Bến bờ (Phần 1)
Tiểu thuyết của Ma Văn Kháng

28/05/2012 08:22

>> Bến bờ (Phần 2)

>> Bến bờ (Phần 3)

>> Bến bờ (Phần cuối)

Sau hai năm thực tập ở một tỉnh miền núi, Trần Thanh Điền, một chiến sĩ công an, một điều tra viên, trở về Trung tâm, cơ quan của anh, tại một thành phố lớn.

Tại đây, Điền sống và làm việc trong nhiều mối quan hệ. Trước hết, tại Ban A, một bộ phận của Trung tâm, với người đứng đầu là ông Lý Văn Bân, mà mọi người vẫn gọi là ông Hói, một cán bộ kém cỏi về tài năng và đê tiện về tư cách. Ông là người cản trở công việc của Điền, thậm chí là kẻ ác tâm, cố tình gây chuyện để làm hại thanh danh anh.

Tuy nhiên trong cuộc sống, Điền còn có một người bạn đồng nghiệp mẫu mực trong công tác và đời riêng là Trần Văn Lập, một giám thị trại giam. Điền còn có một tình yêu đẹp với Hà Khanh, một thiếu nữ đẹp trong sáng và là diễn viên trong một đoàn ca kịch dân tộc.

 Cuộc sống không hề dễ dàng. Các nhân vật Điền, Lập, Khanh mỗi người có một số phận và con đường đi của mình và ai trong họ cũng gặp nhiều trắc trở, thậm chí buồn phiền, đau đớn. Yêu thương hết lòng người phụ nữ là vợ mình, nhưng chính Lập lại bị chị ta phản bội đến ê chệ. Người làm công việc cải tạo cái xấu xa tội lỗi lại chính là nạn nhân của tội lỗi xấu xa. Đề cao tinh thần bổn phận và đối mặt với cái xấu xa bằng lý trí của một người đàn ông, Lập đã vượt qua nỗi đau của bản thân mình.

 Khanh tươi đẹp sáng trong gặp cảnh huống éo le. Mẹ mất, ba nàng tục huyền với một người đàn bà tên Đống, một thị dân hạ tiện với một bầu đoàn con cái nhiều phần đã tha hóa trở nên hư hỏng; trong đó có kẻ như Tư, như Úc đã biến chất thành lưu manh, côn đồ. Bọn người này nghiễm nhiên trở thành người sống cùng nhà với Khanh. Lòng tham nẩy nở. Họ âm mưu tranh chiếm tài sản của cha nàng, của nàng. Hơn nữa, trong cơn phóng dục, Tư còn định chiếm đoạt thân xác nàng, gây nên một vụ sát hại chính vợ con y và bao cay đắng cho nàng đúng lúc nàng gặp thói tráo trở của đồng nghiệp, khiến nàng phải rời khỏi nghiệp diễn viên.

 Điền, một ý chí nam nhi, một tính cách chiến sĩ can trường, quả cảm. Cha là liệt sĩ trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào. Lớn lên nơi đồng quê, với bao kỷ niệm tươi đẹp về cuộc sống nơi thôn ổ và người cha thân yêu. Ra thành phố học, trưởng thành trong lao động và rèn luyện, ở Điền dần dần đã chín muồi một chí khí mạnh mẽ, một tinh thần trọng danh dự và can đảm, một nhiệt huyết sâu trầm, một tình yêu cuộc sống, một tâm niệm về giá trị bất biến của con người. Cuộc tình của anh với Khanh là sự hòa hợp giữa hai tâm hồn thánh thiện thật trọn vẹn và mãn nguyện. Anh liên tục hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Trong đó, đáng chú ý là những vụ án có quan hệ đến bọn thằng Nghiệm, tên lưu manh đầu sỏ, kẻ có mối thù riêng với Điền từ thuở còn là học sinh cùng trường.

 Cao trào của tiểu thuyết diễn ra sau vụ phóng dục của tên Tư. Khanh bị bôi nhọ danh dự. Ông Hói lộ mặt đê hèn, lợi dụng cơ hội, hạ nhục Điền. Uất ức, Điền đã đáp trả lại đích đáng ông Hói.

