Người Hàn có thật sự mê phim không?

Vương Đỗ
Theo The Guardian
29/05/2012 07:34

Điện ảnh Hàn Quốc có danh tiếng tầm cỡ quốc tế, và từ lâu điều này cũng được ngầm “đánh đồng” với việc phần đông người dân nước này đều say mê thưởng thức nghệ thuật thứ bảy. Song liệu điều này có thật sự đúng? ĐBND giới thiệu một quan điểm của báo The Guardian.

Những năm đầu thập niên 1990, Hàn Quốc được thế giới biết đến như luồng gió mới của công nghiệp điện ảnh. Có thể gọi là cú bùng nổ mang màu sắc văn hóa xuất hiện sau khi chế độ quân phiệt tại xứ sở này chấm dứt vào năm 1987, cụ thể là trên “mặt trận” điện ảnh: hàng loạt liên hoan phim quốc tế được tổ chức trong nước, các tạp chí nở rộ như nấm sau mưa để thỏa mãn cơn khát mới của người Hàn Quốc. Số lượng người mua vé vào rạp chiếu bóng tăng gấp đôi trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2006, với tổng doanh số phòng vé lên đến 153 triệu bảng Anh mỗi năm (con số này ngang ngửa với nước Anh, trong khi Hàn Quốc có dân số ít hơn đáng kể).

Phim Khu vực an ninh chung (2000) làm rung động nhiều người xem
Phim Khu vực an ninh chung (2000) làm rung động nhiều người xem

Bản thân nhiều đạo diễn khẳng định được tên tuổi trong thời kỳ này cũng từng là những con nghiện điện ảnh, thể hiện qua thời kỳ sinh hoạt trong các câu lạc bộ làm phim được thành lập trong hầu hết các trường đại học tại Hàn Quốc trước đó. Lớp người này được gọi bằng cái tên “thế hệ 386”(*), đã làm nên những tác phẩm ghi dấu son vào lịch sử điện ảnh quốc gia như Chiến dịch Shiri (Shiri), Biệt đội ám sát (Silmido), Khu vực an ninh chung (Joint Security Area) hay Ngọn cờ Thái cực (Taegukgi).

Thế nhưng câu hỏi đang được đặt ra ngay vào lúc này là: người Hàn Quốc thật sự mê phim tới mức nào? Từ lâu lượng khán giả nội địa đã luôn được duy trì, đảm bảo và khích lệ bằng các chiến dịch truyền thông quảng cáo, các bài phê bình và nhất là một trong nhiều biện pháp từ chính phủ quốc gia Đông Á: chính sách bảo hộ bắt buộc đối với điện ảnh nội địa, nhằm thúc đẩy lượng tiêu thụ các bộ phim “cây nhà lá vườn”. Theo số liệu trong năm 2006, 63% lượng vé bán ra trên khắp Hàn Quốc là dành cho phim nội – một trong những tỷ lệ thuộc hàng cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều luồng ý kiến hoài nghi về cái gọi là “cơn điên phim ảnh mang tầm cỡ quốc gia” của Hàn Quốc. Sau khi “trận cuồng phong” Quái vật sông Hàn (The Host) của đạo diễn Bong Joon-ho quét qua mọi rạp chiếu trên khắp xứ sở kim chi vào tháng 8 năm 2006, một đồng nghiệp của ông là đạo diễn Kim Ki Duk đã không ngần ngại mỉa mai: “Dạo này bước vào bất cứ rạp chiếu bóng nào, bạn cũng sẽ lập tức bị bao vây bởi dăm sáu áp phích khác nhau của một phim duy nhất là Quái vật sông Hàn. Vậy thay vì tiếp tục thúc đẩy thứ hiệu ứng khiên cưỡng này, sao chúng ta không xây một rạp có sức chứa 10.000 chỗ ngồi để ai cũng có thể tha hồ hô vang khẩu hiệu Hàn Quốc muôn năm?

Đạo diễn hàng đầu của dòng phim nghệ thuật Kim Ki Duk tại liên hoan phim San Sebastian, Tây Ban Nha
Đạo diễn hàng đầu của dòng phim nghệ thuật Kim Ki Duk tại liên hoan phim San Sebastian, Tây Ban Nha

Tờ The Guardian của Anh bình luận, có lẽ đây là những chùm nho xanh bị ép chín vội bởi bàn tay của những người đam mê nghệ thuật nhưng lại thiếu trách nhiệm với số đông. Dù gì thì gì, người ta vẫn cảm nhận được một điều chắc chắn: có cái gì đó không đáng tin cậy trong việc xây dựng danh xưng “mê phim” cho người dân Hàn Quốc, ít nhất là trong phương diện quảng cáo. Nói thế có nghĩa, nếu người Hàn thật sự là những con nghiện điện ảnh trong tâm khảm, thì các tác phẩm của đạo diễn Kim Ki Duk, chẳng hạn Ốc đảo (The Isle), hay Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân (Spring, Summer, Autumn, Winter… and Spring) cũng phải nhận được sự tán thưởng và đón nhận nồng nhiệt ở quê nhà không kém hơn ở các liên hoan phim nước ngoài.

Nhiều quốc gia khác, vốn có tham vọng tìm kiếm sự công nhận của màn bạc quốc tế từ tận đầu thập niên 1990, cũng thực thi chính sách khuếch trương điện ảnh mang khẩu hiệu “Tổ quốc cần đến bạn” tương tự như Hàn Quốc. Năm 2006, khi Ca gác ngày (Day Watch) – bộ phim giả tưởng vay mượn phong cách Ma Trận (The Matrix) của Hollywood – vốn được đài truyền hình Trung ương Nga cấp vốn sản xuất ra mắt khán giả xứ sở bạch dương, nhà sản xuất chính đã hô vang trước đám đông ở thủ đô Moscow: “Đây (ý nói bộ phim) là nền điện ảnh của tất cả chúng ta, ai không xem tức là người đó không yêu nước”. Tại quốc gia Đông Âu này, “cơn cuồng điện ảnh” do nhà nước “bao cấp” có kết quả chả mấy khả quan: phim Nga chưa bao giờ chiếm được hơn 30% tổng lượng vé bán ra. Và giờ đây, tất cả những hạn chế của một công nghiệp điện ảnh do nhà nước cầm trịch cũng đang dần lộ ra ở Hàn Quốc: sau khi chính sách bảo hộ điện ảnh bị bãi bỏ vào năm 2007, lập tức tỉ lệ hiện diện của phim nội tại các phòng chiếu nước này liền sụt giảm xuống dưới mức 40%.

______________

(*) “Thế hệ 386” là khái niệm xuất hiện vào đầu những năm 1990 ở Hàn Quốc, chỉ những người đang ở độ tuổi 30, học và tốt nghiệp đại học vào những năm 1980, và sinh ra vào những năm 1960. Đây là thế hệ người Hàn Quốc đặc biệt hăng hái tham gia vào các hoạt động chính trị và là nhân tố chính trong công cuộc cải cách dân chủ, cũng như dẹp bỏ chế độ quân phiệt vào thập niên 1980.

Vương Đỗ<br>Theo <i>The Guardian</i>