Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu - nhà soạn tuồng kiệt xuất

Gs Hoàng Chương 22/05/2012 08:11

Hơn 50 năm qua có rất nhiều công trình nghiên cứu về Đào Tấn, thế nhưng, người thầy dạy chữ, dạy viết tuồng cho ông, một trong những gương mặt đáng tự hào nhất của nghệ thuật tuồng, lại rất ít người biết đến. Đó là Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu - tác giả bộ tuồng Ngũ hổ bình Liêu hay Ngũ hổ bình Tây, được hầu hết đoàn tuồng ở miền Trung và Nam bộ biểu diễn suốt hơn một thế kỷ qua.

Hồ Nguyệt Cô là nhân vật nổi tiếng trong tác phẩm của Nguyễn Diêu
Hồ Nguyệt Cô là nhân vật nổi tiếng trong tác phẩm của Nguyễn Diêu

Nếu những nhân vật của Đào Tấn như Tiết Cương, Trần Lan Anh (Hộ Sanh đàn), Triệu Khánh Sanh, Kiều Quang (Diễn Võ đình), Quan Công, Trương Phi (Cổ thành), Hoàng Phi Hổ, Văn Trọng (Phong thần) đã quá quen thuộc với khán giả cả nước thì những nhân vật như: Địch Thanh, Thoại Ba, Lưu Khánh (Ngũ hổ), Tiết Giao, Hồ Nguyệt Cô (Hồ Nguyệt Cô hóa cáo)... của Nguyễn Diêu cũng quen thuộc không kém. Và trong khi kịch bản tuồng Đào Tấn chưa được in ấn rộng rãi thì kịch bản  tuồng của Nguyễn Diêu đã xuất bản ở Sài Gòn từ năm 1970 với cuốn sách Ngũ hổ bình Tây do Trần Văn Hương - Lê Ngọc Trụ sưu tầm và giới thiệu, NXB Khai Trí xuất bản. Điều đó chứng tỏ trí thức Nam bộ sớm biết tuồng Nguyễn Diêu và đã quan tâm tới những giá trị văn học dân tộc, dù đang sống trong chế độ Mỹ - Ngụy trước 1975.

Nguyễn Diêu là ai mà có thể làm thầy Đào Tấn và viết ra được những vở tuồng sống mãi với thời gian? Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu sinh năm 1822, mất 1880, quê ở làng Nhơn Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, Bình Định, cùng quê với Đào Tấn và thi sỹ Xuân Diệu. Ông nổi tiếng văn hay, học giỏi nhưng chỉ thi đỗ ở bậc Tú tài (nên dân gian gọi ông là Cụ Tú Nhơn Ân) vì vướng bận mối tình trắc ẩn mà đau khổ nên không thể thi đỗ lên bậc cao hơn. Ông không đi thi nữa mà mở trường dạy học tại quê hương, trọn đời làm một ông giáo làng, một ông nghiệp sư tuồng bình dị mà vĩ đại, viết nên những pho tuồng bất hủ và đào tạo ra nhiều chí sĩ và tài năng tuồng, trong đó nổi bật là Đào Tấn.

Tuy là hai thầy trò có ảnh hưởng tới nhau nhưng Đào Tấn và Nguyễn Diêu mỗi người có quan điểm khai thác đề tài và thi pháp nghệ thuật khác nhau. Đào Tấn vốn là một đại quan trong triều Nguyễn, nên cảm hứng nghệ thuật từ cuộc sống ở cung đình với đủ loại nhân vật vua quan quyền quý, trung nịnh, luôn luôn đối lập nhau, luôn luôn có âm mưu thôn tính lẫn nhau, nên tính xung đột, tính bạo liệt bao trùm trong tác phẩm của ông. Còn Nguyễn Diêu chủ yếu sống ở nông thôn nên cảm hứng sáng tác từ hiện thực xã hội quanh mình, với những nhân vật tiêu biểu của nông thôn Việt Nam như lý trưởng, hương mục, hề đồng, chủ quán...

Nếu đề tài chính sự và hình tượng người anh hùng cứu nước là trung tâm sáng tạo của tuồng Đào Tấn thì đề tài hiếu nghĩa, nhân ái, thủy chung của đạo làm người cùng những tình cảm bình thường của tình yêu, tình người quán xuyến trong tác phẩm của Nguyễn Diêu. Như vở Ngũ hổ bình Liêu với hai nhân vật chính là Địch Thanh, nguyên súy nước Tống và Thoại Ba, công chúa nước Đơn, cả hai đều là những bậc anh hùng nữ kiệt nhưng điều Nguyễn Diêu quan tâm trong vở tuồng không phải là Địch Thanh, Trại Ba anh hùng dũng lược thế nào, bình Liêu, bình Tây ra sao mà chính là mối tình xuyên suốt thời gian, không gian của họ. Cho dù quá trình diễn biến vở tuồng có vô số cuộc đánh nhau giữa Tống Đơn, Tống Liêu nhưng đấy chỉ là cái nền để làm nổi bật vẻ đẹp của mối tình Địch Thanh - Thoại Ba, một tình yêu rất bình thường nhưng cũng rất cao cả, vượt qua bao thử thách cam go, bao định kiến tưởng như không thể vượt qua ở đời. Ở đây trái tim và ngòi bút tài hoa của tác giả đã sáng tạo nên một công chúa Thoại Ba hội đủ cả tài năng, đức độ, tình yêu say đắm và lòng chung thủy vẹn toàn như một tấm gương quyến rũ người xem, nhất là giới nữ nhi. Phải chăng vì thế mà Ngũ Hổ bình Liêu là vở tuồng bất hủ về đề tài tình yêu và ở thời đại nào cũng chinh phục được đông đảo người xem.