 Trong cay đắng của tình cảnh, Điền vẫn giữ trọn phẩm chất một chiến sĩ, một con người. Bến bờ là cái làn ranh mỗi người phải đi đến để hoàn thiện nhân cách mình. Nhận kỷ luật, bị điều về đơn vị của Lập, anh đã hoàn thành nhiệm vụ truy bắt và tiêu diệt tên Nghiệm và đồng bọn, những tên lưu manh đại gian ác.

 Khanh được giải oan bằng sự cảm thông và nâng đỡ của những tấm lòng cao cả và nghệ thuật thơ ca. Nàng sống trong tình yêu vĩnh hằng của Điền cùng đứa con của nàng và anh.

ĐBND giới thiệu một số phần trong tiểu thuyết Bến bờ của nhà văn Ma Văn Kháng.

 

Bến bờ (Phần 1)<br><i>Tiểu thuyết của Ma Văn Kháng</i> ảnh 1
Minh họa của Thúy Hằng

Đã là ngày thứ bảy, kể từ hôm bay trên chiếc Boeing 747 vào Sài Gòn trong vai giám đốc một công ty thương mại, rồi đáp xe lửa ra đây, Điền đã thu vào tầm mắt Thành Phố Biển phương nam này.

Thành phố với bãi biển xinh đẹp, sạch sẽ, đầy cảm hứng lãng mạn đến thế tưởng như chỉ là nơi dành cho con người nghỉ dưỡng và suy tưởng, hóa ra lại đang giấu trong lòng nó một tổ chức tội phạm. Một nguồn tin đáng tin cậy nhưng chưa được xác minh cho hay, ở đây vừa xẩy ra một vụ bắt cóc tống tiền tàn bạo của một băng nhóm lưu manh. Đây là lần đầu tiên ở đất nước này, người ta nhận thấy: tội phạm không chỉ là những cá thể tự do, chúng đã được tổ chức và tính chất nghiêm trọng là ở chỗ đó, nếu nó là sự thực. Sự việc đầu đuôi như sau: một người đàn ông quê ở Hà Đông vào đây định lập công ty du lịch, bỗng nhiên bị một nhóm người ập đến bắt. Sau một hồi bị đánh đập, anh phải nộp cho bọn người này sáu trăm triệu đồng rồi mới được trả lại tự do. Được thả, anh không dám hé răng, chỉ một lần kể sơ cho một người bạn thân ở ngành thủy sản chuyện nọ. Người bạn thân này lại là em họ gần của thủ trưởng Trung tâm. Và tất nhiên là ông Hói trưởng ban A được gọi lên. Dùi động đến đục, đục chạm đến săng và thế là Điền sau hai năm xa cách chưa được gặp Khanh đã phải lên đường, với lời dặn của ông Hói: vào đấy liên hệ với cơ sở mà hỏi, rồi có phương án thì báo cáo về.

*

Còn bây giờ, thế là đã rõ. Hiển nhiên là đã tồn tại một băng nhóm lưu manh chuyên nghiệp ở thành phố xinh đẹp này. Chúng có khoảng mười tên, hành nghề ở trong cái gọi là nhà hàng Đại Dương, một kiểu quán ăn nhậu và nghỉ trọ, kiến trúc ba tầng hiện đại, ở bên bờ biển, nơi Điền đang nóng lòng trong tinh thần muốn bắt cọp phải vào tận hang nó. Vụ tống tiền người đàn ông định lập công ty du lịch chỉ là một trong cả chục vụ bọn này đã gây ra hơn năm năm nay. Không một nạn nhân nào dám hé lộ. Và cơ quan an ninh cơ sở thì ở vào tình trạng phân tâm. Bảo biết thì cũng không hẳn. Nhưng nói rằng không biết thì cũng chẳng phải. Đúng là họ đánh bài tảng lờ. Bởi vì bọn này hoành hành đâu có kín đáo. Chúng đã lần lượt thanh toán và thu gom tất cả bọn trộm cướp lẻ tẻ trong thành phố vào một mối điều hành và thực hiện việc phân chia lãnh địa hoạt động. Bọn đàn em nhất nhất phục tùng bọn trùm sỏ và thực hiện việc nộp khoán. Còn nhóm hạch tâm, tức bọn đầu sỏ thì đảm nhiệm vai trò bảo kê tất cả các cơ sở kinh tế tư nhân ở bãi biển này. Tất cả, hàng tháng đều phải nộp một khoản tiền gọi là thuế bảo hiểm cho chúng. Nếu không, chúng có thể kéo đến đập phá bất cứ lúc nào. Chúng chăn dắt gái bán hoa và khống chế các ổ mãi dâm, các sòng bạc. Thích cô gái nào, chúng có thể bắt về hãm hiếp thỏa thích ngay tức khắc. Hứng chí, chúng kéo cả vài chục chiếc xe máy phân khối lớn như một cơn lốc diễu võ dương oai qua thành phố. Chẳng một ai dám tố cáo chúng. Vì đòn cảnh cáo lúc nào cũng như thể đã sẵn sàng. Một vụ đụng độ xe cộ. Một can xăng đặt trước nhà. Thậm chí có khi chỉ là một cú điện thoại vô danh. Mọi người đều sợ hãi chúng. Không dây vào chúng đã đành, lại còn tỏ ra thân thiện, cậy nhờ vào chúng nữa. Nhờ chúng đòi nợ, nhờ chúng tranh giành trong các cuộc chấp chiếm đất đai, thậm chí dựa vào chúng để thanh toán tư thù, đòi lên chức, lên lương trong các công sở nhà nước và tư doanh. Tổng quát về các hành động càn rỡ mặc sức của chúng, người ta bắt buộc phải nghĩ tới tính chất mafia của vụ việc.

