Kỹ năng đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật

Hà An 16/08/2012 15:05

Trong 2 ngày 16 -17/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Lập pháp và Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (VNCI) đã tổ chức Khóa tập huấn Kỹ năng đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật (RIA).

Tham dự buổi tập huấn, các học viên được nghe các chuyên gia trình bày tổng quan về RIA; thực hành RIA: xác định vấn đề bất cập; xác định mục tiêu chính sách; xác định phương án chính sách, đánh giá tác động phương án chính sách...
 
RIA là một công cụ tư duy dùng để phân tích và giải quyết vấn đề. Trong quản lý nhà nước, RIA là công cụ phân tích và đề ra giải pháp chính sách dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật. RIA giúp giảm thiểu các chính sách, pháp luật không cần thiết hoặc không có tác dụng, phải sửa đổi nhiều lần; giúp chính sách đạt được mục tiêu đề ra và phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Báo cáo RIA là văn bản thể hiện kết quả phân tích và đề xuất giải pháp. Thực hiện RIA thông qua 7 bước: xác định vấn đề bất cập; xác định mục tiêu chính sách; xác định các phương án; đánh giá tác động của các phương án; tổ chức lấy ý kiến; xác định cách thức tổ chức việc tuân thủ; tóm tắt và khuyến nghị.  
 
Đối với QH: RIA giúp thực hiện tốt chức năng xây dựng pháp luật: thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; đề xuất chính sách pháp luật tốt; đại diện, bảo vệ lợi ích của công dân. Trong yêu cầu về phát triển kinh tế và  hội nhập quốc tế, thì RIA đóng vai trò quan trọng: trong khối ASEAN thì RIA giúp hướng dẫn điều hành tốt hơn, hiệu quả hơn, nâng cao tính thống nhất, minh bạch trong các quy chuẩn kỹ thuật; giảm rào cản kỹ thuật và giúp thành viên tuân thủ nghĩa vụ quốc tế theo Hiệp định TBT của WTO. Trong APEC: RIA giúp tăng cường hợp tác về cải cách thể chế và nâng cao chất lượng điều hành nhằm mục tiêu hướng tới hài hòa, quy trình xây dựng chính sách, pháp luật; tăng cường phối hợp nội bộ, và tham vấn công chúng. RIA có vai trò bảo đảm hài hòa các biện pháp điều hành; giảm mâu thuẫn, trùng lặp giữa các biện pháp, ngăn ngừa các biện pháp thiếu nhất quán; bảo đảm khả năng đề xuất biện pháp cải cách quy định một cách hệ thống; phối hợp giữa các thành viên trong xây dựng và hài hòa chính sách; đồng thời bảo đảm công chúng được tiếp cận tài liệu phục vụ xây dựng chính sách, pháp luật. 

Hà An