 8.2012, một số bộ trưởng châu Âu đã lên tiếng cảnh báo, cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay có thể sẽ chia rẽ “lục địa già” này thành hai nửa Bắc và Nam, giống như sự phân chia giữa Đông và Tây Âu trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Có vẻ như bóng ma “Bức tường Berlin” đang trỗi dậy và ám ảnh người dân châu lục này.
Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã phát nổ đầu tiên ở Hy Lạp vào đầu năm 2010. Lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 2 năm của Hy Lạp liên tục tăng, từ 3,47% vào tháng 1.2010 lên 9,73% tháng 7.2010, rồi nhảy vọt lên 26,65%/năm vào tháng 7.2011. Sau đó, cuộc khủng hoảng đã lan sang các nước ở phía Nam của châu Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italy.
Một nghiên cứu về các chỉ số kinh tế quan trọng được đăng tải trên tờ The Economist của Anh gần đây cho thấy, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công, khoảng cách kinh tế giữa các nước đang nợ đầm đìa ở Nam Âu và các nước ở Bắc Âu lớn như thế nào. Chẳng hạn, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Italy lên tới 5,9%, trong khi chi phí vay nợ của chính phủ Đức chỉ là 1,2%. Các nước Nam Âu cũng có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp bình quân 10,3% của EU. Tỷ lệ nợ công trên GDP ở những nước này cũng cao hơn so với mức trung bình 82,2% của EU (159,1% ở Hy Lạp, 119,6% ở Italy và 110,1% ở Bồ Đào Nha).

Tuy nhiên, vào thời khắc cần phải đoàn kết, các nước ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lại bất đồng trong cách thức giải quyết khủng hoảng. Hiện nay, các nước thành viên Eurozone đang bị chia thành hai nhóm: một bên ủng hộ tiếp tục thực hiện các biện pháp “thắt lưng, buộc bụng” để giảm tỷ lệ nợ công; một bên ủng hộ kích thích tăng trưởng trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng nợ công đã tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng ở phần lớn các nền kinh tế trong khu vực.
Trong lúc có các quan ngại rằng virus nợ công đang lây lan và có thể sẽ dẫn tới sự sụp đổ của Tây Ban Nha và Italy, một số ý kiến cho rằng cần chia Eurozone thành hai phần: khu vực có đồng euro mạnh hơn ở phía Bắc và khu vực có đồng euro yếu hơn ở phía Nam, với mục đích giúp các nước phía Nam dễ dàng điều tiết nền kinh tế của họ. Tuy nhiên, những đề xuất như vậy đang làm nhiều người lo ngại về một “Bức tường Berlin” mới ở châu Âu.
Ngày 23.8, các Bộ trưởng ngoại giao Đức và ba nước Baltic gồm Litva, Latvia và Estonia đã ra tuyên bố chung cảnh báo “hai thập kỷ đã trôi qua kể từ sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin, một sự chia rẽ mới có nguy cơ phân chia lục địa của chúng ta thành hai nửa Bắc và Nam”.
Cùng ngày, Bộ trưởng về các vấn đề châu Âu của Phần Lan cũng đưa ra các cảnh báo tương tự. Trả lời phỏng vấn tờ Dagens Nyheter của Thụy Điển, Bộ trưởng Alexander Stubb nói: “châu Âu đã bị chia rẽ giữa Đông và Tây trong gần 50 năm và việc nó bị phân chia thành Bắc và Nam như hiện nay thật vô nghĩa. Chúng tôi không muốn một Bức tường Berlin mới.
Theo các nhà phân tích, sự chia rẽ là một “căn bệnh mãn tính” của châu Âu. Trong quá khứ, các ước vọng hòa bình và thống nhất của châu lục này đã nhiều lần bị hủy hoại bởi các cuộc chiến hay những tranh cãi về tôn giáo, chính trị hoặc hệ tư tưởng. Và ở thời điểm hiện tại, cuộc khủng hoảng nợ công lại một lần nữa làm cho “căn bệnh” nặng thêm.
Ở Eurozone hiện nay, trong lúc các nền kinh tế ở phía Nam, nhất là Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italy, đang phải vật lộn với vô vàn khó khăn về mặt kinh tế như một hậu quả tất yếu của cuộc khủng hoảng nợ công, thì các nền kinh tế ở phía Bắc vẫn đang đứng vững. Vì vậy, song song với việc thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng, các nền kinh tế phía Nam buộc phải phụ thuộc vào các gói cứu trợ kinh tế từ các quốc gia thịnh vượng hơn ở phía Bắc.
Ông Indermit Gill, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Âu và Trung Á của Ngân hàng Thế giới (WB), ví von nền kinh tế EU như một hệ thống giao thông gồm ba làn, trong đó làn tốc độ thấp ở Tây Âu, làn tốc độ cao ở Đông Âu và làn thứ ba gồm các nước ở Nam Âu, “nơi ô tô đang chạy giật lùi”.
Tuy nhiên, có vẻ như sự chia rẽ ở châu Âu đã vượt ra ngoài lĩnh vực kinh tế khi các nước châu Âu không thể đồng thuận trong việc giải thích nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay. Một số đổ lỗi cho những thất bại về chính sách kinh tế hoặc các yếu kém mang tính hệ thống của Eurozone. Một số khác lại đưa ra các giải thích mang tính chỉ trích các quốc gia Nam Âu khi cho rằng nguyên nhân sâu xa chính là sự chi tiêu phóng túng của những người ở Nam Âu, vốn thường phản đối sự thận trọng của những người Bắc Âu.
Không chỉ có vậy, trong quá trình tìm hướng giải quyết cho cuộc khủng hoảng hiện nay, các nước Eurozone còn bất đồng về trách nhiệm chia sẻ gánh nặng nợ công. Những bất đồng về quan điểm này đang đe dọa các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay và sự bền vững của liên minh tiền tệ này.
Trong bối cảnh đó, trong tuyên bố chung Litva, các bộ trưởng ngoại giao Đức và ba nước Baltic khẳng định quyết tâm không để xảy ra sự chia rẽ ở châu Âu. Theo các chuyên gia phân tích, hơn lúc nào hết, các quốc gia châu Âu cần phải đoàn kết, không để “Bức tường Berlin” tái hình thành, ngăn cách châu lục này.