Vấn đề hạt nhân của Iran: quá ồn ào?

Chu Sam 19/04/2012 07:36

Iran thường xuyên khẳng định phát triển hạt nhân để sử dụng năng lượng cho mục đích dân sự và hòa bình, không hề chế tạo vũ khí hạt nhân (ngày 22.2.2012 đại giáo chủ Khamenei tuyên bố: “Iran không có tham vọng sản xuất hạt nhân”).

Ngờ vực và trừng phạt

Biếm họa của RJ Matson, The St. Louis Post Dispatch
   Biếm họa của RJ Matson, The St. Louis Post Dispatch

Tuy nhiên, từ khi khởi động, Iran không chịu công khai chương trình nghiên cứu và sản xuất hạt nhân, cũng không cho cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế IAEA thanh sát đầy đủ. Điều này gây ra ngờ vực và lo ngại trong cộng đồng quốc tế.

Một số cuộc đàm phán giữa Iran với IAEA, đặc biệt là với nhóm P5+1 (năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức) đã không khai thông được bế tắc. Các điều kiện phương Tây đưa ra không được Iran chấp nhận: Iran ngừng làm giàu uranium đến mức 20%, phần đã làm giàu có thể đưa ra nước ngoài, đổi lấy các thanh nhiên liệu hạt nhân để Iran sản xuất điện, Iran cho thanh sát các cơ sở hạt nhân. Đáp lại, Mỹ và đồng minh sẽ bỏ cấm vận từng bước, công nhận quyền của Iran phát triển hạt nhân cho mục đích dân sự… Cho đến đầu năm 2012, Iran đã đàm phán với P5+1 ba lần:

- Tháng 5.2010: Iran dường như sẵn sàng đánh đổi năng lượng hạt nhân của bên ngoài, để lấy uranium Iran đã làm giàu, thì Hội đồng Bảo an lại nhất trí thông qua nghị quyết trừng phạt Iran.

- Tháng 1.2011, Iran đến đàm phán nhưng lảng tránh vấn đề hạt nhân, khiến đàm phán đổ vỡ.

- Ngày 14.4.2012, cuộc đàm phán diễn ra trong bầu không khí tích cực, mở đầu cho một tiến trình có thể mang lại kết quả cụ thể. Các bên nhất trí họp tiếp tại Baghdad vào ngày 23.5.2012.

Từ 2010 trở về trước, các cuộc đàm phán thất bại, dẫn đến việc Hội đồng Bảo an thông qua bốn nghị quyết trừng phạt Iran: nghị quyết 1737 (năm 2006), 1747 (2007), 1803 (2008) và 1929 (2010). Những đồng minh của Mỹ ở châu Âu, cùng các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… đều trừng phạt các cá nhân và tổ chức của Iran, bằng cách cấm vận, cô lập, không làm ăn kinh tế với Iran. Đòn đánh mạnh nhất là vào cuối năm 2011, đầu 2012: Mỹ và đồng minh loại Ngân hàng trung ương Iran ra khỏi hệ thống giao dịch quốc tế, đồng thời cấm nhập dầu thô của Iran.

Tự hào dân tộc, chủ quyền và tự vệ

Thực hiện chương trình nghiên cứu và sản xuất hạt nhân, Iran muốn khẳng định quyền của các nước được phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích dân sự mà không chịu áp lực của các nước lớn.

Phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình là niềm tự hào của dân tộc và của chính quyền Iran. Phần lớn người dân khi được hỏi ý kiến đều ủng hộ phát triển năng lượng hạt nhân, nhưng rất ít người tán thành việc dùng hạt nhân vào mục đích quân sự. Iran liên tục công bố những tiến bộ trong nghiên cứu hạt nhân, đã làm giàu được uranium ở mức 20%, có kế hoạch xây thêm những lò phản ứng mới, đưa một số cơ sở hạt nhân xuống lòng đất để đối phó với việc Israel đe dọa tấn công hủy diệt.

Đồng thời, nếu Iran được hiểu là có vũ khí hạt nhân thì cũng thêm một lý do để răn đe các nước thù địch. Iran có thêm con bài để mặc cả với một số nước Arab (Saudi Arabia, UAE, Bahrain, Qatar…), để đương đầu với Mỹ và Israel. Yếu tố địa chính trị cho thấy Iran bị kẹp chặt ở cả bốn mặt: cho đến năm 2012, phía nam Iran có hạm đội 5 của Mỹ ở vịnh Ba Tư (tổng hành dinh đặt ở Bahrain) cùng nhiều đồng minh, phía tây có quân đội Mỹ ở Iraq, phía đông có Mỹ ở Afghanistan, phía bắc bên bờ biển Caspian có Azerbaijan thân Israel. Tổng số quân Mỹ ở vùng Vịnh là 40.000 lính chiến. Năm 1981 các nền quân chủ ở vùng Vịnh thành lập Hội đồng hợp tác vùng Vịnh GCC chủ yếu để chống lại ảnh hưởng của Iran, khích lệ các thế lực Sunni cực đoan bài xích dòng Hồi giáo Shia ở Libăng, Iraq, Syria, ngăn chặn nổi dậy lan sang vùng Vịnh. Năm 2011, GCC đưa quân vào Bahrain để ngăn chặn phong trào Shia có quan hệ với Iran. Trong vấn đề Palestine, GCC không cùng quan điểm với Mỹ và Israel nhưng tỏ ra không làm mất lòng. Thêm nữa, kẻ thù gần kề và nguy hiểm của Iran là Israel, nước Trung Đông duy nhất có khoảng 200 đầu đạn hạt nhân. Saudi Arabia cũng dọa sẽ nghiên cứu sản xuất vũ khí hạt nhân, một khi Iran thành công trong lĩnh vực này.

