Còn nội dung trả lời chưa cụ thể
Những bức xúc nổi cộm của người dân, trong đó có nhiều vấn đề mới như: quản lý xăng dầu, chất cấm trong chăn nuôi, công tác thi hành án… đã được đưa ra chất vấn tại Kỳ họp thứ Tư, HĐND tỉnh Đồng Nai. Nhiều vấn đề được giải trình làm rõ, tuy nhiên vẫn còn nội dung trả lời dàn trải, chưa cụ thể thời gian giải quyết.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Công Ngôn (Phó chủ tịch UBMTTQ tỉnh) về tình trạng nhiều loại tội phạm gia tăng, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân và ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Văn Khánh cho biết: có nhiều nguyên nhân dẫn đến tội phạm gia tăng, trong đó có nguyên nhân lớn từ việc tăng dân số cơ học làm nảy sinh phức tạp trong quản lý, nhất là tại các địa phương có đông lao động nhập cư. Bên cạnh đó, lực lượng của ngành còn mỏng, công tác phòng ngừa còn nhiều hạn chế nên chưa có những giải pháp bền vững. Ngành Công an đã đề ra 10 giải pháp nhằm giảm tội phạm, trong đó lấy giải pháp phối hợp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức người dân là trọng tâm.
Giải trình chất vấn của đại biểu Trần Văn Quang (Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh) về tình trạng các dự án chậm triển khai, ảnh hưởng đến đời sống người dân, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Bồ Ngọc Thu cho biết, các dự án đầu tư triển khai chậm trễ, nguyên nhân chủ yếu do các nhà đầu tư gặp khó khăn về vốn. Trước tình trạng trên, tỉnh đã chỉ đạo rà soát thực tế, kiên quyết thu hồi các dự án treo, đến nay đã thu hồi 267 dự án. Với các dự án khả thi, sẽ phối hợp hỗ trợ triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Về tình trạng cháy các phương tiện giao thông nghi có liên quan đến chất lượng xăng dầu trong thời gian vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Ngân (Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia) đã chất vấn về trách nhiệm quản lý xăng dầu trên địa bàn. Phó giám đốc Sở Công thương Trương Phước Đông khẳng định: kết quả kiểm định các vụ cháy cho thấy chưa phát hiện nguyên nhân trực tiếp từ xăng dầu. Từ đầu năm đến nay, ngành đã kiểm tra 53 vụ, phát hiện vi phạm và xử lý 26 vụ, trong đó vi phạm về đo lường, chất lượng chỉ chiếm tỷ lệ thấp. Tuy nhiên, ngành sẽ tiếp tục tăng cường quản lý và thanh tra, kiểm tra để bảo đảm quyền lợi người dân.
Đại biểu Nguyễn Văn Hùng (Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh) chất vấn về việc giải quyết kiến nghị cử tri xã Tân Hiệp (huyện Long Thành) đối với công tác quản lý, sử dụng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu vực Trại phong Bình Minh. Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Lê Viết Hưng cho biết: trại phong này hiện vẫn thuộc quyền quản lý của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong khi 145 hộ với 645 nhân khẩu lại đăng ký thường trú tại xã Tân Hiệp. Để giải quyết vấn đề này, sắp tới sẽ tham mưu UBND tỉnh làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh về việc bàn giao trách nhiệm quản lý, trên cơ sở đó sẽ lập quy hoạch sử dụng đất và xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân theo quy định.
Tại Kỳ họp thứ Ba HĐND tỉnh, đại biểu Trần Văn Phước (Bí thư Huyện ủy Định Quán) đã chất vấn về quy hoạch quản lý, bảo vệ, sử dụng đất hành lang bảo vệ lòng hồ Trị An và đã được UBND tỉnh giao cho các Sở NN - PTNT, TN - MT cùng Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thực hiện. Kỳ họp này, đại biểu Trần Văn Phước tiếp tục chất vấn nội dung trên. Giám đốc Sở NN-PTNT Phạm Minh Đạo nghiêm túc nhận khuyết điểm vì các đơn vị đã thực hiện xong chỉ đạo trên nhưng “quên” không báo cáo kết quả thực hiện cho HĐND tỉnh.
Đại biểu Nguyễn Văn Quyết (Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chất vấn về công tác tuyên truyền, việc phân bố các điểm khám chữa bệnh BHYT theo địa bàn cư trú đối với người bệnh nan y và quản lý hoạt động khám chữa bệnh BHYT tự nguyện. Phó giám đốc BHXH tỉnh Đồng Văn Mai cho biết, hàng năm đơn vị đều phối hợp với các cơ quan truyền thông và cơ quan chức năng đưa thông tin về BHXH đến với người dân. Người bệnh nan y, mãn tính sau khi khám, chữa bệnh tại nơi đăng ký ban đầu, nếu quá khả năng điều trị sẽ được chuyển lên tuyến trên, giấy giới thiệu có giá trị đến hết năm. Công tác quản lý hoạt động khám chữa bệnh BHYT tự nguyện cũng giống như khám chữa bệnh chung và do Sở Y tế chịu trách nhiệm. Phó chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Nga lưu ý, ngành BHXH cần chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng khám chữa bệnh của người dân, không nên máy móc trong phân bổ địa bàn.
Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Huỳnh Văn Tới (Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) về tình trạng thi hành án có biểu hiện chậm, kéo dài, kém hiệu lực pháp lý, quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Ngô Văn Toàn cho rằng, do phần lớn người phải thi hành án thường chống đối, chây ỳ, một số khác không có khả năng thi hành án. Mặt khác, áp lực công việc thi hành án rất cao, bình quân một chấp hành viên phải thi hành trên 400 vụ/năm. Để nâng cao chất lượng công tác thi hành án trong thời gian tới, ngành Thi hành án sẽ đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm 100% số lượng án thụ lý đều được tổ chức thi hành. Cho rằng chỉ tiêu này quá “viên mãn”, chưa phù hợp với những khó khăn mà ngành đã nêu, đại biểu đề nghị ngành cần có những giải pháp thiên về biện pháp nghiệp vụ.
Về chất vấn việc quản lý, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi của đại biểu Huỳnh Văn Tịnh (Bí thư Huyện ủy Thống Nhất), Phó giám đốc Sở Công thương Trương Phước Đông cho biết, đây là trách nhiệm chung của nhiều ngành, trong đó có ngành Công thương. Thời gian qua, các ngành đã phối hợp kiểm tra, xử phạt và tiêu hủy chất cấm ở một số nơi buôn bán, sử dụng chất cấm. Sắp tới, các ngành sẽ phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra chặt chẽ hơn nữa, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức người sử dụng, buôn bán. Tuy nhiên, biện pháp hỗ trợ các hộ chăn nuôi không sử dụng chất cấm vẫn chưa được làm rõ nét.
Đại biểu đã đưa những bức xúc nổi cộm mà người dân đặc biệt quan tâm như: quản lý xăng dầu, chất cấm trong chăn nuôi, công tác thi hành án... ra chất vấn tại kỳ họp. Nhiều vấn đề đã được giải trình làm rõ, tuy nhiên vẫn còn nội dung trả lời dàn trải, chưa cụ thể thời gian giải quyết.