Luật hóa cam kết giữa kiến trúc sư với xã hội về chất lượng kiến trúc

Nguyên Anh 27/04/2012 07:44

Trong bối cảnh diện mạo kiến trúc đô thị lộn xộn, thiếu thẩm mỹ như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, một đạo luật điều chỉnh hoạt động hành nghề của kiến trúc sư là đòi hỏi cấp thiết.

“Nếu ta coi mỗi đô thị là một bức tranh lớn thì giá trị thẩm mỹ của nó được tạo nên bởi đóng góp của nhiều “họa sỹ” - kiến trúc sư. Mỗi công trình, mỗi tuyến phố là một mảnh ghép cho bức tranh đó. Bộ mặt đô thị có thể trở nên xấu xí và thiếu thiện cảm nếu một số công trình không đạt mức độ thẩm mỹ nhất định. Nói cách khác, diện mạo đô thị có thể bị ảnh hưởng nặng nề vì trình độ và năng lực của một bộ phận kiến trúc sư không đạt chuẩn. Luật hành nghề kiến trúc sư sẽ là công cụ hữu hiệu để giải quyết tình trạng này” - KTS Nguyễn Huy Khanh khẳng định.

Tòa tháp Keangnam, Mỹ Đình, Hà Nội Ảnh: An Khang
Tòa tháp Keangnam, Mỹ Đình, Hà Nội        

Ảnh: An Khang 

Tại sao cần có luật (hành nghề) kiến trúc sư?

Theo tập quán quốc tế, rất ít ngành nghề mà người làm nghề có luật chi phối và bảo hộ, như luật sư, bác sỹ và kiến trúc sư (KTS). Bởi lẽ, đây là những nghề tự do với trách nhiệm cá nhân, nhưng có ảnh hưởng trực tiếp, to lớn tới tính mạng, tài sản và quyền lợi dài lâu của cá nhân hoặc cộng đồng; liên quan trực tiếp đến chiến lược phát triển và trường tồn của quốc gia. Những nghề này có quy chuẩn, quy phạm quản lý nghiêm ngặt, nhưng nếu thiếu sự quản lý hiệu quả kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp thì hậu quả sẽ khó lường. Gần như mọi quốc gia đều công nhận và có chính sách đào tạo cũng như hành nghề KTS khắt khe và hạn chế. Bởi vì nghề KTS có nhiệm vụ quan trọng là tạo lập “chỗ ở” và “môi trường sống” cho con người, liên quan trực tiếp đến lợi ích của mỗi người, mỗi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Vì thế, theo KTS Trần Trọng Hanh, luật KTS trước hết là để chỉnh đốn hành nghề KTS nhưng cũng nhằm phục vụ và bảo vệ lợi ích của cộng đồng và toàn xã hội.

Giám đốc Sở Xây dựng Tây Ninh, ĐBQH, KTS Trịnh Ngọc Phương khẳng định, Luật kiến trúc sư là một tất yếu cho việc tổ chức, quản lý hoạt động và hành nghề kiến trúc sư Việt Nam hiện nay. Ông lý giải: “Kiến trúc vừa là nghệ thuật, vừa là khoa học tổ chức không gian sống cho con người. Nó vừa thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, lại mang tính khoa học kỹ thuật. Sản phẩm của kiến trúc là sản phẩm trí tuệ và tồn tại lâu bền. Trong quá trình hoàn thành, người ta đã sử dụng nguồn vốn xã hội và hiệu quả có được là sản phẩm mang giá trị xã hội, giá trị văn hóa, sự bền vững của môi trường, tính tiện nghi trong phục vụ cuộc sống, đồng thời kiến lập sự an toàn cho con người. Thời gian qua, ngành kiến trúc và KTS đã đóng góp rất nhiều vào quá trình đô thị hóa cũng như góp phần làm thay đổi diện mạo của đất nước. Hiện nay, mọi hoạt động của kiến trúc chịu sự điều tiết của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị... Đây là một khoảng trống trong quản lý, từ đó dẫn đến tình trạng mất ổn định trong phát triển kiến trúc đô thị và nông thôn, đặc biệt tại các thành phố lớn, kiến trúc phát triển nhanh về khối lượng nhưng lại kém về chất lượng và thẩm mỹ, manh mún và lộn xộn, dần mất đi bản sắc kiến trúc Việt Nam”.

