Bàn thêm về miễn nhiệm các chức danh do HĐND bầu

Hồng Hạnh 29/08/2012 08:29

Trên thực tế, việc cấp trên đã quyết định điều chuyển, cán bộ không còn giữ chức vụ do HĐND bầu nhưng có địa phương HĐND vẫn ra nghị quyết miễn nhiệm trước khi bầu bổ sung người đảm nhận chức danh này, có địa phương chỉ thực hiện quy trình bầu bổ sung. Vậy, thực hiện quy trình nào là đúng?

Các điều 17, 25 và 34 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 quy định, HĐND các cấp đều có nhiệm vụ và quyền hạn trong việc miễn nhiệm các chức danh do HĐND bầu theo quy định. Tại khoản 3 điều 64 cũng có quy định: căn cứ vào kết quả giám sát, HĐND có quyền miễn nhiệm các chức danh do HĐND bầu theo quy định của pháp luật. Cách thức, quy trình thực hiện là “theo quy định của pháp luật”. Nhưng khi có những vấn đề liên quan đến xem xét để miễn nhiệm cán bộ thuộc các chức danh nói trên, việc tìm kiếm những quy định của pháp luật quả thật không đơn giản.

Đối với các chức danh của HĐND như Chủ tịch, Phó chủ tịch, ủy viên thường trực, lãnh đạo và thành viên các ban HĐND, đối tượng, quy trình, cũng như thủ tục của việc miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND ngoài được quy định cụ thể trong Chương XI, Quy chế hoạt động của HĐND được ban hành kèm theo Nghị quyết số 753/2005/UBTVQH11, không còn có quy định hay hướng dẫn thêm.

Đối với các chức danh của UBND do HĐND bầu thì song hành với quy định về trách nhiệm và quyền hạn của HĐND tại Luật Tổ chức HĐND và UBND còn quy định cụ thể tại khoản 3, Điều 127: Chủ tịch UBND có quyền điều động, đình chỉ công tác, miễn nhiệm, cách chức các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp... bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức nhà nước theo sự phân cấp quản lý. Như vậy, Chủ tịch UBND cấp trên vừa có thẩm quyền điều động luân chuyển... vừa có thẩm quyền miễn nhiệm các chức danh chủ chốt của UBND cấp dưới trực tiếp. Từ quy định ở điều 127, vấn đề đặt ra là khi đã có quyết định của cấp có thẩm quyền về điều động, luân chuyển hay cho nghỉ theo chế độ đối với các chức danh chủ chốt của UBND thì HĐND có phải xem xét để thực hiện quy trình miễn nhiệm nữa không? Trong thực tế, cách hiểu và cách làm ở từng địa phương còn khác nhau.

Cách hiểu và cách làm thứ nhất cho rằng: khi cơ quan có thẩm quyền đã có quyết định điều động, luân chuyển, cho nghỉ chế độ... đối với các chức danh chủ chốt của UBND thì HĐND không cần phải xem xét để miễm nhiệm nữa, vì như vậy là hình thức. Trong thực tế nhiều trường hợp các chức danh do HĐND bầu được điều động, luân chuyển hoặc nghỉ hưu cùng hoặc sau thời điểm HĐND miễn nhiệm thì không có gì vướng mắc, nhưng thực tế thì HĐND một năm chỉ họp vài lần trong khi công tác cán bộ trong nhiều trường hợp cần phải được cơ cấu, bố trí lại ngay mà không thể chờ đợi HĐND họp để ra nghị quyết một cách đồng thời. Theo đó, khi Chủ tịch UBND cấp trên đã có quyết định điều động, đình chỉ công tác, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp; phê chuẩn việc miễn nhiệm, bãi nhiệm các thành viên của UBND cấp dưới trực tiếp; bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức nhà nước theo sự phân cấp quản lý thì HĐND không phải tiến hành quy trình miễn nhiệm và ban hành nghị quyết miễn nhiệm nữa. Bên cạnh đó, khi quyết định có hiệu lực, cá nhân được điều chuyển đó cũng đã thực hiện quyết định rồi mà một thời gian sau (có thể là nhiều ngày, nhiều tháng) HĐND mới làm công việc là miễn nhiệm chức danh không còn nữa của họ, xét về mặt hình thức là không cần thiết.

