Bệnh “ngắn hạn”

Thu Liên 13/08/2012 08:40

Đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển nhanh với những thành tựu đạt được về kinh tế rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tâm lý muốn thành công nhanh đã khiến không ít doanh nghiệp cả nhà nước lẫn tư nhân rơi vào tình trạng chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, do vậy các mục tiêu phát triển doanh nghiệp được đặt ra nóng vội mà không cân nhắc đến lợi ích lâu dài. Tình trạng này đang lan tràn thành bệnh “ngắn hạn”, không chỉ trong giới doanh nghiệp mà còn len lỏi vào nhiều ngõ ngách của cuộc sống.

Sự hối hả trong phát triển kinh tế cả nhà nước lẫn tư nhân trong những năm qua đã đem lại những kết quả nhất định như: tăng trưởng kinh tế cao; xã hội phát triển nhanh, đô thị hóa nhanh, mức sống cũng như chất lượng sống – xét riêng từ góc độ thụ hưởng vật chất - tăng nhanh; hạ tầng phát triển, công trình lớn nhỏ mọc lên, tạo sự đổi thay diện mạo hiện hữu cho các đô thị, các vùng quê. Tuy nhiên, chính sự hối hả đó cũng gây ra những điều tai hại, mà một trong những sự tai hại đó, chính là căn bệnh ngắn hạn trong các mục tiêu tăng trưởng. Không ít doanh nghiệp vừa ra đời đã đặt mục tiêu sau 10 năm trở thành công ty hàng đầu lĩnh vực – như công ty Chứng khoán Đông Dương, chỉ với số vốn điều lệ hơn 50 tỷ đồng. Chính vì những mục tiêu đầy tham vọng này mà không tính đến những yếu tố mang tính dài hạn, đã khiến công ty này có hàng loạt những quyết định kinh doanh theo hướng ngắn hạn, mở rộng các loại hình nghiệp vụ quá khả năng thực có. Và công ty cũng say sưa đầu tư đa lĩnh vực. Thế là thay vì trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực môi giới chứng khoán, thì công ty này hiện có 3 năm liên tiếp. Việc lỗ luỹ kế hơn 30 tỷ chỉ trong 5 năm hoạt động đã ăn gần hết vốn của doanh nghiệp. Giới phân tích cho rằng, nếu công ty không nóng vội với mục tiêu trở thành doanh nghiệp dẫn đầu lĩnh vực kinh doanh chứng khoán thì có lẽ các quyết sách đã khác, hành xử đã khác. Và biết đâu thành công đã đến, dù không nhanh hay không hoành tráng nhưng cũng không đến nỗi chết. Hay một ngân hàng nọ, vốn điều lệ khi ra đời chỉ có hơn 200 tỷ, nhưng khi tung quảng cáo thì lại thể hiện mong muốn chỉ sau chục năm là vươn lên tầm cỡ toàn cầu.

Công ty chứng khoán Đông Dương và ngân hàng nọ chỉ là một ví dụ. Còn hàng chục nghìn công ty lớn nhỏ ra đời và kết thúc hoạt động chỉ trong vòng 1, 2 năm cũng chỉ vì tư duy làm ăn ngắn hạn, chỉ nhìn cái lợi trước mắt, không tính đường đi lâu dài. Nhiều hiện tượng kinh tế khác cũng đang cho thấy căn bệnh ngắn hạn đang lan tràn khắp nơi. Cơn lốc vỡ nợ tín dụng đen xảy ra ở nhiều địa phương cho thấy nhiều người dân, bên cạnh lòng tham còn vì tầm nhìn quá ngắn, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà bỏ ra tiền tỷ, để thu về vài chục triệu, rồi mất trắng. Hay câu chuyện gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng cũng cho thấy sự ngắn hạn trong niềm tin của người gửi tiền. Các ngân hàng thương mại cho biết tỷ lệ các món tiền gửi có kỳ hạn dài từ 1 năm trở lên rất thấp. Việc gửi kỳ hạn 5 năm là chuyện mơ cũng không thấy nên ngân hàng không thể khai thác nguồn vốn dài hạn cho các hợp đồng tín dụng có chu kỳ quay vòng tương đối dài hơi.; Ngân hàng nào dám dùng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn thì chẳng khác nào đùa với lửa !

Căn bệnh ngắn hạn còn xảy ra trong nhiều lĩnh vực như làm đường, chỉ vài tháng vận hành đã bong tróc, xuất hiện ổ trâu ổ ngựa. Hay như làm cầu thì chỉ dăm tháng đưa vào sử dụng đã sụt lún, nứt; những dự án mệnh danh là vì an sinh xã hội, nhưng chỉ vận hành được một vài năm là hết hiệu quả; người dân lại trở về thực trạng cũ… Có nhiều cách lý giải về nguyên nhân của tình trạng này. Nhưng tựu trung, có thể thấy hai nguyên nhân cơ bản. Một là do sự thiếu ổn định và bền vững của các chính sách kinh tế ở tầm vĩ mô, khiến giới doanh nghiệp và xã hội không đủ can đảm để hoạch định các chương trình dài hơi, nhằm vào mục tiêu lâu dài. Lựa chọn lợi ích ngắn hạn tuy có mang tính thực dụng nhưng lại có hệ số an toàn cao, nên nhiều doanh nghiệp vẫn ưu tiên hướng này. Ngay các nhà đầu tư lớn cũng luôn tính đến những dự án thu tiền ngay hơn là những dự án lâu dài chỉ vì không biết mai này ra sao. Một nguyên nhân nữa, là một bộ phận doanh nhân cũng như người dân bị mất phương hướng trong lựa chọn giá trị sống, không biết ưu tiên cho giá trị lâu bền mà chọn cách mọi thứ quy ra tiềntiền tươi, thóc thật là trên hết. Vì thế, cái nhìn ngắn hạn về lợi ích xuất hiện và nhanh chóng lây lan. 

Thực tế này đang gây ra những hệ lụy nền kinh tế và cho xã hội. Và một khi trở thành căn bệnh phổ biến, sẽ biến xã hội thành một xã hội thực dụng và quay cuồng trong những giá trị ngắn hạn, bỏ mặc hoặc xử tệ với những giá trị dài hạn. Lúc đó, khó có thể nói chất lượng cuộc sống được nâng lên, cho dù chúng ta rất giàu có, rất nhiều tiền. Lo ngại này chắc không còn là hão huyền nữa. Hiện nay, những di chứng của căn bệnh này đã thấy xuất hiện trên nhiều lĩnh vực. Đã đến lúc phải tìm thuốc chữa.

Thu Liên