Vịnh Hạ Long
Việc cũ - tầm nhìn mới
Việc bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long đã được đặt ra cách đây hơn 10 năm, khi vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994. Vấn đề ở đây là cần có định hướng, cơ chế triển khai hiệu quả hơn.
Coi trọng vấn đề bảo tồn
Tại hội thảo quốc tế Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - Tầm nhìn mới tổ chức hồi cuối tháng 7, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ, bảo tồn cần được coi là ưu tiên hàng đầu vì cảnh quan kỳ thú của vịnh Hạ Long có được như ngày nay phải qua nhiều triệu năm, làm hỏng nó thì không có cách gì khôi phục được. “Hơn nữa, tâm lý người tham quan là muốn được cảm nhận cái nguyên sơ, cổ kính chứ không phải những cái tân tạo, nhất là những sự tân tạo thô thiển. Bên cạnh đó, xu thế của thế giới và chủ trương của nước ta là “phát triển bền vững”, trong đó có việc bảo vệ môi trường. Chẳng lẽ ta lại hủy hoại những báu vật đó chỉ vì mối lợi trước mắt?”
Tuy nhiên, xung quanh vấn đề bảo tồn Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đang xảy ra mâu thuẫn giữa bảo tồn và và nhu cầu phát triển về công nghiệp, dịch vụ du lịch. Thực ra, cách đây 10 năm chúng ta đã bàn về bảo tồn vịnh Hạ Long. Có những cái mới của thời cuộc nhưng có vấn đề vẫn vậy, như lợi ích cộng đồng, xung đột giữa các ngành, vấn đề môi trường... Theo nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Từ, có 5 nguyên tắc đối xử với di sản: khống chế độ cao công trình và độ lùi công trình tại mặt tiền, xây dựng không làm biến dạng tự nhiên, khai thác tại khu vực xong phải hoàn thổ và chất thải không bao giờ được đổ xuống vịnh. “Chúng ta đều biết những nguyên tắc này nhưng chưa có cách để làm”.

Ông Vũ Khoan thì nhấn mạnh, “Nếu đã thống nhất là bảo tồn thì không xây thêm bất kỳ gì trên các đảo của vịnh Hạ Long; đồng thời di dời những cơ sở ô nhiễm vào trong sâu đất liền và phá bỏ những gì gây ô nhiễm trên vịnh. Tiếp đó, tỉnh Quảng Ninh nên kéo dãn khu đô thị tại Hạ Long bởi phát triển du lịch ở đây là gồm cả vùng Bái Tử Long và Cát Bà. Thực tế là chúng ta đang phát triển túm tụm tại khu vực Bãi Cháy và đang gây quá tải khu vực này”.
Nhìn từ phía biển
Theo ý kiến của các chuyên gia về di sản và du lịch, lâu nay chúng ta vẫn đứng trên bờ để nói về vịnh Hạ Long; giờ phải đứng từ dưới biển nhìn lên trên bờ và sẽ thấy phải phát triển thành phố Hạ Long sao cho đẹp và xứng tầm, cả không gian văn hóa và lịch sử.
Đến Hạ Long hiện nay, khách thường chỉ đi thăm vịnh, tham quan hang, các loại hình du lịch biển như bơi hoặc đua thuyền, lặn biển... đều thiếu vắng. Muốn tắm biển cũng không có chỗ, muốn phơi nắng thì phải lên boong tàu. Các khách sạn đều nằm trên sườn núi, không có khu nghỉ dưỡng đúng nghĩa. Muốn thưởng thức ẩm thực độc đáo của Hạ Long cũng khó có. Muốn mua sắm vài đồ lưu niệm cũng chẳng có gì đặc trưng. Đó là chưa nói tới chất lượng sản phẩm thấp, mẫu mã cũ kỹ...