Vở tuồng Tiết Giao đoạt ngọc cũng viết về tình yêu. Dĩ nhiên tình yêu ở đây là một dạng khác, một bên thì nhằm thỏa mãn dục vọng, còn một bên thì nhằm mục đích lọc lừa, được diễn tả bạo liệt qua cảnh Hồ Nguyệt Cô yêu Tiết Giao một cách mù quáng. Cô dùng sức mạnh của người đàn bà có ma thuật để khuất phục một chàng trai non tơ vào lưới tình rồi buông cả viên ngọc quý do tu luyện nghìn năm mà có cho Tiết Giao chiếm đoạt, để rồi phải chịu thảm kịch quay về kiếp cáo và bị chính người chồng của mình là Võ Tam Tư chém chết. Khác với mối tình trong sáng cao đẹp giữa Địch Thanh và Thoại Ba, câu chuyện tình giữa Hồ Nguyệt Cô và Tiết Giao nêu bài học cảnh tỉnh cho con người rằng: sống ở đời phải luôn cảnh giác trước mọi dục vọng, cám dỗ, giữ lấy phẩm chất ngọc quý của con người, mới có thể tránh được những bi kịch đau thương. Giá  trị nhân văn sâu sắc và luôn hiện đại ấy đã làm Tiết Giao đoạt ngọc được đánh giá là một trong những vở tuồng lớn nhất trong lịch sử nghệ thuật tuồng, sánh ngang với những kiệt tác: Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương, Cổ thành, Hộ sanh đàn, Trầm hương các...

Tính nhân văn trong tuồng của Nguyễn Diêu còn thể hiện rất rõ trong vở tuồng bi hài Liệu đố. Nội dung vở tuồng là một câu chuyện tình yêu gần giống những chuyện dân gian như Lâm Sanh - Xuân Nương, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Tống Trân - Cúc Hoa... nhưng Liệu đố có chủ tâm, ý đồ lớn nhằm giải quyết một vấn nạn xã hội đang tồn tại như một căn bệnh trầm kha nguy hiểm dẫn tới những bi hài kịch: bệnh ghen của phụ nữ. Tuy trong tác phẩm có nhiều nhân vật tốt - xấu, thiện - ác đan xen nhưng tập trung vào ba nhân vật chính là chàng thư sinh Châu Anh và hai cô gái Ngọc Mai, Kim Liên trong mối tình tay ba. Từ những yếu tố ngẫu nhiên bất ngờ mà tạo ra quan hệ rắc rối đó và cũng từ đó nảy ra những xung đột dữ dội giữa hai phụ nữ có chung tấm chồng: nàng Ngọc Mai với bệnh ghen gần như bẩm sinh được đẩy lên tới đỉnh điểm bởi hoàn cảnh trớ trêu của số phận và nàng Kim Liên tài sắc vẹn toàn đã hóa giải bệnh ghen đó bằng tình cảm chân thành và sự hy sinh không so đo tính toán để tìm ra con đường ấm êm hạnh phúc tưởng như không thể có được cho một gia đình chồng một, vợ hai. Vở tuồng nhằm chữa bệnh ghen trở thành vở tuồng đi tìm hạnh phúc chân chính và chân lý sống tốt đẹp cho con người.

Chỉ điểm qua vài nét trên đã có thể thấy Nguyễn Diêu là một tên tuổi lớn của sân khấu và nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Thành tựu sân khấu của ông hoàn toàn có thể sánh ngang với người học trò thiên tài của mình, hậu tổ tuồng Đào Tấn. Thân thế và sự nghiệp của ông đã không được nghiên cứu đầy đủ và tôn vinh xứng đáng vì nhiều lý do như trọn đời ông chỉ sống ở làng quê của mình. Các di cảo của ông không có điều kiện được gìn giữ cẩn thận, trước đây người ta chỉ biết ông là tác giả của bộ tuồng Ngũ hổ bình Liêu, vở Liệu đố thì gần như biệt tích, còn vở Tiết Giao đoạt ngọc lại được một số học giả coi là của Đào Tấn...

Ngày 22.5, tỉnh Bình Định và Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phối hợp tổ chức hội thảo về Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu. Đây là sự ghi nhận bước đầu trên hành trình nghiên cứu nhằm khẳng định và tôn vinh xứng đáng một soạn giả kiệt xuất của sân khấu tuồng và nghệ thuật truyền thống dân tộc. Việc bảo tồn và phát huy di sản tuồng của Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu được đặt ra tuy chậm nhưng tôi tin rằng di sản của Nguyễn Diêu đã và sẽ là niềm tự hào của nghệ thuật Việt Nam, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam.

Gs Hoàng Chương