Tuy nhiên, cũng theo quy định của pháp luật, cách hiểu và cách làm thứ hai là: mặc dù có quyết định điều động thì việc miễn nhiệm các chức danh do HĐND bầu ra là trách nhiệm của HĐND nên vẫn phải làm theo quy định. Cơ sở pháp lý của cách làm này là theo Hướng dẫn của Bộ Nội vụ tại công văn số 975/HD-BNV ban hành ngày 4.5.2004 quy định khá cụ thể vấn đề miễn nhiệm các chức danh của UBND do HĐND bầu. Điểm 2.1 mục III của Công văn nói trên quy định: “Trường hợp miễn nhiệm thành viên UBND do được điều động, luân chuyển công tác, được nghỉ theo chế độ, hoặc vì lý do khác, Chủ tịch UBND báo cáo HĐND về lý do miễn nhiệm chức danh thành viên UBND. Đại biểu HĐND thảo luận và tiến hành bỏ phiếu, nếu quá nửa số đại biểu HĐND tán thành thì HĐND ra nghị quyết miễn nhiệm chức danh UBND”. Nghĩa là, HĐND phải ra nghị quyết miễn nhiệm các trường hợp nói trên, kể cả đối với người đã có quyết định điều chuyển mà pháp luật quy định.

Thực tế nhiều trường hợp đã có quyết định của cấp có thẩm quyền cho nghỉ hưu, điều động đi nơi khác nhưng sau đó nhiều tháng HĐND vẫn phải làm thủ tục miễn nhiệm chức danh không còn nữa của họ. Làm như thế liệu có hình thức? Khi họ không còn giữ chức danh thành viên UBND do HĐND bầu ra theo quyết định của cấp trên, việc yêu cầu họ đọc đơn xin thôi giữ chức danh đó cũng là một điều bất hợp lý. Vì khi anh được điều động đi nơi khác hoặc nghỉ hưu thì đương nhiên anh không còn giữ chức danh đó nữa (đã có quyết định của cấp có thẩm quyền). Vậy thì xin thôi để làm gì khi thực tế anh đã thôi rồi?

Theo quy định tại Điều 90, Quy chế hoạt động của HĐND 2005 thì “Đại biểu Hội đồng nhân dân xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu và được Hội đồng nhân dân chấp thuận, bị bãi nhiệm hoặc bị Tòa án kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi các chức vụ mà theo quy định của pháp luật phải là đại biểu Hội đồng nhân dân mới được làm.

Đại biểu Hội đồng nhân dân bị tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu thì đương nhiên bị tạm đình chỉ các chức vụ mà theo quy định của pháp luật phải là đại biểu Hội đồng nhân dân mới được làm”. Do vậy, đối với các đại biểu HĐND giữ chức danh HĐND bầu gồm: Chủ tịch, Phó chủ tịch, ủy viên thường trực, lãnh đạo và thành viên các ban HĐND và Chức danh Chủ tịch UBND đầu nhiệm kỳ, khi xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu đương nhiên thôi các chức vụ đó, HĐND không cần phải đưa ra bàn và ra nghị quyết để miễn nhiệm các chức danh đó nữa. Việc xin thôi làm nhiệm vụ của đại biểu HĐND đã được quy định cụ thể tại Chương XI, Quy chế hoạt động của HĐND.

Như vậy, theo điều 90 Quy chế hoạt động của HĐND thì việc HĐND các địa phương thực hiện quy trình miễn nhiệm các chức vụ mà theo quy định phải là đại biểu HĐND mới được làm là trái pháp luật.

Do đó, để có sự thống nhất trong quy trình miễn nhiệm các chức danh do HĐND bầu trong lúc chờ Quốc hội có những sửa đổi, bổ sung, nâng cao chất lượng văn bản pháp luật trên lĩnh vực tổ chức cán bộ, trước hết HĐND cần nghiên cứu kỹ Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp, Nghị quyết số 753/2005/UBTVQH11 về việc ban hành Quy chế hoạt động của HĐND để thực hiện đúng quy trình, thống nhất trong việc miễn nhiệm các chức danh do HĐND bầu.

Hồng Hạnh