Quá trình hình thành và phát triển

Trang báo lấy từ bài viết của Ths. Bùi Ngọc Sơn
Nguồn: nclp.org.vn
15/06/2012 08:39

Truyền thống của chủ nghĩa hợp hiến đã bắt đầu từ thời cổ đại Aten và trải qua một quá trình lịch sử phát triển dài, gián đoạn và không theo quy luật nào cho đến ngày nay. Chủ nghĩa hợp hiến, với cả hai phương diện xem xét của nó (hệ tư tưởng về sự tự do và sự định chế hóa hệ tư tưởng đó) đã xuất hiện đầu tiên từ thời cổ đại ở phương Tây. Có hai hình thức của chủ nghĩa hợp hiến được diễn đạt bởi các nhà chính trị học Hy Lạp và các nhà lập hiến Rome.

Viện nguyên lão của đế chế La Mã
Viện nguyên lão của đế chế La Mã

Trong thế giới cổ đại, với các định chế cộng hòa, giai cấp có của công khai bảo vệ mình trước những người nghèo. Trong xã hội trung cổ, khi chế độ quân chủ là chế độ chính trị chính, giai cấp có của lại phối hợp với vương quyền. Nhưng chủ nghĩa hợp hiến cũng được sử dụng để bảo vệ quyền lợi của những người khác. ở Aten vào thế kỷ thứ IV tr.CN, có những định chế chính trị để bảo đảm dân chủ trước sự lạm quyền của các bạo chúa.

Ý thức lập hiến xuất hiện ở Địa Trung Hải khi tổ chức thị tộc trở nên yếu đi và sự mâu thuẫn giữa người giàu và người nghèo trở thành một yếu tố chính trị quan trọng. Solon có lẽ là nhà lập hiến đầu tiên. Với mong muốn loại bỏ quyền lực trong tay của những người thượng lưu, nhưng để cho những người bình dân chia sẻ các chức vụ trong chính quyền mà từ trước đến nay họ bị tước đi, Solon tiến hành định giá tài sản của công dân. Năng lực tài sản là cơ sở cho việc nắm giữ các chức vụ trong chính quyền, nhưng không có nghĩa cho quyền bầu cử, một công cụ để bảo vệ quyền lợi của cả hai giai cấp.

Mô hình lưỡng viện là một công cụ cổ điển khác. Tòa án tối cao ở Aten và Thượng viện Rome, vào ngày nó được thành lập, điều hành các chính sách ngoại giao và chia sẻ quyền lực đối nội cho Viện bình dân. Ciceron tìm thấy ở Thượng viện Rome một sự kết hợp giữa chế độ quý tộc và chế độ dân chủ thỏa mãn cho cả hai chế độ.

Nhưng sự tổ chức các định chế chính trị dân chủ Aten là tinh tế nhất. Khi chế độ đầu sỏ chính trị của Tòa án tối cao Aten thất bại, sự quan tâm chính là bảo vệ dân chủ. Vào thời đại của Demosthenes, thành viên của bồi thẩm đoàn của Tòa án bình dân tối cao, gọi là Heliaea, phải tuyên thệ: “Tôi sẽ phán quyết theo các đạo luật và sắc luật của người dân Aten và Hội đồng 500 người. Tôi sẽ không bỏ phiếu cho chế độ chuyên chế và đầu sỏ chính trị. Nếu bất cứ người nào cố tình lật đổ nền dân chủ Aten hoặc có những phát ngôn hay dự định chống lại nền dân chủ đó, tôi sẽ không nghe theo. Tôi sẽ không cho phép các khoản nợ cá nhân bị hoãn trả hoặc đất, ngựa của người dân Aten bị phân phối lại. Tôi sẽ không phục hồi lại hình phạt trục xuất và tử hình. Tôi sẽ không trục xuất và cho phép sự trục xuất những công dân cư trú ở đây khi họ chống lại các đạo luật và sắc luật của người dân Aten và Hội đồng 500 người”.

Hơn nữa, tất cả người dân Aten đều chấp nhận lời thề này: “Nếu có quyền lực, tôi sẽ giết chết bằng lời nói, bằng hành động, bằng bỏ phiếu, hoặc bằng giơ tay bất cứ kẻ nào đàn áp nền dân chủ Aten, bất cứ kẻ nào giữ các chức vụ công cộng bằng con đường đàn áp, bất cứ kẻ nào cố gắng trở thành chuyên chế hoặc ủng hộ chế độ chuyên chế. Nếu có ai đó giết một kẻ như vậy, tôi sẽ cho rằng anh ta không có tội trong mắt của Chúa và quyền lực thượng giới vì anh ta giết kẻ thù chung của cộng đồng. Và tôi sẽ bán tất cả tài sản của kẻ bị giết chết và sẽ đưa cho người giết hắn hơn một nửa và sẽ không lấy bất cứ thứ gì của kẻ đã chết. Và nếu bất cứ người nào bị thiệt mạng vì giết kẻ như vậy hoặc nỗ lực để giết hắn, tôi sẽ thể hiện sự tử tế đối với anh ta và con cái anh ta … Tôi hủy bỏ tất cả những lời thề đã thề ở Aten hoặc trong quân đội hoặc bất cứ nơi nào chống lại nền dân chủ Aten”.

