Hai tấm gương phản chiếu

Hoàng Vân 17/05/2012 08:16

Bayern Munich và Chelsea luôn nằm trong nhóm đại gia châu âu thập kỷ qua. Nhưng việc họ gặp nhau tại trận chung kết Champions League năm nay có lẽ khá bất ngờ, nhất là với Chelsea. Nếu nhìn tổng quan thì hai đội khá giống nhau, từ cách làm bóng đá cho đến tư duy lãnh đạo.

Hai tấm gương phản chiếu ảnh 1

Đào tạo trẻ

Về điểm này thì 2 đội vừa giống vừa khác nhau. Bayern Munich đang có một thế hệ khá đồng đều là người Đức xuất thân từ lò đào tạo trẻ như Lahm, Schewni, Mueller, nhưng trước đó họ hầu như chẳng giới thiệu được ai ra hồn sau thời của Kahn. Thủ lĩnh thời trước là Ballack, không phải người Munich, thảm hơn, Bayern Munich từng phải bầu Van Buyten, một người Hà Lan, làm đội trưởng. Lúc này băng đội trưởng thuộc về Lahm, cũng giống như Terry ở Chelsea, đều là những người trưởng thành từ lò đào tạo của câu lạc bộ.

Chelsea sau khi thuộc về tay của tỷ phú người Nga cũng chẳng lăng xê được cây nhà lá vườn nào, trừ Terry, đáng tiếc lại bị treo giò trận này. Gương mặt khả dĩ nhất gần đây của họ là Sturridge, mới trở về sau thời gian bị cho mượn hết nơi này đến nơi khác vì không tìm được chỗ đứng ở đội bóng áo xanh. Còn lại, các trụ cột từ thời hoàng kim của Mourinho đều mua từ các đội khác như Lampard hay Joe Cole từ West Ham; Cech, Essein, Drogba từ Pháp.

Hai tấm gương phản chiếu ảnh 2

Mua ngôi sao để ăn xổi

Bayern Munich nổi tiếng là đội bóng hút máu ở Bundesliga với phương châm nếu không thắng được họ thì hãy mua họ. Mỗi mùa giải, Bayern Munich rút ruột dần tài năng của những đội có khả năng cạnh tranh với mình để làm đối thủ suy yếu và khiến mình mạnh thêm. Bayern Munich cũng hướng ra thị trường nước ngoài bởi họ là cái tên duy nhất ở Đức có đủ sức hấp dẫn các siêu sao mà Robben và Ribery là 2 ví dụ điển hình. Về điểm này thì Chelsea và Bayern Munich quả là tư tưởng lớn gặp nhau. Chelsea cũng giỏi lôi kéo ngôi sao không kém, những Torres, Drogba, Mata, Essein, Luiz, Cahill, Ballack, Deco, Carvalho… tề tựu ở Chelsea vì được trải thảm tiền rước về. Chelsea không có tính kế thừa mạnh mẽ. Khi một lứa cầu thủ già cỗi, họ lại bỏ tiền mua lứa khác về.

Triết lý kinh doanh

Điều này, Bayern Munich hơn đứt Chelsea vì người Đức vốn giỏi tính toán và khoa học. Bayern Munich hoạt động như một mô hình doanh nghiệp dưới dự lãnh đạo của Giám đốc Hoeness. Dễ thấy là những cầu thủ Bayern Munich mua về đều được tính toán kỹ lưỡng, họ ít khi mua hớ và biết cách mặc cả. Như vụ mua thủ môn Nueur, trước đây bị coi là hoang phí với giá 25 triệu bảng thì nay ai nấy đều bảo đáng đồng tiền bát gạo. Hay Gomez từng bị coi là chân gỗ, nay đã ghi đến 41 bàn. Nhìn chung với Bayern Munich, tiền phải đẻ ra tiền và họ cũng biết cách giữ ngôi sao như kéo dài hợp đồng với Ribery trước đó hay Robben mới đây. Tổ hợp kinh doanh của Bayern Munich khiến họ làm ăn có lãi và không bị nợ nần nhiều.

