Bến yên (Phần cuối)
Truyện ngắn của Hạo Nguyên

10/07/2012 08:48

>> Bến yên (Phần 1)

10

Mỗi đêm về nhà, tôi đọc sách khoảng một tiếng đồng hồ. Từ bảy giờ đến tám giờ. Khi tivi chủ nhà báo hết thời sự là tôi đạp xe qua chỗ thầy Lưu. Đến, lặng lẽ pha trà, ngồi uống một mình. Thầy Lưu có thể đang tụng kinh, hoặc cặm cụi chú thích cho một cuốn sách Phật học. Đôi khi thầy dừng việc ghi chép, hỏi han vài câu. Rồi ai lại việc nấy. Thường đến chín giờ thì tôi về.

Sáng lên, tôi lại vào phòng tấm gương. Vào đây, chỉ cần khép cửa lại là mọi âm thanh bên ngoài tắt hẳn. Không còn nghe tiếng gõ ván thuyền, tiếng chim hót, tiếng gió thông reo. Chỉ còn tiếng ngòi bút sột soạt trên giấy. Và hơi thở chính mình.

Minh họa của Vũ Xuân Hoàn
Minh họa của Vũ Xuân Hoàn

Chữ của ông Vụ phải nói là đẹp. Quen thầy Lâm, tôi có được nghe thầy nói về thư pháp. Vì thế, khi nhìn những nét chữ của ông Vụ, tôi cứ lặng người. Những nét bút dường như không gắng sức. Nhẹ nhàng. Tựa mây.

Đến buổi sáng thứ bảy kể từ khi vào phòng tấm gương thì tôi hiểu. Việc của tôi là đừng làm hỏng những nét chữ ấy. Thế thôi. Ông Vụ đảo ngược quy trình là nhằm mục đích ấy.

Tôi nhắm mắt. Nghĩ về bầu trời xanh.

Nhắm mắt. Tôi nghĩ. Về những đám mây.

Vẫn nhắm mắt. Và tôi nghĩ. Về gió.

Suy nghĩ của tôi dừng lại ở những ngọn gió.

Hơn mười hai giờ trưa tôi mới hoàn thành ba trang.

Khi đặt trước mặt ông Vụ, ông nhìn tôi.

Gật đầu.

11

Đã giữa tháng bảy. Ông Vụ bảo tôi hết tháng phải hoàn thành cuốn này.

Mọi việc đã trở nên suôn sẻ. Chỉ có hai lần tôi và ông buộc phải chép lại do tôi vừa chép vừa nhìn vào tấm gương. Sự tình cũng không nghiêm trọng lắm.

Hình như nhờ có hơi người mà tấm gương trở nên sáng hơn, trong hơn. Ngày qua ngày, ngồi đối diện tấm gương để chép những trang gia phả, tôi đã có thể nhìn rõ hơn hình ảnh mình phản chiếu trong đó. Tuần đầu tiên vẫn mờ. Sang tuần thứ hai thì thấy rõ dáng người, tuy nhiên những chi tiết trên cơ thể vẫn còn nhập nhòe. Sang tuần thứ ba đã thấy rõ những ngón tay, chiếc cúc áo, mấy sợi tóc lòa xòa trước trán.

Cuốn gia phả cũng đã được hơn hai phần.

Những ngày cuối tháng bảy, tôi hầu như không có thời gian để nhìn vào tấm gương thường xuyên nữa. Còn gần cả trăm trang. Mỗi ngày tôi và ông phải chạy đua cho kịp hẹn với người ta.

Hai ngày cuối tháng bảy, còn hơn mười trang. Chúng tôi giảm tốc độ. Thi thoảng tôi vẫn có thể nhìn vào tấm gương. Bây giờ đã thấy rõ khuôn mặt tôi, với đôi mắt dài lúc nào cũng như lim dim, cái mũi thấp, cái miệng mím buồn bã, và nốt ruồi dưới cằm.

Lúc bốn giờ chiều ngày cuối tháng bảy, hoàn thành trang cuối. Tôi thả bút, ngả người ra ghế tựa, vung tay cho đỡ mỏi. Và nhìn vào tấm gương.

Trong gương phản chiếu rõ mồn một cả hình dáng và khuôn mặt tôi. Tấm gương đã sáng trong trở lại. Gần như là một tấm gương mới. Tôi đứng lên, lại gần. Soi mặt vào. Thậm chí tôi có thể thấy rõ trong đôi mắt tôi trong tấm gương phản chiếu rõ hình ảnh tôi đang đứng ở trước gương.