Các doanh nghiệp du lịch cho rằng, ngành du lịch Quảng Ninh vẫn chưa nghiên cứu thị trường khách đến Quảng Ninh để từ đó có cách tiếp cận hiệu quả. Mỗi loại khách có đặc tính riêng, từ cách ăn cách ở cho tới giải trí, mua sắm. Thời gian qua, khách Trung Quốc chủ yếu từ các địa phương gần ta, thu nhập chưa nhiều, văn hóa chưa cao, do đó không đòi hỏi dịch vụ chất lượng cao. Nếu muốn hút khách Nhật thì yêu cầu khác hẳn, ngay từ món ăn đến nhà tắm, vệ sinh cũng khác. Khách Nga đang nổi lên là đối tượng nhiều triển vọng nhưng họ hướng tới miền Trung, còn ở Hạ Long rất ít.
![]() Nguồn: vietnamhalong |
Giám đốc khu vực châu Á - Hãng tàu biển quốc tế Singapore Royal Caribbean Kelvin Tan gợi ý: hiện nay, khách tàu biển chỉ dừng tại Hạ Long khoảng 8 tiếng. Ngoài thăm quan vịnh, họ cũng muốn xem biểu diễn rối nước, thăm làng chài với những nét văn hóa đặc trưng để trên cùng tuyến thăm quan có thể so sánh làng chài Việt Nam với làng chài Malaysia, Hong Kong... Do đó, Hạ Long nên phát triển loại hình sản phẩm này. Đối tượng khách tàu biển có khả năng chi trả cao nhưng đồ lưu niệm của Hạ Long không có gì đặc sắc. Hạ Long cũng cần sớm đầu tư biểu tượng và đưa thành đồ lưu niệm.
Với nhiều du khách, Hạ Long vẫn là một điểm đến chưa tạo ra độ tin cậy thực sự khi tình trạng lộn xộn tại cảng tàu, sự an toàn tuyệt đối trên vịnh, các hành vi lừa đảo, gian lận về chất lượng dịch vụ... chưa được kiểm soát. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn thẳng thắn: “Cách tổ chức hoạt động du lịch gắn với vịnh Hạ Long hiện nay cơ bản vẫn như 15 năm trước, ngoại trừ chất lượng tàu du lịch tốt hơn. Cách tổ chức khai thác tài nguyên du lịch như hiện nay vừa bán rẻ tài nguyên du lịch, vừa không hiệu quả. Công việc này cần đột phá từ tổ chức điều hành hệ thống tàu tham quan trên vịnh Hạ Long gắn với một cảng tàu đạt tiêu chuẩn quốc tế có phân ra các cấp độ chất lượng khác nhau, đến thu phí dịch vụ, phí tham quan vịnh Hạ Long. Trên thế giới hiện nay, không điểm tham quan đẳng cấp nào bán vé dưới 10USD/người/lần tham quan. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm ngay ở các nước láng giềng như Campuchia (khu Angkor) và Trung Quốc (Quế Lâm). Chỉ cần tổ chức lại hoạt động này sẽ tạo ra một nguồn tài chính đáng kể đầu tư nâng cấp hạ tầng, cải tạo cảnh quan và hoạt động quảng bá xúc tiến vịnh Hạ Long”.
Viện trưởng Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn Ngô Trung Hải kể: tôi có hỏi các bạn trẻ Pháp tại sao họ chọn Thái Lan, họ trả lời tại Pháp họ chỉ được tiếp cận với thông tin du lịch của Thái Lan. Điều đó cho thấy, chúng ta phải đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá hợp lý. Gắn phát triển vịnh Hạ Long với quy hoạch tổng thể quy hoạch tỉnh dựa trên trục Hạ Long - Vân Đồn - Đông Triều tạo thành một quần thể rộng với sản phẩm du lịch phong phú. Trong quá trình phát triển, bên cạnh giữ gìn cảnh quan vịnh Hạ Long phải có hạ tầng tốt; sự tham gia cộng đồng. “Linh hồn” của vùng là dấu ấn văn hóa địa phương, điều này Hạ Long còn thiếu. |