Ngược lại Chelsea, do sống ký sinh vào ông chủ người Nga, sau những năm đầu chi tiêu như công tử bạc liêu, khiến ngân quỹ luôn thâm hụt nặng nề, giờ gặp khó khăn khi phải tự bơi lấy để nuôi sống bản thân. Siêu sao thì cứ ngùn ngụt đến, quỹ lương thì phình to mà thu chi không cân đối nên giờ họ phải tiết kiệm nhỏ giọt kiểu như cho nhân viên nghỉ việc bớt hay thậm chí giảm vé mời dành cho cầu thủ. Chelsea cũng mua hớ khá nhiều như vụ Schevenko, Kalou hay Torres bây giờ.

Vắt chanh bỏ vỏ

Bayern Munich vốn nổi tiếng không có tình người. Những siêu sao như Robben và Ribery được đối xử như ông hoàng và chăm bẵm đưa đón, ngược lại, những người không được để mắt đến thì bị đối xử ghẻ lạnh. Nếu không cống hiến được nữa và hết hạn sử dụng thì sẽ bị bật bãi. Thói quen vắt chanh bỏ vỏ, cạn tình cạn nghĩa của Hùm xám bị chỉ trích không ít lần khiến hầu như các cầu thủ đều không có ấn tượng tốt đẹp khi ra đi như trường hợp của Van Bommel. Chelsea cũng không kém, khi hiếm ai ca ngợi về không khí đầm ấm ở đây. Anelka, Ballack, Carvalho… đều thấy khó thở mà ra đi khá hờn dỗi.
Nhìn sang Barca hay Man Utd, rõ ràng Bayern Munich và Chelsea lạnh lùng hơn hẳn. Triết lý này còn được áp dụng cả với các HLV dù có chiến tích lẫy lừng thế nào đi chăng nữa. Từ năm 2003, Chelsea đã 9 lần thay người cầm lái còn Bayern cũng qua tay 7 đời HLV.

Lối chơi

Bayern Munich luôn là hình ảnh thu nhỏ của đội tuyển Đức nên họ cũng chuyển mình theo sự phát triển của bóng đá Đức nói chung. Sau thành công của Đức tại World Cup 2006 trên sân nhà, Bayern Munich với dàn trụ cột chính lúc bấy giờ bắt đầu hướng đến hình ảnh của một đội bóng tấn công. Sau khi tăng cường Ribery, Robben, Gomez và có thêm Mueller, triết lý tấn công càng được thể hiện rõ bằng số lượng ngôi sao. Ngay cả Lahm cũng tấn công tốt với sơ đồ 4 - 2 - 3 - 1 bây giờ.
Với Chelsea, thương hiệu của họ là phòng ngự kiểu Mourinho. Nhưng điều đó không được lòng Abrahimovich, người luôn muốn đội bóng phải chơi tấn công đẹp mắt đã rước về Scolari, Hiddink, Villas-Boas để theo đuổi trường phái Latin và những cầu thủ kỹ thuật như Ramires, Mata hay Torres nhưng không thành công. Giờ Chelsea quay về lối chơi cũ 4 - 3 - 3 và mang đến hiệu quả tích cực hơn nhiều.

Nội bộ

Bayern Munich, biệt danh FC Hollywood, với cá tính quá mạnh của các ngôi sao, sẵn sàng lên gặp lãnh đạo CLB khi không hài lòng, như Ribery chỉ trích Robben chơi quá cá nhân hay vụ các ngôi sao choảng nhau trên sân tập là chuyện cơm bữa. Ở Chelsea, quyền lực đen của Terry, Lampard, Drogba thì khỏi phải nói. Người ta thậm chí còn nói rằng Torres chưa bao giờ hòa hợp với các cựu thần ở Chelsea và luôn có bè phái rõ ràng. Bayern Munich cũng tương tự khi những rắc rối chưa bao giờ dứt bởi lãnh đạo CLB bao bọc cầu thủ có tiếng, còn Chelsea thích sa thải HLV hơn làm mếch lòng cầu thủ. Trước đây do không chịu nổi sự khắc nghiệt trong phương pháp huấn luyện theo kiểu quân đội của Magath mà các cầu thủ Bayern Munich đã tiễn ông khỏi ghế HLV. Trường hợp này chẳng lạ gì ở Chelsea với Scolari hay Villas - Boas.

Nói chính xác thì Bayern Munich và Chelsea có thể tìm thấy hình ảnh của mình trong chính đối thủ, nhưng để biết ai vượt trội thì chỉ có cách chiến thắng.

Hoàng Vân