Trên cao nhìn xuống
Trong điện ảnh có một kỹ thuật mà các nhà làm phim rất mê, đó là cú máy cao (Plan de plongée/High angle shot) cho hiệu quả mênh mông, kỳ ảo. Mê, nhưng do thực hiện tốn kém, các đạo diễn Việt Nam hầu như phải nén thèm…
Thường, để tấm tắc một cái đẹp bất khả so sánh, ta hay thêm chữ “chết người” sau chữ đẹp. Nhưng xem Home (Phim Pháp, hãng Europacorp sản xuất 2009), mãn nhãn bao nhiêu với trái đất diễm lệ được quay từ không trung, ta cũng rùng rợn bao nhiêu trước cái đẹp chết người theo nghĩa đen. Không biết Home trên tivi Pháp có bao nhiêu khán giả trong ngày 5.6.2009, chỉ biết nhân Ngày thế giới về môi trường, bằng 21 ngôn ngữ khác nhau, Home đã được giới thiệu đồng loạt ở 134 nước, trên 81 hệ thống truyền hình, màn ảnh công cộng của Paris, New York, London, Moscow, Mêhicô… Riêng Pháp, Home có mặt ở 200 phòng chiếu, và 20.000 bản DVD được gửi đến các trường học.
![]() |
Với kinh phí 12 triệu euro, trong đó 10 triệu của tập đoàn Pháp PPR, 1 triệu của TV France 2 và 1 triệu của Fondation Quatar, có thể nói Home là quyển La terre vue du ciel được điện ảnh hóa của Yann Arthus-Bertrand - nhiếp ảnh gia chuyên chụp không ảnh. Nhằm cảnh báo nguy cơ hủy diệt môi trường, nguyên tắc xuyên suốt của Home là phi lợi nhuận cho người sản xuất và miễn phí cho người xem. Đạo diễn, các chuyên gia, diễn viên đọc thuyết minh, thái tử Anh phụ trách cổ động phim… đều không lấy thù lao. Tác quyền, lợi nhuận sẽ được trao cho hội môi trường GoodPlanet. Như chữ “Ensemble/Together” cuối phim, mục đích của Home là tối đa hóa người xem, để từ đó kêu gọi sự chung tay cứu ngôi nhà thế giới.
Là phim đấu tranh, với lời bình đôi khi quá lố, Home vẫn khiến người xem tê mê thị giác. Quan niệm “cái đẹp tạo ra cảm xúc và làm ta suy nghĩ”, Arthus - Bertrand đã chọn cách thông qua cái đẹp - dù ban phát của tạo hóa hay tàn phá của con người - để truyền tải thông điệp: “Chúng ta đã quá trễ để bi quan”, và “Nhân loại chỉ có vỏn vẹn mười năm để đảo ngược xu thế tự hủy diệt”. Không nêu đích danh thủ phạm, nín thinh trên vấn đề năng lượng nguyên tử, nhưng do mục tiêu vạch mặt, Home gặp ngăn trở của không ít chính phủ trong lúc quay: Dubai, Rwanda, Syrie không cấp visa; Ấn Độ tịch thu 1/2 hình ảnh; Hàn Quốc cấm quay một số nơi; Trung Quốc, Argentina kiểm duyệt nội dung, một số công ty Mỹ đâm đơn kiện… Nhưng Home đã hoàn tất, như ta thấy.
Trong danh sách 55 nước được quay ở cuối phim không có Việt Nam. Do Việt Nam không có cảnh đẹp, không có thảm cảnh, hay do bị ngăn trở? Không biết. Chỉ biết khi lâng lâng ngôi nhà thế giới bao la, tôi cứ bâng khuâng ngôi nhà Việt của mình. Giống như phim - sau những mông lung diệu ảo trên cao, đạo diễn đưa người xem vào cận cảnh, để thấy những đám mây bồng lai hóa ra là khói đốt trong một bãi rác khổng lồ, nơi lúc nhúc mưu sinh những phận người hạ đẳng. Để thấy thảm hoa trắng lung linh là các tảng băng tan… - từ trên cao tôi cũng nhìn những sân golf mượt rì như lụa, để sực nhớ một trớ trêu đăng trên báo Tuổi Trẻ: rằng 947 hộ dân Mường thuộc các xóm Rổng Cấn, Rổng Vòng, Rổng Tằm không còn đường lên rẫy do phải “nhường” bản cho sân golf. Những cư dân của núi rừng tự do bỗng dưng, hoặc phải đi nhờ xe của sân golf - với điều kiện mỗi nhà chỉ được đi một người, theo những giờ quy định – hoặc phải quanh co ngược núi xa gấp mười lối đi cũ. Nhìn cảnh người phụ nữ gánh chuối lom khom chui rào, đọc câu ghi chú “Nông dân không thể theo giờ hành chính, nên thường xuyên phải đi chui, gánh nông sản chạy bạt mạng khi vắng bóng bảo vệ” của phóng viên Nguyễn Đức Tuấn, mà cay mắt. Lo chốn vui chơi cho phú nhân, người ta quên mất lối sinh nhai của những con người nhỏ bé…
Home không hù nhân loại khi dẫn ra báo cáo của Tổ chức diễn đàn nhân đạo toàn cầu (GHF), rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến 300.000 người chết mỗi năm và ảnh hưởng 300 triệu người khác. Rằng 4 tỉ người hiện đang tổn thương, 500 triệu người đang trong tình trạng cực nguy hiểm do các thảm họa liên quan thời tiết, môi trường. Báo cáo khẳng định nếu lượng khí thải hiện nay không được sớm kiểm soát, trong 25 năm tới, 310 triệu người sẽ phải hứng chịu những hậu quả tồi tệ về y tế, 20 triệu người sẽ nghèo đói và 75 triệu người mất nơi ở. Đó là sự thật. Ngay xứ ta đã thấy la liệt kẻ thống khổ - những con người không đủ tri thức hiểu biết chuyện cao xa, chỉ ngơ ngác đại ngàn mình sao tự dưng hết cây, con sông mình sao tự nhiên hết cá, dân làng mình sao bỗng dưng lần lượt ra đi vì những căn bệnh lạ…