Tôi cười, gật đầu chào. Tôi trong tấm gương cũng cười và gật đầu. Và tôi trong đôi mắt tôi trong tấm gương cũng thế.

12

Buổi sáng đầu tháng tám, trong khi uống trà, ông Vụ khen:

- Cậu đã làm rất tốt. Thật sự là tôi ngạc nhiên. Mặc dù đã chủ ý tìm cậu nhưng tôi vẫn ngạc nhiên khi thấy cậu làm tốt, mà làm nhanh như thế.

- Anh ấy còn nhìn vào được trong gương nữa chứ.

- Đúng vậy. Đó là một kỳ tích.

Tôi hoàn toàn không hiểu hai ông cháu họ đang nói gì. Nhìn thấy mình trong gương thì có gì là kỳ tích?

Yên cười. Lúm đồng tiền.

- Anh không biết đó thôi. Rất ít người có thể nhìn thấy mình trong tấm gương đó. Không chỉ là không nhìn thấy mình, mà họ còn không thể nhìn thấy gì hết.

Ông Vụ gật đầu. Tôi vẫn hoàn toàn ngơ ngác.

- Có lẽ cậu còn chưa hiểu hết điều gì đã xảy ra với cậu trong gần hai tháng qua. Nhưng thôi. Cái gì đến sẽ đến.

Ông Vụ ra dấu cho Yên. Cô vào trong nhà, đem ra một cuốn sách và một phong bì.

- Tôi gửi tiền tháng bảy cho cậu. Và một cuốn gia phả nữa, cậu đem về xem trước. Tôi và cháu Yên phải đi xa có việc. Chừng một tháng nữa mới về. Trong thời gian đó, cậu cứ xem trước cuốn này. Khi nào thấy được thì lên tìm tôi.

Yên đi theo tôi ra đầu ngõ. Ráng trời nhuộm tím vạt đồi. Nhuộm tím cả một khúc sông. Người đánh cá nằm ngủ mơ màng trong bóng chiều, mái chèo thõng vào dòng nước. Đâu đó, những quả thông rơi lộp độp.

- Anh cố gắng nghe. Kẻo trễ.

Yên cười. Vẫn lúm đồng tiền. Tôi gật đầu rồi lên xe. Vẫn chưa hiểu hết lời Yên. Trễ? Sao lại trễ?

13

Thầy Lưu hỏi con xong việc trên ấy rồi à. Tôi đáp chưa. Thầy thế à, rồi im lặng ghi chép. Tôi nhấp ngụm trà, bâng quơ nhìn bức tranh vẽ Tổ Bồ Đề Đạt Ma quảy một chiếc dép. Tôi muốn hỏi thầy đó là chiếc dép trái hay chiếc dép phải. Nhưng thầy chăm chú quá, tôi lại thôi. Tôi nhấp một ngụm trà. Tiếp tục nhìn bức tranh. Tổ Bồ Đề Đạt Ma đang đi. Tôi cố suy đoán nhưng không biết Ngài đi về hướng nào, đông - tây - nam - bắc. Theo lời thầy Lưu thì sau khi gieo hạt giống Thiền trên đất Trung Hoa, Tổ quảy một chiếc dép đi về hướng tây. Nhưng nhìn bức tranh này sao biết? Hay đông - tây - nam - bắc cũng chỉ là một? Hay thực ra không có đông - tây - nam - bắc, mà chỉ có một con đường? Hay thực ra không có con đường nào cả, Tổ chỉ làm việc đơn giản là quảy một chiếc dép mà đi? Hay thực ra Tổ không đi, mà chỉ là đứng đó, với cây gậy và chiếc dép bất hủ trên vai?

Mấy đêm rày, đêm nào tôi cũng đến thầy Lưu. Không phải vì tôi rảnh rỗi. Năm học mới đã bắt đầu. Lại sách vở, giáo trình, thảo luận, bài tập lớn bài tập bé bài tập choai choai… Năm học mới lúc nào cũng xôn xao như đám cưới ngoài ngõ. Cho dù không liên can chi tới ai mà ai cũng vội vội vàng vàng. Nói thế nghĩa là tôi không rảnh rỗi. Nhưng đêm nào tôi cũng đến thầy Lưu. Pha trà, ngồi nhìn thầy, rồi nhìn chiếc dép trứ danh của Tổ Đạt Ma, hoặc nghe thầy Lưu tụng kinh Hoa Nghiêm. Rồi về.