Ts, KTS Hoàng Anh Tú, ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho rằng: nghề KTS liên quan đến cả xã hội. Kiến trúc trực tiếp xây dựng hình ảnh của từng con đường, góc phố và vĩ mô hơn, toàn bộ bản sắc đô thị. Kiến trúc có thể làm thay đổi nhận thức của xã hội, làm cho con người tốt hơn, hạnh phúc hơn nếu được sống trong những ngôi nhà có kiến trúc đẹp, các công trình thoáng đãng, mát mẻ và tiện nghi; được sống trong một môi trường đô thị có văn hóa, trong lành, nhiều cây xanh, mặt nước, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên... Và đó chính là sứ mệnh vinh quang của KTS - sáng tạo nên những không gian, những tác phẩm sống và để sống cho con người. Kiến trúc luôn là hình ảnh trung thực nhất phản ánh sự hưng vượng của thời đại.

Luật Kiến trúc sư hay Luật Hành nghề kiến trúc sư?

Đây là vấn đề mà chính đề án xây dựng Luật Kiến trúc sư của Hội Kiến trúc sư Việt Nam vẫn đang để mở. Theo Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam, KTS Nguyễn Văn Tất, kiến trúc là công việc mang tính TẠO TÁC. Công trình kiến trúc giá trị là những tác phẩm nghệ thuật được hình thành từ lao động kỹ thuật, xây dựng và quản lý. Nói gọn lại, kiến trúc là phần giá trị vô hình của khối lượng xây dựng. Kiến trúc là nghệ thuật điều phối  kỹ thuật - vì một giá trị lớn hơn, chứ không đơn thuần chỉ là công trình xây dựng (sử dụng được). Luật Xây dựng cùng với các quy chuẩn, quy phạm quốc gia đã bao gồm mọi yêu cầu bắt buộc mà cả cộng đồng (trong đó có KTS hành nghề) phải chấp hành. Vậy Luật Kiến trúc sẽ là thừa nếu lại nói đến các yếu tố quy phạm, kỹ thuật, quản lý (mà Luật Xây dựng đã có). Nếu Luật nói về nghệ thuật kiến trúc (phần sáng tác) thì càng sai vì trên thế giới có ai làm luật về nghệ thuật sáng tác bao giờ. Thế nên, các nước thành viên Hiệp hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) chỉ có Luật Kiến trúc sư hoặc Luật Hành nghề KTS (tên gọi có thể khác chút ít song nội dung luật chỉ là một), nhằm điều chỉnh hành vi, kỹ năng, và đạo đức cá nhân của KTS, chủ thể của một công việc mà nếu thiếu kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp sẽ không mang lại giá trị tương xứng cho cộng đồng, thậm chí nhiều khi còn gây hậu quả tiêu cực.

Từ nghiên cứu thực tiễn các nước, KTS Hoàng Anh Tú thấy rằng, bối cảnh xã hội và bản sắc văn hóa khác nhau tại mỗi nước chi phối tên gọi và hình thức các văn bản luật liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật đặc thù này, như: Luật Kiến trúc (Bỉ), Luật Kiến trúc sư, Luật về quyền tác giả công trình kiến trúc (Pháp), Luật Kiến trúc và công trình (Mỹ)... Nhưng nhìn chung, các bộ luật đều quy định rõ năng lực hành nghề, trình độ của KTS, chất lượng sáng tạo, quyền hạn, nghĩa vụ, quyền tác giả của KTS... và các yêu cầu ứng xử của cộng đồng xã hội (những đối tượng thụ hưởng) đối với công trình kiến trúc. Về cơ bản những văn bản luật nêu trên là sự cam kết giữa KTS (người thực hiện) với xã hội (người thụ hưởng) về chất lượng của kiến trúc. Ngược lại cộng đồng dân cư (người sử dụng) cam kết với KTS (tác giả) về trách nhiệm quản lý, phát triển và bảo tồn kiến trúc đó. Ví dụ tại Pháp, Luật về quyền tác giả công trình kiến trúc quy định: bắt buộc nêu rõ tên tuổi và bằng cấp của KTS - tác giả công trình kiến trúc - trên lối vào chính của công trình. Điều này chính là sự cam kết song phương cả về chất lượng kiến trúc và quyền tác giả, qua đó thể hiện trách nhiệm của cộng đồng đối với công trình kiến trúc này.

Nguyên Anh