Tuy vậy, cũng phải nói rằng bọn lưu manh chuyên nghiệp lộng hành này rất khôn ngoan, thật đàng hoàng. Chúng đeo mặt nạ ông chủ, nhân viên tài vụ, người tiếp thị, lao công ở các nhà hàng. Đặc biệt là ở nhà hàng Đại Dương, ở đây, có nhóm hạch tâm gồm ba tên với kẻ cầm đầu là Kơn, biệt hiệu là Kơn đầu trọc, hay Kơn trọc. “Tao là người của anh Kơn trọc đây!” Một lần tỉ tê hỏi chuyện một chú bé đánh giầy, Điền được nó khoe, mỗi khi gặp kẻ ăn hiếp, nó chỉ cần xưng danh vậy là thằng nọ khiếp vía liền. Kơn trọc! Oai danh một kẻ càn rỡ, thần tượng khủng khiếp của lớp chúng sinh hèn mọn. Bọn trẻ đánh giầy, bán báo kháo nhau: ở đây, trên là giời, dưới là anh Kơn trọc. Anh cạo trọc đầu từ hồi mười tuổi. Vì một ông thầy tướng coi tướng mạo anh, nói: Nghiệp nhà cậu lớn lắm, song phải cạo trọc đầu mới nên được. Quả nhiên, nghiệp anh Kơn lớn thật. Ở Mátxcơva, anh chỉ huy tất cả các quầy bán thuốc lá lẻ của dân Việt lưu vong. Anh đánh nhau với hải quan, cảnh sát Tiệp. Anh làm chủ xưởng bánh mỳ ở Đức. Bố anh là quan to lắm. Anh buôn bán cả tên lửa, xe tăng. Đừng có kẻ nào hòng động đến anh Kơn!

*

 Vậy là sẽ có một người động đến Kơn trọc đây, và người đó chính là Điền, nhà kinh doanh đặc sản biển, chiều chiều vẫn hay có mặt ở bãi biển này.