Tôi hoàn toàn không rảnh rỗi. Mà thực ra tôi đang bối rối. Bối rối kinh khủng. Thậm chí là bế tắc.

Cuốn gia phả mà ông Vụ đưa cho tôi hồi đầu tháng tám và bảo tôi khi nào thấy được thì lên gặp ông, cuốn gia phả ấy không hề có một chữ nào.

Chỉ toàn giấy trắng.

14

Suốt nửa tháng trời tôi quay quắt với cuốn gia phả. Ban đầu tôi nghĩ ông Vụ hoặc Yên nhầm. Nhưng rồi tôi nhớ lại lời ông Vụ: “Khi nào thấy được thì lên tìm tôi”. Tôi lại nhớ buổi chiều mưa giông nói chuyện với Yên. Học cách thấy mình. Và thấy chữ. Đến lúc đó thì tôi chắc chắn ông Vụ và Yên không nhầm. Hẳn cuốn gia phả trắng này có một bí ẩn.

Tôi nhờ mấy đứa bạn bên khoa Hóa tìm một số hóa chất để có thể khiến giấy trắng hiện ra chữ. Tôi đoán ông Vụ chơi khăm bằng cách viết một thứ mực đặc biệt nào đó, phải đọc dưới ánh sáng như thế nào đó, hoặc dùng hóa chất hoặc hơ lửa hoặc nhúng nước, nhúng dấm thì mới hiện lên chữ.

Nhưng tôi thử mọi cách đều không được.

Rõ ràng là giấy trắng. Không có gì khác trên đó.

Khi nào thấy được. Khi nào thấy được. Là sao?

15

Thầy Lưu đi vắng hơn một tuần. Tối nào tôi cũng đến tìm nhưng không gặp. Không hiểu sao tôi nghĩ thầy có thể cắt nghĩa tất cả những chuyện xảy ra từ khi Yên tìm tôi trên đàn Nam Giao đến cuốn gia phả không chữ này.

Tối chủ nhật, mưa tầm tã, tôi ướt sũng đứng đợi trước ngõ. Lúc đó khoảng hơn mười giờ đêm. Tôi cảm thấy rất mệt. Nhưng vẫn gắng đợi. Đêm nay thầy sẽ về. Tôi tin thế. Người tôi nhún lạnh nhưng da thịt nóng phừng, môi khô rốc. Mắt mờ dần. Tai ù đi. Rồi tôi thấy thầy Lưu về. Thầy vỗ vai tôi:

- Đứng mãi dưới mưa, thể nào cũng ướt.

Tôi theo thầy vào nhà. Thầy đưa khăn cho tôi lau. Pha trà. Rồi lặng lẽ nghe tôi kể. Khi tôi dứt lời, thầy Lưu vẫn im lặng. Tôi cũng im lặng. Mất điện. Thầy thắp nến. Tôi ngồi nhìn ngọn nến nhảy nhót. Thầy nhìn ra cửa sổ. Ngoài kia mưa.

Một lúc lâu sau, thầy khẽ khàng:

- Đó là việc chỉ của riêng con. Thầy không can dự vào được. Mà cũng không ai can dự vào được.

- Ngay cả một lời khuyên?

Thầy im lặng nhìn tôi.

- Hoặc một lời giải thích?

Thầy cười độ lượng, và lắc đầu:

- Cũng không.

Im lặng một lát, thầy Lưu nhìn tôi, bảo:

- Từ mai con đừng đến tìm thầy nữa, nghe.

- Sao thầy?

Tôi giật mình. Nhìn sững.

- Đúng ra thầy đã đi. Nhưng vì con tìm nên thầy quay lại.

Tôi há hốc mồm. Làm sao thầy đã đi mà vẫn biết tôi tìm thầy?

- Thầy biết.

Thầy Lưu nhìn tôi dịu dàng.

- Thầy không giúp gì được con. Nhưng thầy vẫn về. Để bảo con là không thể đứng dưới mưa mãi được. Sẽ ướt. Muốn khô thì phải về nhà. Nghe con.

Tôi nhìn thầy, chưa kịp hiểu hết những lời ấy, thì thầy bảo:

- Có cái này cho con.

