Bến Bồ Đề bên sông Hồng xưa

Anh Chi 27/05/2012 08:58

Bồ Đề là một bến lớn bên tả ngạn sông Hồng, trông sang trung tâm Thủ đô Hà Nội. Từng là đầu mối giao thông quan trọng, gắn với chiến công đánh thắng giặc Minh của Bình Định vương Lê Lợi, địa danh này đã được truyền tụng trong nhiều lời thơ cổ, được nhiều người biết đến.

Bến Bồ Đề ngày nay Ảnh: Đặng Đình
 Bến Bồ Đề ngày nay                                                                                         Ảnh: Đặng Đình

Ngay từ thuở các vua Lý dựng đô ở Thăng Long, bến Bồ Đề đã trở thành một đầu mối quan trọng trên đường giao thông giữa kinh sư với các trấn miền Bắc và miền Đông. Đến thời chiến tranh Trịnh - Mạc, chúa Trịnh Cương đã cho đặt một quán trạm ở Bồ Đề để ngoài việc giao thông thường, còn chuyên lo phi báo các tin tức về chiến trận với nhà Mạc cùng những diễn biến của một số cuộc khởi nghĩa của nông dân mấy vùng phía Bắc. Thời kỳ đó, chúa Trịnh phải dụng binh nhiều. Riêng việc trông coi quán trạm Bồ Đề có hẳn một dịch thừa cùng 5 dịch lại và 60 lính trạm. Phần đông dân đinh phải đi phu đi lính. Do vậy, hàng ngày tại bến trạm Bồ Đề luôn có đông ông già, bà già, phụ nữ tới để hỏi thăm tin tức chồng, con. 60 lính trạm chia làm 20 tốp, đều mặc quần áo có nẹp đỏ, đầu đội nón dấu có cắm chùm lông gà trên chóp, ngụ ý đi nhanh như bay.

Bến Bồ Đề bên sông Hồng xưa ảnh 2
Từ bến Bồì Đề nhìn qua sông Hồng về Hà Nội ngày nay                                      Ảnh: Vicky

Có những lời thơ cổ còn truyền tụng lại được nhiều người biết đến, lan truyền tới nhiều miền đất nước, vừa dân dã như đồng dao mà cũng rất hùng tráng: Bồ Đề bắn thư/ Bồ Đề chăn ngựa/ Bồ Đề vượt sông… Những câu thơ trên gắn liền với chiến công hiển hách bậc nhất trong lịch sử đánh giặc cứu nước của ông cha ta. Ấy là vào cuối năm Bính Ngọ (1426), sau trận đại thắng Tốt Động, Bình Định vương Lê Lợi đã cho đại quân vây chặt đại tướng nhà Minh là Vương Thông cùng quân sỹ của ông ta trong thành Đông Quan (tên của thành Thăng Long thời điểm bị nhà Minh chiếm đóng). Vương Thông cố thủ, chờ viện binh. Vua Lê Lợi đóng đại bản doanh ở Bồ Đề, tổng chỉ huy chiến dịch. Chờ mãi không thấy viện binh, Vương Thông cùng kế phải dùng tên bắn thư ra, xin quân ta cho định ngày hàng. Bình Định vương ở Bồ Đề cho bắn thư trả lời, hạn ngày phải mở cửa thành ra hàng... Từ công tích này nên có câu: Bồ Đề bắn thư.

Thực chất, Vương Thông vẫn có ý cố thủ, bắn thư chỉ cốt thực hiện mưu hoãn binh chờ quân cứu viện. Đến hạn định, vẫn không thấy Vương Thông ra hàng, Bình Định vương từ trên vọng lâu bên bến Bồ Đề nhìn sang, biết quân giặc còn cố gia công hào lũy. Ngay sau đó lại dò biết tin nhà Minh đã phái viện binh lên đường, vua Lê Lợi liền phái hai đạo binh chặn đánh. Một đạo đón đánh cánh quân của Liễu Thăng tại Chi Lăng. Một đạo đón đánh cánh quân của Mộc Thạnh mạn Tuyên Quang, nhưng viên tướng giặc này đã hoảng sợ tháo lui khi nghe tin Liễu Thăng đại bại ở ải Chi Lăng. Được những tin thắng trận ấy, dân chúng các làng quanh Bồ Đề đem gạo thịt đến khao quân của Bình Định vương. Vua Lê Lợi không muốn quấy nhiễu dân nên từ chối không nhận gạo, thịt. Dân chúng vẫn muốn biểu lộ lòng cảm ơn đại quân bằng hành động cụ thể, nên cho nhiều con cháu đến xin theo cờ nghĩa để đánh giặc, và có hàng ngàn người tự nguyện đến cắt cỏ, chăn cho ngựa chiến ăn no để thêm lực tiến đánh thành Đông Quan. Từ sự tích này mà có câu: Bồ Đề chăn ngựa. Và phải chăng, bài đồng dao con trẻ thường hát rất sảng khoái: Nhong nhong ngựa ông đã về/ Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn…, cũng do sự tích Bồ Đề chăn ngựa mà có?

Sau khi hai cánh quân cứu viện của nhà Minh bị đánh tan, thừa lúc đêm mặt sông dâng đầy sương mù, hàng trăm thuyền chài bên hữu ngạn đã vượt sông Hồng sang bến Bồ Đề. Những chiếc thuyền của dân chài này đã bí mật chở quân của Bình Định vươn sang sông công phá thành Đông Quan. Ở trong thành, quân địch cũng đã biết việc hai đạo viện binh bị đánh tan cả rồi, đều chán nản, lo sợ. Vua Lê Lợi lại cho bắn thư vào thành bảo rõ cho họ hai đường họa, phúc. Kết cục, Vương Thông và quan tướng thuộc quyền đều trói mình ra hàng. Và từ bến Bồ Đề, năm ấy, Bình Định vương Lê Lợi vượt sông vào thành Đông Quan, kết thúc cuộc kháng chiến mười năm gian khổ, khôi phục hoàn toàn đất nước, khởi dựng thời kỳ thịnh trị mới cho dân tộc. Từ công tích ấy mà có câu: Bồ Đề vượt sông!

Anh Chi