Gót chân Achilles của Trung Quốc

Nguyễn Hoàng 28/04/2012 08:49

Theo thống kê của thành phố Thượng Hải trong năm 2011, thành phố này đã có tới 22,5% dân số trên 60 tuổi và sẽ tăng lên 28% vào năm 2015. Xu hướng già hóa dân số đang tạo áp lực đối với quỹ hưu trí của Trung Quốc và trở thành gót chân Achilles của người khổng lồ kinh tế này.

 Gót chân Achilles của Trung Quốc ảnh 1
Nguồn: China Daily

Năm 2001 Trung Quốc bắt tay vào cải tổ chế độ hưu trí cho người dân. 10 năm sau, Bắc Kinh nhận thấy rằng mục tiêu cân bằng các khoản thu chi của quỹ lương hưu là bất khả thi. Nếu năm 1997, tiền hưu trí tương đương với 76% mức lương trung bình tại Trung Quốc, thì tỷ lệ đó chỉ còn là 47% vào năm 2009 và theo dự báo, thì sau khi đã đóng góp cho quỹ hưu bổng trong 30 năm, người lao động Trung Quốc chỉ hy vọng nhận tiền lương hàng tháng tương đương với 35,4% mức lương trung bình tại Trung Quốc mà thôi.

Có thể nói đây là hệ quả của chế độ “mỗi hộ một con” được áp dụng từ năm 1979 đến nay. Trong suốt 30 năm qua, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã giảm từ 2,6 (cao hơn mức cần thiết để có một dân số ổn định) xuống mức 1,56. Tỷ lệ này ngày càng giảm. Chính phủ đã thực hiện một số điều chỉnh như cho phép những cặp vợ chồng mà cả 2 vợ chồng đều là con một được phép có nhiều hơn 1 người con. Nhưng hiện nay tỷ lệ sinh sản vẫn ở mức rất thấp, đặc biệt là ở những vùng giàu có của đất nước. Thượng Hải chỉ có tỷ lệ 0,6 trong năm 2010 và có lẽ là thành phố có tỷ lệ thấp nhất thế giới.

Hệ lụy rõ ràng nhất của xu hướng trên là ở Trung Quốc sẽ xuất hiện một lượng lớn những người đã nghỉ hưu nhưng chưa thể có đủ các phương tiện phát triển để chăm sóc họ. Hiện nay, trung bình cứ 9 người lao động phải nuôi một người nghỉ hưu. Nhưng dự tính đến năm 2050, hệ số cưu mang này tụt xuống chỉ còn 2,5/1. Hậu quả là số người làm việc và góp tiền vào quỹ hưu trí cho tuổi già sẽ giảm khá nhanh trong khi số người chờ lĩnh lương hưu lại tăng mạnh. Khi đó, các quỹ lương hưu sẽ không thể đáp ứng nổi nhu cầu tài chính của lớp người cao niên này, đặc biệt khi các tiến bộ y học giúp tuổi thọ ngày càng được kéo dài.

Theo truyền thống Trung Quốc, con cái đặc biệt là con trai sẽ chăm sóc bố mẹ. Tuy nhiên, sự già hóa dân số nhanh chóng có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải đối mặt với hiện tượng “4 - 2 - 1”: mỗi người con sẽ có trách nhiệm chăm sóc cho 2 bố mẹ và 4 ông bà. Kể cả với mức tiết kiệm cao như hiện nay, thế hệ trẻ dường như sẽ coi đây là một gánh nặng. Do đó, những người già ở Trung Quốc sẽ phải phụ thuộc nặng nề vào trợ cấp an sinh xã hội.

Hiện nay, hệ thống lương hưu ở Trung Quốc do nhà nước quản lý gồm 3 quỹ lớn với tổng giá trị là 2.560 tỷ nhân dân tệ (406 tỷ USD). Đây là con số rất nhỏ so với yêu cầu của xã hội và của lực lượng lao động hiện nay là 780 triệu người. Hơn nữa, 3 quỹ chỉ thanh toán cho những người có sổ hưu, chiếm khoảng 40% lực lượng lao động. Số còn lại, gần 470 triệu người chỉ trông cậy vào hệ thống an sinh tối thiểu của nhà nước.

Cuối năm ngoái, Viện Khoa học xã hội Bắc Kinh báo động, năm 2011, các quỹ này bị thâm hụt khoảng 68 tỷ NDT và còn thâm thủng nặng hơn trong tương lai. Trong khi đó, theo WB, các quỹ hưu trí do địa phương quản lý có thể sẽ hao hụt khoảng 115 tỷ NDT vào năm 2015, thời điểm lực lượng lao động bắt đầu giảm vì xu hướng dân số già.

Trung Quốc đang đứng trước nhu cầu cải cách chế độ hưu trí. Tuy nhiên, việc cải cách sẽ rất khó khăn bởi các nguyên nhân. Thứ nhất, vấn đề phân quyền quản lý các nghiệp vụ đầu tư từ quỹ hưu trí nên giao cho trung ương hay địa phương? Hệ thống hưu trí hiện phân tán trong hơn 2.000 đơn vị hành chính mà chẳng ai giám sát rõ ràng. Khi cần đầu tư để sinh lời, chính quyền trung ương phải tập trung kiểm soát và thường gặp sự chống đối ở dưới vì đặc quyền đặc lợi của những nhóm lợi ích có thể nhúng tay vào quỹ đó ở địa phương. Thứ hai, các thị trường tài chính Trung Quốc hàm chứa rủi ro lớn vì luật lệ thiếu phân minh, sổ sách thiếu khả tín và nạn đầu cơ dễ hoành hành trong khi các nhà đầu tư ít được bảo vệ. Vì thế, nguy cơ lỗ khi đầu tư từ quỹ hưu trí rất cao. Đây là trở ngại nghiêm trọng nhất.

Về nguyên tắc, mục tiêu chiến lược của đầu tư là nhắm vào mức lời trong dài hạn, song thực tế, các nhóm đặc quyền ở trên lại muốn dồn tiền đó vào các dự án của họ, kể cả các dự án thuộc diện ưu tiên hay rót tiền vào các cổ phiếu.

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất phải đối mặt với những vấn đề này. Tất cả các nước phát triển đều đang phải tăng chi phí lương hưu. Đối với Trung Quốc, nước này có một số lợi thế như có thể tăng thuế trong tương lai do mức thuế hiện tại khá thấp và người dân không đòi hỏi quá cao về an sinh xã hội. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là nước nghèo hơn nhiều so với các quốc gia có dân số già và sự chuyển dịch cơ cấu dân số ở nước này đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. Gót chân Achilles của Trung Quốc không phải là điểm yếu chết người nhưng chắc chắn sẽ làm người khổng lồ chao đảo.

 Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hệ thống lương hưu ở 8 nước châu Á gồm Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Việt Nam chỉ đảm bảo chi trả cho khoảng 13,2 - 58% lực lượng lao động đã nghỉ hưu, trong khi ở các nước phát triển tỷ lệ này là khoảng 90%.

Nguyễn Hoàng