Thầy chìa tay ra. Tôi đưa tay đón lấy. Nhưng quái, sao tôi với mãi mà vẫn không chạm được tay thầy. Tôi nhoài người qua bàn, cố rướn về phía thầy, mắt ngước lên cầu cứu. Nhưng khi tôi nhìn lên thì không thấy thầy đâu cả. Chỉ thấy chính hình ảnh của tôi trong tấm gương. Hình ảnh trong gương nhìn tôi, cười và gật đầu chào. Tôi ngã sấp mặt xuống bàn uống trà.

Khi tôi giật mình tỉnh dậy thì trời đã tang tảng sáng. Cả cơ thể tôi lùng nhùng trong tấm áo mưa. Tôi ngơ ngác nhìn quanh. Cái cổng này, những vũng nước này… Bần thần đứng dậy, đầu óc nặng trĩu, tôi cố nhớ lại đêm qua. Rõ ràng tôi đã vào trong ngôi nhà của thầy Lưu. Sao bây giờ lại tỉnh giấc trước cổng nhà thầy?

Chẳng lẽ đêm qua tôi đã ngủ gục trước cổng và mơ?

16

Tôi sốt miên man suốt hai ngày sau khi tỉnh giấc trước cổng nhà thầy Lưu.

Khi cắt cơn sốt, tỉnh dậy đã thấy đồng hồ điện tử trên tay chỉ ngày ba tháng chín. Tròn một tháng kể từ khi nhận cuốn gia phả. Có lẽ họ đã về.

Tôi nhét cuốn gia phả vào túi xách, khoác lên vai rồi cắm đầu đạp xe đi. Tôi muốn tìm họ để nghe giải thích mọi chuyện. Trò đùa này phải kết thúc. Dù hơi muộn.

Qua đàn Nam Giao. Lên dốc. Rồi đổ dốc. Rẽ phải. Gặp đồi thông. Vào một con đường nhỏ len dưới những tán thông xanh rì. Qua ba bốn khúc ngoặt gì đó, hiện ra một ngõ trúc um tùm. Tôi thở phào. Nhìn.

Trước mắt tôi không có ngôi nhà nào cả, mà là một khuôn đất toàn trúc. Xanh nghít. Không một dấu tích cho thấy nơi đây đã từng có một ngôi nhà. Những lùm trúc này chí ít cũng đã được vài ba năm.

Tôi thả chiếc xe ngã kềnh ra đất. Trợn tròn mắt. Mồ hôi lạnh chảy dọc xương sống.

Sau mấy phút đứng sững sờ, tôi giật mình lấy túi xách ra khỏi vai. Ít nhất còn cuốn gia phả để chứng minh tất cả những chuyện này không phải là một giấc mơ.

Tôi run run lật từng trang gia phả, hy vọng thấy được gì trong đó. Biết đâu, một phép lạ sẽ xảy ra. Khi tôi thấy chữ trên những trang giấy trắng, ông Vụ và Yên sẽ từ trong vườn trúc bước ra, bảo tôi hoa mắt hay sao mà không thấy ngôi nhà, không thấy họ.

Lật tới lật lui tập giấy gọi là gia phả đó vẫn không thấy được gì. Toàn giấy trắng.

Tôi ngước nhìn bầu trời Huế xanh rợn. Cảm giác trống hoác trong người.

Ông Vụ ơi, Yên ơi! Cuốn gia phả không chữ này là của dòng họ nào?

Dòng họ ông?

Dòng họ tôi?

Hay là gia phả của những đám mây từ thời tiền sử?

17

Tôi chơ vơ giữa buổi sáng đầy gió. Bầu trời trên kia vẫn xanh rợn.

Toàn thân run rẩy, tôi khuỵu xuống.

Đúng lúc đó thì tập giấy trở nên nhẹ bẫng.

Như không. Như không.

Tôi nhìn.

Trên bàn tay, một sợi khói xanh lam buồn bã bay lên.

Tôi thẫn thờ dõi theo.

Cuốn gia phả không chữ trong tay tôi đã biến thành một sợi khói xanh lam. Từ từ bay lên. Buồn bã bay lên. Bỏ lại tôi chơ vơ giữa đất trời mông quạnh.

Sợi khói xanh lam cứ bay cao dần, cao dần. Rồi tan trong nắng sớm.

Như không. Như không.