Thời trung đại có những quan niệm khác biệt với thời cổ đại. Những gì mà thời cổ đại và thời hiện đại hiểu về nhà nước không giống với thời trung đại. Jelliek cho rằng, ý tưởng thuộc thời trung đại là những ý tưởng có nguồn gốc thuộc dân tộc Đức: “Trong khi nhà nước thời cổ đại xuất hiện trong buổi đầu của lịch sử như là chính trị (polis) hay công dân (civita), một cộng đồng không phân chia của công dân, nhà nước quân chủ của dân tộc Tơ - tông, bắt đầu từ hình thức nhị nguyên - vương quyền và dân chúng không phải là một thực thể thống nhất, ngược lại còn đối lập với nhau. Vào thời trung cổ, nhà vua quan trọng hơn người dân. Trong một phạm vi nhất định, ông ta sở hữu những thần dân của mình với một quyền lực cá nhân tối cao và không có giới hạn. Gierke cho rằng Hobbes là người đã trở lại quan niệm ban đầu về nhà nước. Việc xác định thời gian của ông thì đúng nhưng việc quy kết này quá hạn hẹp. Mặc dù trở lại quan niệm ban đầu về nhà nước, nhưng quan niệm cổ đại về xã hội nhị nguyên - Gierke gọi nó là ý tưởng về “double majesty’’vẫn kéo dài dai dẳng trong luật của người Anh”.

Lý luận hiện đại về hiến pháp thường xuất phát từ các nhà lý luận về khế ước xã hội thế kỷ XVII. Để đấu tranh cho một chính quyền hợp hiến, người ta thường viện dẫn đến những lý thuyết về khế ước xã hội mà những đại biểu nổi bật là John Locke, Jean - Jacques Rousseau. Những luận điểm tổng quát của thuyết khế ước xã hội có thể tóm lược lại là: 1) mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng; 2) do những lý do nhất định người dân thành lập ra nhà nước thông qua một khế ước xã hội; 3) trách nhiệm của nhà nước theo bản khế ước xã hội này là bảo đảm các quyền tự nhiên vốn có của người dân; 4) nếu nhà nước vi phạm điều đó, người dân có quyền thành lập một nhà nước khác. Những tư tưởng trên của thuyết khế ước xã hội tạo cơ sở cho việc hình thành một chính quyền hợp hiến. Những điều khoản cơ bản của khế ước xã hội khẳng định chủ quyền thuộc về nhân dân, nhà nước là do nhân dân thành lập để bảo vệ các quyền của con người. Bản khế ước ghi nhận những điều khoản đó là gì? Đó chính là Hiến pháp.

Chiến thắng đầu tiên và có lẽ lớn nhất của chủ nghĩa tự do là ở Anh. Những điều khoản của Dự luật về các quyền năm 1689 cho thấy, cách mạng Anh không chỉ nhằm bảo vệ quyền tài sản mà còn thiết lập những quyền tự do mà những người theo chủ nghĩa tự do tin là cần thiết đối với nhân phẩm và giá trị đạo lý của con người. Những quyền của con người được nêu ra trong dự luật về quyền của Anh được dần dần công bố rộng rãi, đặt biệt trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1789. Thế kỷ XVIII đã chứng kiến sự sự xuất hiện của chính quyền hợp hiến ở Mỹ và Pháp. Người Mỹ đi tiên phong trong việc xây dựng chính quyền hợp hiến với một bản hiến pháp thành văn đơn hành. Khi xây dựng chính quyền hợp hiến, người Mỹ đã định chế hóa các tư tưởng tự do của các học giả khế ước xã hội. Đặc biệt, họ đã vận dụng một cách sáng tạo học thuyết tam quyền phân lập của Montesquieu trong việc kiến tạo một chính quyền hợp hiến. Tam quyền phân lập được coi như một yếu tố chính quyền của chủ nghĩa hợp hiến. Không chỉ biết định chế hóa các tư tưởng tự do có từ trước, người Mỹ còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa hợp hiến bằng những lý thuyết độc đáo của riêng họ, mà điển hình là lý thuyết kìm chế và đối trọng quyền lực. Cơ chế này được luận giải bởi những tên tuổi như Hamilton, Madison, Jay trong tập Người liên bang.

Thế kỷ XIX có sự mở rộng của chính quyền này với mức độ thành công khác nhau ở Đức, Italy và những nước phương Tây khác. Sang thế kỷ thứ XX, người ta thấy sự xuất hiện các chính quyền hợp hiến ở các quốc gia châu Á. Ngày nay, khi một quốc gia mới được thành lập thường cam kết điều hành chính quyền theo chủ nghĩa hợp hiến.

Trang báo lấy từ bài viết của Ths. Bùi Ngọc Sơn<br>Nguồn: <i>nclp.org.vn </i>