Giám định tư pháp ngoài công lập chưa được tham gia giám định các vụ việc thuộc lĩnh vực hình sự là phù hợp với thực tế

Nguyễn Vũ ghi; Ảnh: T.Bình 30/05/2012 08:04

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giám định tư pháp, nhiều ĐBQH cho rằng, quy định về xã hội hóa trong công tác giám định tư pháp theo hướng cho thành lập các trung tâm giám định tư pháp ngoài công lập là chủ trương đúng đắn, phù hợp với nhu cầu của xã hội, góp phần làm giảm áp lực và tăng hiệu quả trong công tác tố tụng. Tuy nhiên, xã hội hóa ở lĩnh vực nào thì cần cân nhắc. Trong các vụ án hình sự, nội dung chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trách nhiệm này bảo đảm thiết chế và là kết luận của cơ quan có thẩm quyền, thể hiện quyền lực của Nhà nước. Do vậy, chưa thể cho hệ thống ngoài công lập được tham gia giám định các vụ việc hình sự là đúng với yêu cầu thực tế.

ĐBQH Nguyễn Đức Chung (Hà Nội): Giám định tư pháp ngoài công lập chưa được tham gia giám định các vụ việc thuộc lĩnh vực hình sự là phù hợp với thực tế

Điều 14, dự thảo Luật quy định về xã hội hóa nhằm thúc đẩy phát triển ngành giám định tư pháp, góp phần làm giảm áp lực, tăng hiệu quả trong công tác tố tụng. Quy định về xã hội hóa trong công tác giám định tư pháp theo hướng cho thành lập các trung tâm giám định tư pháp ngoài công lập. Tôi cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn và phù hợp với nhu cầu của xã hội, các trung tâm này hoạt động dựa trên cơ sở Luật Giám định tư pháp, trên cơ sở Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự do các cá nhân đứng ra đầu tư, thành lập và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Kết luận giám định của các trung tâm giám định tư pháp ngoài công lập hay trong công lập đều được sử dụng làm chứng cứ trước tòa, đều có đầy đủ giá trị pháp lý trong các vụ án dân sự, hành chính, đặc biệt là trong các vụ án dân sự, ngoài các quyết định của Tòa án, giám định tư pháp còn được thực hiện theo yêu cầu của luật sư, của tổ chức và yêu cầu của cá nhân tự giải quyết với nhau bằng các kết luận giám định, từ đó sẽ làm giảm áp lực công việc với cơ quan của Nhà nước, đặc biệt là đối với tòa án.

Tuy nhiên, với tình hình thực tế ở nước ta hiện nay, chỉ nên khuyến khích các cá nhân thành lập các tổ chức giám định ngoài công lập ở các lĩnh vực như giám định gen, thực phẩm, đồ cổ, âm thanh, ánh sáng và giám định thổ nhưỡng, nông nghiệp, kinh tế, công nghệ, máy móc và sinh học. Đây là những lĩnh vực phục vụ cho những cá nhân, tổ chức có tranh chấp trong hành chính và dân sự, thiết thực với đời sống; đồng thời, còn khuyến khích được nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển khoa học và tận dụng một số lượng chất xám của các cán bộ khoa học làm công tác nghiên cứu tham gia vào lĩnh vực này. Trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự, pháp y tâm thần, giám định xây dựng, giám định tài chính, kiểm toán, môi trường chủ yếu phục vụ hoạt động tố tụng hình sự, trong các vụ án hình sự đòi hỏi cần phải có một cơ chế quản lý của Nhà nước mới bảo đảm sự khách quan, toàn diện và lâu dài. Hơn nữa, trong các vụ án hình sự các nội dung chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trách nhiệm này còn bảo đảm thiết chế và là kết luận của cơ quan có thẩm quyền, thể hiện quyền lực của Nhà nước. Do vậy, chưa thể cho hệ thống ngoài công lập được tham gia là đúng với yêu cầu thực tế.

ĐBQH Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên): Mỗi tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh đang thể hiện nhiều ưu điểm và khó có thể thay thế cho nhau

Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH là để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng, cần tập trung hoạt động giám định pháp y ở cấp tỉnh vào một đầu mối và xây dựng hệ thống tổ chức giám định pháp y chính quy hiện đại, có trình độ chuyên môn hóa cao. Tuy nhiên, đứng trước tình hình thực tiễn hiện nay cần cân nhắc xem phương án nào phù hợp, phát huy ngay được hiệu quả và đáp ứng yêu cầu cần thiết của xã hội.