Nằm dài bên mép biển, Điền lim dim hai con mắt nhìn ra xa. Vầng trăng đêm trên biển căng nở thật to và tròn vành vạnh như một tấm gương. Nhớ lắm cái lần đầu tiên Điền nhìn thấy trăng. Một gương trăng rằm vàng tươi như đột ngột và lừng lững nhô lên ở sau lũy tre làng. Trời! Một vật thể khổng lồ, một niềm kinh dị siêu tầm. Đến mức Điền sáu tuổi đang đẽo con khăng(1), ngẩng lên chợt nhìn thấy, liền buột rơi con dao, rồi vừa sợ hãi vì sự cô lẻ của mình vừa bàng hoàng trước cái khối vật chất có tầm kích vũ trụ, chứa đựng ở bên trong nó ký ức cả thiên niên kỷ, đứng phắt dậy, chạy ào đến ôm chặt lấy người cha và khóc òa. “Cha đây mà, đừng sợ, con!” Ôm chặt con trong vòng tay bảo vệ, cha anh ghé tai anh, thì thầm với một tiếng nói ấm áp đầy ân tình và khích lệ. Nhớ lắm cái buổi đến thăm Khanh đầu tiên. Đó là ngày nhận được giấy báo nhập trường Đại học An ninh. Chạy một mạch từ nhà chú thím đến nhà Khanh. Ở đây, một cảnh huống giản dị mà hãn hữu đang chờ anh. Khanh vừa tắm xong, trong cái áo liền váy mong manh, xổng xểnh, tóc xõa dài, nàng nghiêng mình trên cái cầu ao gỗ, tay đảo nhẹ một vòng tròn để dìm chiếc bình tưới xuống nước, rồi sau đó đứng dậy xách nó lên, bước tới mấy luống hoa trong vườn nơi tụ hội niềm vui thanh nhã của cha nàng; lúc đó toàn bộ thân hình nàng như được chiếu rọi từ bên trong, bừng thức, lồ lộ căng tràn và bồng bềnh trong ánh nắng thu ngược chiều vừa hiện thực vừa như hư ảnh mộng mơ. Chiều tháng tám, những tia nước tưới lung linh sắc cầu vồng, những đóa hoa rung rinh, đẹp cao quý mà thân mật, quyến rũ mà bí ẩn, như được hưởng ân ưu, bừng bừng một màu hồng thắm tươi rực rỡ hội hè. Vườn hồng đang bao bọc quanh Khanh. Hay chính Khanh đã hóa thân thành vườn hồng với những đóa hoa bảy cánh xếp lớp đẹp huyền ảo như chỉ có trên thiên đường trong Thần khúc của thi hào Đăngtê vĩ đại.

 Nhưng mà thôi, hãy để kỷ niệm sang một bên, vấn đề đặt ra gay gắt lúc này là Điền phải lọt được vào tận hang ổ của chúng kia! Lọt vào sào huyệt của chúng, chỉ có cách ấy mới tiếp cận được Kơn trọc, hiểu biết cặn kẽ về nó, về quy luật sinh hoạt đi lại của nó và ra đòn quyết định cuối cùng.

 Nhưng lọt vào đó thì khó nhất là điều gì? Vai kịch phải đóng? Không khó! Kinh nghiệm thì đã đành, nhưng sau kinh nghiệm còn là nỗi đam mê tới mức có thể hóa thân vào sự vật, để cái tôi chìm vào lòng sự vật. Thì điều đó Điền hoàn toàn có thể. Vì Điền đã vài lần vào ra cái quán hàng ăn nhậu vừa sang trọng vừa dân dã nọ và đã tìm cách làm quen với một vài nhân viên ở đó. Cao ráo và thanh nhã trong cái áo lụa tơ tằm may kiểu Pie Cácđanh, với đôi giầy Italia, cặp kính côn và chiếc điplômát Nhật, gương mặt vuông vức được nắng gió phương nam bào giũa của anh vẫn giữ vẻ chất phác tự nhiên và hòa hợp với khung cảnh nơi cửa hàng nầm nập khách khứa nam nữ áo tắm xanh xanh đỏ đỏ sặc sỡ vào ra cùng dàn tiếp viên cô nào cô nấy đều vừa xinh đẹp vừa vui vẻ. Rót ly Mácten cho anh, cô Mai ở quầy rượu có gương mặt đẹp thùy mị và nốt ruồi duyên trên má gợi anh nhớ tới Khanh, rất có thiện cảm với anh. Trong vai kịch phải đóng, anh boa cho cô năm chục ngàn sau ly rượu, lại tỏ ra bất đắc dĩ phải ở căn buồng loại hai giá có 350.000 mỗi đêm và yêu cầu tha thiết cô đổi ngay cho buồng loại xịn khi có khách trả, cô đã nhiệt tình hứa hẹn và chẳng lộ ý nghi ngờ khi anh như kẻ tò mò hỏi về nơi ăn ở của anh chủ nhà hàng tên Kơn.

(Số sau đăng tiếp)

______________________

1. Một trò chơi của trẻ con nông thôn.