ĐBQH Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận): Đề nghị giữ nguyên Tổ chức giám định pháp y công an cấp tỉnh

MV lược ghi 30/05/2012 14:29

Giám định tư pháp là một hội đồng rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng. Hiện nay, hoạt động giám định tư pháp được điều chỉnh bằng Pháp lệnh Giám định pháp y. Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình mới, hoạt động giám định tư pháp đang bộc lộ những vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động tố tụng. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Luật Giám định tư pháp nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động giám định tư pháp hiện nay là điều cần thiết.

Về cơ bản dự thảo Luật có những điều quy định phù hợp với thực tiễn hoạt động giám định tư pháp. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các hoạt động xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người, tôi đề nghị giữ nguyên tổ chức giám định pháp y công an cấp tỉnh như hiện nay và kiện toàn theo hướng chính quy hiện đại hơn với những lý do sau. Một, pháp y công an nhất là pháp y công an cấp tỉnh đã có những đóng góp rất quan trọng và kết quả điều tra xử lý nhiều vụ án hình sự, xâm phạm tính mạng sức khỏe con người  bảo đảm chính xác, khách quan trong các kết luận giám định. Trong báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh Giám định tư pháp phục vụ cho việc xây dựng Luật Giám định tư pháp đã ghi nhận: "giám định viên pháp y ngành công an đều do các giám định viên chuyên ngành bảo đảm được bộ chủ quản quan tâm, bảo đảm được cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật nên hoạt động tương đối tốt, đáp ứng kịp thời các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Dự án Luật Giám định tư pháp, vai trò giám định pháp y công an cấp tỉnh đã không được đánh giá đúng mức". Hai, do tính chất quan trọng của đoàn giám định pháp y, đặc biệt là pháp y tử thi đối với các công tác điều tra xử lý vụ án hình sự. Hiện nay lực lượng pháp y công an tỉnh đang đáp ứng được yêu cầu công tác. Thực tiễn cho thấy, một số công an cấp tỉnh chưa có lực lượng giám định pháp y thì hoạt động giám định pháp y gặp rất nhiều khó khăn, không đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác, đặc biệt là những vụ giám định pháp y tại hiện trường hoặc vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết hoặc vùng sâu, vùng xa, nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải tổ chức bảo vệ tử thi tại hiện trường cả ngày hoặc đêm, hoặc nhiều hơn nữa để đợi giám định viên ngành y tế có mặt, trong khi đó phải trưng cầu giám định pháp y, phải đưa đón, nhất là về ban đêm và những ngày lễ, ngày tết. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều tra. Ba là việc duy trì pháp y công an cấp tỉnh không ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành pháp y y tế vì cùng với việc giám định pháp y theo trưng cầu, các cơ quan tiến hành tố tụng thì giám định pháp y của ngành y tế còn có nhiệm vụ chính là giải phẫu bệnh lý làm rõ nguyên nhân chết đối với những bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện phục vụ cho công tác chữa bệnh, cứu người. Đây là lĩnh vực mà pháp y công an nhân dân không có liên quan. Bốn là dự thảo Luật vẫn quy định tổ chức giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an, Viện khoa học hình sự và phần kỹ thuật hình sự thuộc công an cấp tỉnh được tiến hành giám định kỹ thuật hình sự. Dự thảo luật còn cho phép xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp thì không thể lập luận vì lý do khách quan không có tổ chức pháp y công an cấp tỉnh. Mặt khác, lập luận như vậy còn là tự phủ nhận kết quả quan trọng mà pháp y công an đã đạt được hơn 50 năm qua. Từ đó có thể dẫn đến sự hiểu nhầm bất lợi về mặt chính trị xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng vũ trang nhân dân…

MV <I>lược ghi</I>