Vì sao bảo tàng vắng khách?

Minh Anh 12/05/2012 07:49

Địa điểm đắc địa, đầu tư cơ sở hạ tầng tốt, nhiều hiện vật... nhưng trưng bày dàn trải, trùng lặp, đơn điệu và thiếu sự sinh động trong thuyết minh, hướng dẫn... nên nhiều bảo tàng hiện đang rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách.

Hà Nội hiện sở hữu khá nhiều bảo tàng, nhưng số bảo tàng thu hút được khách tham quan chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một trong những nguyên nhân khiến không ít bảo tàng dù có nhiều lợi thế, song vẫn trong cảnh đìu hiu là do các hoạt động cũng như trưng bày các hiện vật còn dàn trải, trùng lặp và đơn điệu. Đơn cử như Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, qua 4 năm cải tạo đầu tư đã tạo một bộ mặt khá mới từ cơ sở hạ tầng cho đến các hiện vật, lại tọa lạc ngay tại trung tâm thành phố nên rất thuận lợi cho khách tham quan, cũng như liên kết với các tour trong nội thành. Tuy nhiên, tại cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp du lịch và bảo tàng được tổ chức mới đây, đại diện các doanh nghiệp du lịch cho rằng, để thu hút khách tham quan thì bảo tàng cần nỗ lực hơn nữa, vì thực tế, bảo tàng vẫn trưng bày thiên về dạng tĩnh, các chủ đề còn trùng lặp... Theo bà Đặng Thị Thọ - Công ty Du lịch Phượng Hoàng, những hiện vật trưng bày ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chỉ mới đủ để du khách trong nước hiểu, còn với khách nước ngoài thật khó lòng cảm nhận được. Thậm chí, bảo tàng chỉ tập trung nhiều đến phụ nữ miền Bắc và phụ nữ thời nay mà chưa đưa ra được cái nhìn tổng quát về phụ nữ cả 3 miền Bắc - Trung - Nam và hình ảnh người phụ nữ trong quá khứ, đặc biệt là trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm...

Ở Hà Nội, ngoài các bảo tàng như: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử... đang là điểm đến của khách tham quan thì hiện có không ít bảo tàng rơi vào hoàn cảnh đìu hiu, vắng khách. Nguyên nhân là do “hầu hết các bảo tàng đều trưng bày theo cách có gì bày nấy mà không theo tư duy du lịch, không quan tâm đến nhu cầu khách tham quan” - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường đánh giá.

Thực tế, khi đến bảo tàng, khách tham quan ngoài việc quan sát thì họ còn mong muốn được tìm hiểu chuyên sâu, được tham gia và trải nghiệm... chẳng hạn nếu trưng bày về trang phục dân tộc thì cần giới thiệu thêm khung cửi, sợi, người ngồi dệt... “Bảo tàng nên tăng cường thêm nhiều chương trình “động” vào không gian trưng bày để du khách dễ hiểu” - ông Lã Quốc Cường, Giám đốc Công ty Du lịch Vẻ đẹp Việt chia sẻ.

Cùng quan điểm này, PGS, TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng: các bảo tàng cần đa dạng hóa các loại hình hoạt động. Ví dụ khi tổ chức một triển lãm trưng bày thì cần có các hoạt động xoay quanh triển lãm đó nhằm thu hút khách tham quan từ đầu đến cuối cuộc trưng bày; đó là các hoạt động trình diễn, biểu diễn, hội thảo, tọa đàm, chiếu phim cùng nhiều chương trình giáo dục riêng xây dựng cho từng đối tượng như lựa chọn và mời các nhóm cư dân đến bảo tàng để giới thiệu về các nghề thủ công truyền thống: dệt, rèn, làm đồ gốm, làm tranh, trang trí hoa văn... Đồng thời, cần mời những nghệ nhân dân gian nổi tiếng thuộc các lĩnh vực: cồng chiêng, múa rối nước, ca trù... biểu diễn định kỳ tại bảo tàng.

Bảo tàng là một địa chỉ đỏ của du lịch văn hóa, theo đó, điều nhấn mạnh ở đây là cần có sự gắn kết và phối hợp giữa bảo tàng với những đơn vị làm du lịch. Về phần mình, các bảo tàng cần đặc biệt chú trọng đến đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên - những người thổi hồn cho bảo tàng. Bảo tàng sinh động, hấp dẫn hay tẻ nhạt, đơn điệu một phần quan trọng nhờ vào đội ngũ hướng dẫn viên. Bên cạnh đó, cần thiết kế nhiều tờ rơi và ấn phẩm giới thiệu chi tiết về bảo tàng để các tour cũng như du khách chủ động hơn trong việc tìm hiểu chủ đề mà họ quan tâm chứ không phải lệ thuộc quá nhiều vào hướng dẫn viên, thuyết minh viên.

Bảo tàng nào cũng mong muốn có đông khách đến tham quan, tuy nhiên, nếu không sớm khắc phục những hạn chế nêu trên thì cảnh đìu hiu, vắng khách sẽ còn tiếp diễn.

Minh Anh