Không còn tăng trưởng thần kỳ

Nguyễn Long
Theo PS
17/08/2012 08:29

Một năm trước, các nhà phân tích kinh tế đều lạc quan về triển vọng tăng trưởng của thế giới đang phát triển. Trái ngược với Mỹ và châu Âu, nơi triển vọng tăng trưởng yếu, các thị trường mới nổi đều được kỳ vọng sẽ duy trì tăng trưởng từ thập kỷ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và trở thành động lực của nền kinh tế toàn cầu.

Không còn tăng trưởng thần kỳ ảnh 1
Nguồn: Economist

Ví dụ, các nhà kinh tế ở Citigroup, đã khẳng định chắc chắn rằng chưa bao giờ các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi lại đứng trước cơ hội duy trì tăng trưởng nhanh chóng đến tận năm 2050 như thế. Công ty kiểm toán PwC cũng dự báo tăng trưởng GDP trên đầu người ở Trung Quốc, Ấn Độ và Nigeria sẽ vượt 4,5% cho đến giữa thế kỷ này. Công ty tư vấn McKinsey thì cho rằng châu Phi sẽ là mảnh đất của “các con sư tử chuyển mình”.

Hiện nay, những dự báo như vậy đã được thay thế bằng các lo ngại về “sự suy thoái lớn”. Những số liệu kinh tế gần đây ở Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy tăng trưởng kinh tế ở những nước này đang chậm nhất trong nhiều năm. Sự lạc quan đã trở thành nghi ngại.

Tất nhiên, sẽ là không thích hợp nếu ngoại suy từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của thập kỷ trước, nhưng cũng không nên quá bận tâm đến những dao động trong ngắn hạn. Tuy nhiên, có nhiều lý do để tin rằng tăng trưởng nhanh sẽ chỉ là ngoại lệ chứ không còn là một quy luật trong thời gian tới.

Để hiểu điều này, chúng ta cần phải biết vì sao có “tăng trưởng thần kỳ”.  Ngoại trừ một số nước nhỏ được hưởng lợi từ việc bán tài nguyên, hầu hết các nền kinh tế thành công trong sáu thập kỷ qua đều tăng trưởng dựa vào công nghiệp hóa thần tốc. Nếu có một điều mà tất cả mọi người đồng tình về công thức của Đông Á, thì đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và tất nhiên là cả Trung Quốc đều rất giỏi trong việc chuyển đổi lao động của họ từ vùng nông thôn vào các công xưởng có tổ chức. Những trường hợp thành công sớm hơn, như Mỹ hay Đức, cũng không khác biệt gì.

Sản xuất công nghiệp đòi hỏi phải bắt kịp nhanh ngay cả ở những nước phải chịu nhiều bất lợi. Các nền sản xuất công nghiệp có xu hướng thu hẹp khoảng cách với giới hạn công nghệ theo tỷ lệ 3% mỗi năm cho dù áp dụng chính sách, thể chế hay nằm ở khu vực nào. Kết quả là những nước có thể chuyển hóa nông dân thành công nhân sẽ có được tăng trưởng cao.

Những ngành công nghiệp dịch vụ hiện đại cũng có thể tạo ra năng suất cao. Tuy nhiên, hầu hết các ngành này lại đòi hỏi kỹ năng lao động cao mà các nền kinh tế đang phát triển cần nhiều thời gian mới tích lũy được. Một nước nghèo có thể dễ dàng cạnh tranh với Thụy Điển trong một loạt ngành sản xuất nhưng sẽ phải cần nhiều thập kỷ, nếu như không muốn nói là thế kỷ, để bắt kịp các ngành dịch vụ của Thụy Điển.

Hãy xem Ấn Độ, nước đã dựa vào dịch vụ nhiều hơn là công nghiệp trong những năm đầu phát triển. Nước này đã phát triển sức mạnh đáng kể trong dịch vụ IT như phần mềm và các trung tâm trả lời điện thoại. Nhưng phần lớn lực lượng lao động của Ấn Độ thiếu kỹ năng và trình độ để được nhận vào làm tại lĩnh vực này. Ở Đông Á, các công nhân được vào làm việc tại các nhà máy ở thành thị và kiếm được gấp vài lần công việc của họ ở nông thôn. Tại Ấn Độ, họ vẫn ở tại quê nhà hoặc làm các ngành dịch vụ không có năng suất cao.

Phát triển thành công trong dài hạn vì thế đòi hỏi phải có hai lực đẩy. Nó cần một động lực công nghiệp hóa đi cùng sự tích lũy tư bản con người và khả năng của các thể chế để duy trì đà tăng trưởng một khi công nghiệp hóa đã đạt tới giới hạn. Nếu không có động lực công nghiệp hóa, sẽ khó có sự cất cánh kinh tế. Nếu không có đầu tư bền vững vào nguồn lực con người và xây dựng thể chế, tăng trưởng cũng không thể duy trì lâu dài.

Tuy nhiên, công thức này đang trở nên kém hiệu quả do những thay đổi trong công nghệ sản xuất và bối cảnh toàn cầu. Đầu tiên, những tiến bộ công nghệ đã tạo ra những ngành sản xuất đòi hỏi nhiều kỹ năng và vốn hơn trong quá khứ. Kết quả là khả năng hấp thu lao động lại càng bị giới hạn hơn. Gần như là không thể có một thế hệ các nền kinh tế công nghiệp hóa nào có thể chuyển 25% hoặc nhiều hơn lực lượng lao động của mình vào sản xuất như các nước Đông Á đã từng làm.

Thứ hai, toàn cầu hóa nói chung và sự vươn lên của Trung Quốc nói riêng đã tăng cạnh tranh lên thị trường thế giới, khiến những người đến sau vất vả hơn để tìm chỗ đứng cho mình. Mặc dù lao động Trung Quốc đang ngày càng đắt, nước này vẫn đang là nhà cạnh tranh chính với bất kỳ nước nào muốn tham gia vào các ngành sản xuất.

Hơn nữa, các nước giàu ngày càng khó có khả năng thực hiện các chính sách công nghiệp như trong quá khứ. Những nhà hoạch định chính sách còn phải nhìn vào những vấn đề như trợ giá, đòi hỏi của địa phương, thay đổi cơ cấu và định giá nội tệ. Tuy nhiên, hiện nay các nước giàu đang phải đấu tranh với một loạt vấn đề từ nợ công, tăng trưởng thấp, thất nghiệp và bất bình đẳng, họ sẽ gây nhiều áp lực hơn với các nước đang phát triển để buộc tuân theo luật chơi của WTO. Các ngành công nghiệp sản xuất vẫn là bậc thang phát triển của các nước nghèo, nhưng nó không còn dễ leo và leo nhanh như trước. Tăng trưởng cần phải dựa nhiều hơn vào sự phát triển nguồn lực con người, các thể chế và quản trị một cách bền vững. Điều đó có nghĩa là tăng trưởng sẽ vẫn thấp và khó khăn trong thời gian tới.

Nguyễn Long<br>Theo <i>PS</i>