Hãy đọc sách cùng con...

Đinh Loan thực hiện 09/06/2012 08:37

Trẻ em đang thích tác phẩm nào, nhân vật nào và vì sao chúng lại thích… những người làm sách thiếu nhi cần biết điều đó và cả cha mẹ của các em cũng vậy. Hãy cùng đọc sách với các con - TS NGUYỄN THỤY ANH, Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với PV Báo ĐBND bên lề cuộc gặp gỡ các nhà văn viết cho thiếu nhi tổ chức ngày 7.6 vừa qua, tại Hà Nội.

- Nhiều ý kiến cho rằng, văn hóa đọc sách của thiếu nhi đang đi xuống. Bà có đồng tình với quan điểm này không?

- Là Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con, tôi nhận thấy nhu cầu đọc sách của các em nhỏ cũng như sự quan tâm của các bậc phụ huynh đến việc đọc sách của các con là rất lớn. Câu lạc bộ của chúng tôi mỗi khi tổ chức sự kiện này thường có rất nhiều người quan tâm và đăng ký cho con em mình. Thông thường khi tổ chức đọc sách để giới thiệu những cuốn sách hay chúng tôi phải hạn chế số người tham gia. Như vậy, để kết luận rằng, văn hóa đọc có thật sự đi xuống không, chúng ta cần có những con số thống kê đầy đủ. Và quan trọng hơn, chúng ta nên ít phê phán hơn mà cần tìm hiểu một cách khoa học vì sao có hiện tượng đó. Bởi thực tế, có nhiều sách hay dành cho thiếu nhi thị trường rất thích.

- Phải chăng chúng ta chưa biết khơi gợi để trẻ em yêu thích văn học?

- Theo tôi, với văn học cho thiếu nhi của chúng ta đang có vấn đề trong kỹ năng đưa sách đến cho các em. Tôi lấy ví dụ hiện nay nếu chỉ có 1 đến 2 nhà văn viết hay thì việc đưa sách đến cho các em cũng đã là một vấn đề như làm sao để bố mẹ các em chịu bỏ tiền ra mua, làm sao giúp các em thích cuốn sách đó… Trong khi cuộc sống của trẻ em có quá nhiều  thứ hấp dẫn, cộng với việc học hành chiếm mất nhiều thời gian. Tôi cho rằng cần có những thủ thuật một cách chân thành để các em tiếp cận tốt với sách hơn. Ví dụ cũng là một đoạn văn khi bố mẹ đưa thì các em không đọc nhưng khi bố, mẹ cùng với các em đọc đoạn văn đó thì các em lại thích thú. Như vậy không gian của hoạt  động đọc sách là quan trọng. Có những buổi tôi chỉ tổ chức bố mẹ, cùng các con đọc diễn cảm thôi cũng đã khiến các em hào hứng về nhà đọc hết cuốn sách.

Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, các em chỉ thích đọc truyện tranh, vậy chúng ta cần nghiên cứu xem vì sao lại có hiện tượng đó. Trước khi người lớn muốn đưa đến cho các em những điều tốt thì chúng ta cũng phải thỏa mãn nhu cầu của chúng. Tôi cũng có ý định đặt câu hỏi với các quý vị tham gia hội thảo rằng, quý vị có biết hiện nay trẻ em đang thích tác phẩm nào, nhân vật nào và vì sao chúng lại thích không… Tôi cho rằng, những người làm sách thiếu nhi cần biết điều đó và cả cha mẹ của các em cũng vậy. Hãy cùng đọc truyện với các con.

- Thực ra, việc học văn ở nhà trường cũng là cách đưa các em đến với các tác phẩm văn chương nhưng thực tế, nhiều em vẫn chưa thực sự thích thú với các tác phẩm văn học, thưa bà?

- Chúng tôi từng làm một khảo sát cho sinh viên và thiếu nhi, trong đó có câu hỏi; cuốn sách đọc trong 1 tháng nay là gì? Với 1.000 phiếu phát đi chúng tôi nhận được câu trả lời, chỉ đọc sách chuyên ngành. Hoặc ngay tại Ngày hội Đọc sách mới đây, nhiều bạn trẻ chỉ chọn sách kỹ năng, chuyên ngành. Tôi cho rằng, có sự lệch lạc trong việc định hướng việc đọc sách cho giới trẻ. Việc đọc sách cần được hình thành như một thói quen, và sau đó sẽ tạo kỹ năng đọc sách tốt hơn và trở thành một điều tự nhiên. Để làm được điều này tôi cho rằng cần có sự quan tâm của xã hội, nhà trường, và gia đình.

Về phía xã hội các nhà xuất bản sách thiếu nhi hiện nay cũng khá nhiều. Còn đối với nhà trường, tôi nghĩ rằng, nhà trường cần có cách dạy làm sao để các em yêu thích văn chương hơn. Chúng tôi cũng từng làm một khảo sát 50 em học sinh trong một lớp 6, có đến 30 em không thích đọc Dế mèn phiêu lưu ký. Tuy nhiên, khi chúng tôi tổ chức đọc lại thì các em đều thích. Lý giải điều này là do khi học văn, các thầy cô luôn bắt học sinh tìm ý nghĩa cho đoạn văn mà các em vừa đọc. Tôi nghĩ rằng, hãy để các em cảm nhận văn chương trước khi hiểu.

- Có ý kiến cho rằng, hiện nay ít nhà văn, nhà thơ dành tâm huyết cho mảng văn học thiếu nhi nên không có nhiều tác phẩm hay, hấp dẫn với các em?

- Viết cho trẻ em trong thời điểm hiện nay là điều không dễ, hơn thế còn là thách thức. Điều này khiến nhiều nhà văn chùn bước. Thực tế, viết cho người lớn rất khác với viết cho thiếu nhi, vì viết cho người lớn thì nhà văn không cần quan tâm đến độc giả. Đó là sự thỏa mãn nhu cầu chia sẻ, đưa thế giới riêng của mình tới độc giả nhưng viết cho thiếu nhi lại cần quan tâm đến nhu cầu, tâm lý lứa tuổi của độc giả. Do đó, viết cho thiếu nhi đòi hỏi nhà văn phải có trách nhiệm, hơn thế còn là sứ mệnh.

Khi còn công tác ở Nga, tôi từng chứng kiến câu chuyện như thế này, có một tờ tạp chí của nước Nga, theo thông lệ cứ vài năm lại tổ chức khảo sát nhu cầu của độc giả thiếu nhi như thế nào, các em quan tâm, thích thú với nhân vật nào... Kết quả là chỉ có 3% độc giả quan tâm đến thơ thiếu nhi. Tạp chí này quyết định không in thơ nữa vì đây cũng là thời điểm kinh tế Nga khó khăn. Ý tưởng này ngay lập tức bị các nhà văn, nhà thơ phản đối vì đó không phải 0%, 3% thì chúng ta càng phải viết thơ cho trẻ em. Từ đó để thấy rằng, các nhà văn, nhà thơ không nên quan tâm đến điều đó, còn 1 độc giả chúng ta cũng vẫn phải viết.

Ngoài ra, để các nhà văn có thể viết được cho thiếu nhi và được các em hưởng ứng thì các nhà văn, người làm sách thiếu nhi cần dành thời gian tham gia  các hoạt động của trẻ em. Tìm hiểu tâm lý lứa tuổi. Tức là nhà văn phải có hiểu biết nhất định về trẻ em; phải làm phong phú trí tưởng tượng của trẻ về cuộc sống xung quanh mình.

- Xin cám ơn bà!

Đinh Loan <I>thực hiện</I>