Tư duy lối mòn sẽ giết chết doanh nghiệp Việt
Doanh nghiệp Việt đang trong giai đoạn khó khăn. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động; hàng trăm nghìn doanh nghiệp khác đang hoạt động cầm chừng. Đây có thể chính là sự sàng lọc của thị trường theo nguyên tắc “khỏe thì còn, yếu thì chết”. Tuy nhiên, như thế nào là khỏe, và làm thế nào để khỏe, thì không phải doanh nghiệp nào cũng định nghĩa được rõ ràng.
Tại rất nhiều diễn đàn kinh tế, các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần khuyến cáo giới chủ doanh nghiệp rằng “thông tin trong kinh tế thị trường là yếu tố sống còn với doanh nghiệp”, rằng sự nhạy bén trong xử lý thông tin thị trường chính là bí quyết của thành công… Và sự nhạy bén này là một kỹ năng tổng hợp mà một người muốn điều hành doanh nghiệp thành công phải luôn học hỏi, trau dồi và mài sắc. Thế nhưng, con số thống kê của một tổ chức chuyên đào tạo doanh nhân cho thấy tỷ lệ các doanh nhân đang điều hành doanh nghiệp đăng ký các khóa đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn rất thấp. Thậm chí có đến hơn 50% số người đã đăng ký bỏ học giữa chừng với lý do bận. Điều tra của một tổ chức phi chính phủ phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, chỉ có 30% số giám đốc doanh nghiệp nhà nước đang điều hành công ty là có bằng cấp chuyên môn đúng chuyên ngành đang hoạt động. 70% số doanh nhân được điều tra trong gần 1.000 doanh nghiệp chỉ tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về chính trị, chưa tham gia khóa đào tạo chuyên môn nào. Trong khi đó, kiến thức về thị trường, về phương thức marketting, về tâm lý khách hàng, về xu thế và trào lưu tiêu dùng của xã hội hiện đại thay đổi từng ngày với tốc độ chóng mặt. Điều này cho thấy các giám đốc doanh nghiệp – nhất là doanh nghiệp nhà nước, đang điều hành hoạt động kinh doanh chủ yếu bằng kinh nghiệm, bằng những kiến thức đã cũ, hoặc là bằng những kiến thức cóp nhặt không có hệ thống, không được cập nhật liên tục. Đây chính là nguyên nhân của tình trạng tư duy theo lối mòn, không nắm bắt được xu thế của thời đại, vì thế, các quyết định quản lý điều hành thường bất cập, chậm so với sự hối thúc của thị trường và vì thế lỡ mất cơ hội kinh doanh. Các doanh nhân này cũng không nắm bắt được những kỹ năng mới trong quản trị, điều hành doanh nghiệp do vậy không có biện pháp tiết giảm chi phí, khó áp dụng công nghệ mới… Những yếu tố này là nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp Việt thua kém doanh nghiệp nước ngoài về khả năng cạnh tranh, hàng hóa, dịch vụ cung cấp thường có giá cao, không cạnh tranh được với doanh nghiệp các nước xung quanh.
![]() Nguồn: ITN |
Một ví dụ dễ thấy nhất của biểu hiện tư duy lối mòn là khi tiêu thụ hàng hóa khó khăn thì có tới 90% số doanh nghiệp Việt Nam cắt giảm chi phí quảng cáo, tuyên truyền về hình ảnh của công ty. Trong khi đó, 100% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại gia tăng chi phí quảng cáo, quảng bá sản phẩm (theo số liệu do Hiệp hội quảng cáo cung cấp). Rất nhiều doanh nghiệp Việt khi đứng trước yêu cầu tiết giảm chi phí, thì lập tức cắt giảm đồng loạt 30% lương của nhân viên, thay vì phải rà soát từng bộ phận nhân sự để đưa ra các hình thức khoán hợp lý nhằm tạo động lực mới cho nhân viên. Việc cắt giảm lương nhân viên theo kiểu cào bằng sẽ triệt tiêu động lực của những bộ phận đang làm việc tốt, hiệu quả cao đồng thời vô hình trung lại khích lệ những bộ phận làm việc kém vì họ có lý do để tự an ủi rằng: dù làm việc không hiệu quả thì họ cũng chỉ bị mất 30% lương như những người làm việc tích cực khác. Chính vì thế mà doanh nghiệp mất đi động lực chính, trong khi người lãnh đạo vẫn không biết vì sao.
Tình trạng tư duy lối mòn còn thể hiện ở tình trạng mẫu mã hàng hóa không được đổi mới, thiếu đa dạng, nhiều doanh nghiệp Việt giữ nguyên một mẫu hàng hóa trong hàng chục năm không có cải tiến, trong khi đó thị trường đầy rẫy hàng hóa ngoại với mẫu mã đa dạng, phong phú, giá cả cạnh tranh. Hỏi làm sao hàng Việt không bị lấn sân? sao không tồn kho?
Rõ ràng sân chơi kinh tế thị trường đang thử thách bản lĩnh doanh nghiệp Việt. Không ít doanh nghiệp Việt đã vượt ra khỏi tư duy lối mòn đang đứng vững và tiếp tục phát triển mạnh mẽ, dù thách thức thị trường có khắc nghiệt đến đâu. Nhưng một số lớn đang phải đứng trước lựa chọn khắc nghiệt: đổi mới hay là chết! Trong đó, đổi mới có tính thách thức nhất chính là đổi mới trong tư duy, tránh kiểu tư duy lối mòn như hiện nay. Chỉ có như thế, doanh nghiệp Việt mới tiếp cận được với kiến thức quản trị kinh doanh mới và mài sắc được khả năng xử lý thông tin thị trường, giúp cho việc đối phó với sức ép cạnh tranh ngày một hiệu quả hơn. Và chỉ có như thế, doanh nghiệp mới khỏe và thích ứng được với biến động của thị trường.