Quý ngài lạnh lùng đang hâm nóng Hy Lạp
Cơn địa chấn chính trị hậu bầu cử tại đất nước Hy Lạp đã bất ngờ tạo thành bức phông hoàn hảo để Syriza – chính đảng theo đường lối cực tả kiên quyết phản đối các gói cứu trợ kèm điều kiện của quốc tế - vươn lên trở thành một lực lượng được lòng dân và đưa vị thủ lĩnh Alexis Tsipras từ chỗ là một chính khách khá mờ nhạt trở thành cái tên được nhắc đến nhiều nhất tại xứ sở thần thoại.
![]() Thủ lĩnh đảng cực tả Alexis Tsipras hướng đến ghế Thủ tướng |
Theo kết quả thăm dò dư luận gần đây, “Alexis lạnh lùng” – như cách gọi của giới truyền thông- được coi là ứng cử viên sáng giá cho ghế thủ tướng. Có khoảng 19% số cử tri được hỏi cho biết ủng hộ chính khách này đảm nhận cương vị trên, trong khi tỷ lệ bỏ phiếu cho các nhà lãnh đạo được đánh giá là giàu kinh nghiệm hơn của Đảng Dân chủ mới (ND) và đảng Xã hội Pasok lần lượt là 14% và 11%.
Trong một chương trình phỏng vấn mới đây, cựu đảng viên đảng Cộng sản Alexis Tsipras tuyên bố, bằng mọi cách không để Hy Lạp rơi khỏi quỹ đạo của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), song đồng thời kiên quyết bác bỏ những chương trình cải cách mà ông gọi là “man rợ” do Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) áp đặt để đổi lấy các gói cứu trợ tránh nguy cơ phá sản. Bình luận về cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn vừa qua khi không có đảng nào hội đủ đa số ghế tuyệt đối để có thể giành quyền tự đứng ra thành lập chính phủ, ông Tsipras cho rằng kết quả này phản ánh nguyện vọng của người dân Hy Lạp nói “không” với các khoản tín dụng của EU và IMF. Tuy dẫn đầu, song đảng ND bảo thủ chỉ giành được 19,18% số phiếu, tương đương 109/300 ghế tại Quốc hội, kém xa con số 151 ghế cần thiết để giành quyền tự đứng ra thành lập Chính phủ. Đảng Syriza cánh tả về thứ hai với 16,3% số phiếu (tương đương 50 ghế). Trong khi đó, đảng Pasok - đảng truyền thống cầm quyền nhiều năm ở Hy Lạp, chỉ đứng thứ ba với 13,6% số phiếu ủng hộ, được 42 ghế.
Giới chuyên gia nhận định với quan điểm này, Syriza của ông Tsipras đã đánh trúng tâm lý mệt mỏi và chán nản của người dân, không hưởng ứng các chính sách khắc khổ của Chính phủ. Bản thân chính khách này đã kêu gọi nhà lãnh đạo của đảng Pasok và ND không thực hiện những cam kết với cộng đồng quốc tế khi đề nghị gói cứu trợ. Ông cũng đồng thời khẳng định, sẽ thành lập một liên minh với các đảng cánh tả khác chống lại các biện pháp thắt lưng buộc bụng và xóa bỏ điều luật lao động gây tranh cãi để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế. Nếu các cuộc tổng tuyển cử mới diễn vào thời điểm hiện nay (mà khả năng này rất cao do đàm phán thành lập Chính phủ liên hiệp tại Hy Lạp đã thất bại), Syriza chắc chắn sẽ giành chiến thắng. Và từ một nhân vật vô danh tiểu tốt trên chính trường Hy Lạp từ năm 2006, Tsipras đã trở thành một gương mặt mới đầy triển vọng. Con đường đi lên của chính khách này khá đặc biệt. Ông từng bị cử tri tẩy chay năm 2008 khi công khai ủng hộ làn sóng bạo loạn của giới trẻ tại thủ đô Athens và các thành phố lớn khác nhằm phản đối cảnh sát bắn chết một thanh niên. Sau sự kiện này, Tsipras và đảng của ông hầu như chỉ tồn tại trên danh nghĩa cho tới thời điểm này, khi Hy Lạp rơi vào khủng hoảng nợ công kéo theo khủng hoảng chính trị.
Trong khi đó, phe đối lập coi nhà lãnh đạo trẻ tuổi này là một kẻ ngạo mạn và chương trình của ông là phi thực tế. Chủ tịch ND Antonis Samaras tuyên bố, Tsipras sẽ sớm nhận ra cái giá của việc từ chối các khoản cứu trợ và đây là một chính sách không khôn ngoan.
Khả năng Hy Lạp tiến hành bầu cử mới đã hiện hữu do các chính đảng không thể thu hẹp được bất đồng thành lập chính phủ liên hiệp. Chủ tịch Tsipras tuyên bố, sẽ không tham gia bất kỳ chính phủ nào có ý định thực thi các điều khoản trong thỏa thuận cứu trợ tài chính của quốc tế với Athens vì cho rằng thỏa thuận đó quá nghiệt ngã. Hy Lạp đang trong tình cảnh rối ren về chính trị sau khi cuộc bầu cử quốc hội hồi đầu tháng 5 đã gây chia rẽ ở thế gần như cân bằng trong Quốc hội giữa các đảng ủng hộ và các đảng phản đối gói cứu trợ của quốc tế nhằm giúp Hy Lạp tránh bị vỡ nợ, nhưng với điều kiện Athens phải cam kết cắt giảm mạnh chi tiêu và tăng thuế. Trong cuộc bầu cử này, các cử tri đã trừng phạt PASOK và ND - hai đảng từng đóng vai trò chi phối nước này trong nhiều năm qua và cùng thương lượng về thỏa thuận cứu trợ.
Theo thỏa thuận cứu trợ Hy Lạp của EU và IMF, Hy Lạp phải giảm lương, tăng thuế, sa thải nhân viên nhà nước, bán bớt các tài sản nhà nước và cải cách luật lao động. Các nhà lãnh đạo EU cho rằng đây là những biện pháp cần thiết nếu Athens muốn có khả năng thanh toán nợ. Trong khi đó, những người phản đối cho rằng “liều thuốc đắng” này là thất sách, khiến Hy Lạp không thể trỗi dậy từ cuộc suy thoái tồi tệ nhất của Eurozone.