Sau khi kết thúc Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XIII, Ủy ban Tư pháp đã tổ chức khảo sát thực trạng về tổ chức và hoạt động trong lĩnh vực giám định pháp y tại một số địa phương. Kết quả khảo sát cho thấy, mô hình tổ chức cũng như điều kiện hoạt động của tổ chức giám định pháp y ở mỗi địa phương rất khác nhau. Có những nơi, chức năng giám định tư pháp của công an cấp tỉnh đã được kiện toàn nhưng cũng chưa thực hiện việc giám định mà chủ yếu là tập trung vào lực lượng giám định pháp y của Sở Y tế. Nhưng có nhiều nơi, tổ chức giám định pháp y của công an cấp tỉnh đã được thành lập từ rất lâu, từ những năm 1978, 1985 và cơ sở vật chất, trang thiết bị rất cơ bản; mới đây, họ được tăng cường một số trang thiết bị hiện đại để phục vụ cho việc giám định pháp y. Với những tỉnh như vậy thì tỷ lệ vụ việc giám định pháp y của công an cấp tỉnh nhiều hơn rất nhiều so với số lượng vụ việc do pháp y của ngành y tế thực hiện, đặc biệt là đối với công tác giám định pháp y tử thi. Cũng theo kết quả khảo sát thực tiễn này thì chính các cán bộ làm công tác pháp y của ngành y tế, một số lãnh đạo của UBND cấp tỉnh, Sở Y tế các địa phương cũng thừa nhận, với thực tế cán bộ, cơ sở vật chất, chế độ chính sách đối với các tổ chức giám định pháp y thuộc ngành y tế thì các tổ chức này rất khó khăn để đảm đương toàn bộ nhiệm vụ giám định pháp y hiện nay đang do đội ngũ giám định pháp y thuộc công an cấp tỉnh thực hiện. Các ý kiến này cũng cho rằng, việc tồn tại hai tổ chức giám định pháp y ở cấp tỉnh cũng đang thể hiện những ưu điểm của mỗi loại tổ chức giám định và hai loại hình này khó có thể thay thế cho nhau. Đó là những ý kiến mà không phải từ lực lượng giám định viên pháp y của ngành công an cũng như không phải cán bộ ngành công an nói ra. Trên cơ sở kết quả khảo sát thực tiễn như vậy và để phù hợp với khách quan như hiện nay thì về tổ chức giám định pháp y công lập tôi thấy để Phương án 2 của dự thảo Luật sẽ phù hợp hơn, tức là nên giữ nguyên quy định việc tổ chức giám định pháp y thuộc phòng kỹ thuật hình sự của công an cấp tỉnh như pháp luật hiện hành. Nhưng nhiệm vụ của đội ngũ này có hạn chế hơn trước, đó là chỉ thực hiện giám định tử thi để phục vụ kịp thời cho công tác điều tra tội phạm trong một số trường hợp nhất định.

ĐBQH Ngô Văn Hùng (Lào Cai): Nên giữ quy định về giám định pháp y thuộc phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh như quy định hiện hành

Do tính chất quan trọng của hoạt động giám định pháp y đối với công tác điều tra xét xử vụ án hình sự tại các địa phương thì việc tổ chức hệ thống giám định tử thi phải đáp ứng được yêu cầu xử lý nhanh, chính xác, đúng pháp luật; đáp ứng công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là trong giai đoạn hiện nay, tình hình tội phạm trong xã hội có chiều hướng gia tăng và phức tạp.

Thêm nữa, qua tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh về giám định tư pháp để phục vụ xây dựng dự án Luật Giám định tư pháp, Báo cáo của Chính phủ khẳng định ngành công an đã có sự quan tâm xây dựng lực lượng, bảo đảm về cơ sở vật chất, kỹ thuật, bảo đảm đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ về giám định pháp y trong phòng, chống tội phạm. Thời gian vừa qua, hoạt động của ngành pháp y công an có hiệu quả, đáp ứng kịp thời yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng; đội ngũ nhân viên, bác sỹ của ngành pháp y công an đều là các sỹ quan và chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh cũng như có bản lĩnh chính trị, đạo đức trong nghề nghiệp. Thực tiễn trong quá trình hoạt động pháp y của ngành công an thời gian qua luôn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp trong ngành công an và sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan pháp luật như Viện kiểm sát nhân dân. Lực lượng giám định pháp y trong công an nhân dân là một trong những mắt xích quan trọng để đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội. Duy trì lực lượng pháp y trong công an nhân dân theo tôi không ảnh hưởng đến sự phát triển của công tác pháp y ngành y tế trong hoạt động cho sự nghiệp chung của y học. Mặt khác, tôi thấy các tổ chức giám định pháp y trực thuộc ngành y tế hiện nay, theo báo cáo và khảo sát cũng còn nhiều khó khăn để đảm đương toàn bộ nhiệm vụ giám định pháp y, nhất là giám định pháp y kết hợp với phục vụ cho yêu cầu điều tra vụ án trong phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh quốc gia. Qua ý kiến xây dựng luật tại các địa phương đã có 49/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị giữ nguyên tổ chức giám định pháp y tại công an cấp tỉnh như hiện nay.

Từ những vấn đề nêu trên, tôi thấy rằng việc đầu tư tổ chức trung tâm pháp y cấp tỉnh trực thuộc Sở Y tế là yêu cầu mục tiêu lâu dài của tổ chức giám định tư pháp công lập tại các địa phương và phù hợp với cải cách hành chính tư pháp hiện nay. Tuy nhiên trong thực tiễn yêu cầu cấp thiết trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh quốc gia hiện nay, việc duy trì lực lượng giám định pháp y thuộc phòng cảnh sát kỹ thuật hình sự, công an cấp tỉnh là cần thiết và không thể thiếu được. Nếu có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ giám định pháp y của lực lượng thì hiệu quả càng cao hơn. Do vậy, tôi tán thành với quan điểm giữ quy định về giám định pháp y thuộc phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh như quy định hiện hành. Theo đó, trong dự án Luật Giám định tư pháp, Điều 12 tổ chức giám định tư pháp công lập được quy định như Phương án 2 nêu trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đã được UBTVQH trình trước QH.

Nên thiết kế tại Khoản 5 Điều 12 dự thảo luật cụ thể như sau: “Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giám định viên pháp y thuộc phòng kỹ thuật hình sự để thực hiện giám định pháp y tử thi”.

Nguyễn Vũ <i>ghi; Ảnh: T.Bình</i>