Như vậy, chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, nếu có, là công cụ bảo đảm sự tồn vong của Iran. Một bài học kề cận: Libya từng từ bỏ chương trình hạt nhân để rồi bị tấn công quân sự. Cuối năm 2003, chỉ gần một tuần sau khi quân đội Mỹ bắt giữ tổng thống Saddam Hussein ở Iraq, Libya tuyên bố từ bỏ nghiên cứu vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí sát thương hàng loạt, chấp nhận thanh sát quốc tế, ký Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và cấm vũ khí hóa học. Tuy nhiên, mãi bốn năm sau, Libya vẫn không hề nhận được sự đền bù tương xứng. Ông Kaddafi cho biết, phương Tây không giữ lời hứa chuyển đổi chương trình vũ khí hạt nhân của Libya thành chương trình năng lượng dân sự. Kết cục là 8 năm sau khi Libya từ bỏ chương trình hạt nhân, Mỹ và phương Tây còn tấn công quân sự, lật đổ chế độ Kaddafi vào tháng 9.2011.

Có thể sản xuất vũ khí hạt nhân hay chưa?

Mỹ và đồng minh không thể chấp nhận được việc Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Khi ấy, Iran sẽ nổi lên là mối đe dọa lớn nhất đối với các đồng minh Mỹ trên bán đảo Arab và vùng Trung Đông, sẽ đối đầu với Israel là đồng minh duy nhất của Mỹ có vũ khí hạt nhân ở đây. Một kẻ thù lại có thêm vũ khí hạt nhân thì hiểm họa tăng gấp nhiều lần. Một số nước sẽ theo gương Iran để phát triển hạt nhân, bằng cách ấy gây nguy hại cho an ninh của Mỹ và đồng minh. Cũng như vậy là thái độ trở nên thách thức, khó bảo của những nước vốn không thân thiện với Mỹ. Nội bộ Mỹ và các đồng minh cũng luôn chỉ trích người đứng đầu chính phủ thiếu cứng rắn và kiên quyết, không giải quyết dứt điểm được vấn đề hạt nhân của Iran.

Tuy nhiên, hầu như tình báo Mỹ không tin Iran đang sản xuất vũ khí hạt nhân, và cũng chưa có khả năng. Israel dùng hạt nhân làm cái cớ để thỉnh thoảng đòi tấn công Iran. Mỹ có xu hướng chờ các giải pháp ngoại giao và các biện pháp trừng phạt kinh tế có hiệu lực, làm cho Iran kiệt quệ rồi tự hủy bỏ chương trình hạt nhân. Không có bằng chứng Iran làm vũ khí hạt nhân, và toàn bộ phương tiện của Iran vẫn nằm dưới sự giám sát 24/24 giờ của cơ quan giám sát LHQ.

Ngày 23.3.2012 hãng tin Reuters công bố một báo cáo rằng các quan chức Mỹ và châu Âu, thậm chí cả Israel, đã nhất trí rằng Iran không có bom hạt nhân, chưa quyết định chế tạo bom và phải mất nhiều năm nữa mới chế tạo nổi một đầu đạn hạt nhân có thể phóng được. Vào khoảng cuối năm 2006 hoặc đầu năm 2007, tình báo Mỹ đã thu được điện thoại và thư điện tử của các nhà khoa học tham gia chương trình hạt nhân của Iran kêu ca rằng chương trình vũ khí hạt nhân đã bị ngừng lại. Điều này đã dẫn đến kết luận bất ngờ trong bản báo cáo Đánh giá tình báo quốc gia năm 2007: các cơ quan tình báo Mỹ tin là Iran đã ngừng chương trình hạt nhân vào mùa thu năm 2003. Các quan chức Mỹ cũng tin rằng Iran không có cơ sở làm giàu hạt nhân bí mật nào nằm ngoài phạm vi giám sát của các thanh sát viên Liên Hợp Quốc. Bất cứ hành động nào của Iran nhằm chế tạo vũ khí hạt nhân đều sẽ bị phát hiện ngay lập tức. Các thông tin tình báo này là cơ sở khiến đầu năm 2012, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố vẫn còn thời gian để chứng kiến việc trừng phạt kinh tế có phát huy tác dụng buộc Iran chấm dứt chương trình hạt nhân hay không. Tuy nhiên, cũng có những điểm mà tình báo Mỹ và phương Tây chưa rõ, ví như chính xác Iran đã đạt được tiến bộ đến mức nào trong việc chế tạo bom nguyên tử trước khi ngừng chương trình này. Các đồng minh phương Tây cũng không thống nhất trong việc đánh giá về tốc độ Iran đang tiến đến khả năng có thể chế tạo bom hạt nhân.

Vấn đề hạt nhân thỉnh thoảng lại được cả hai phía hâm nóng. Iran dùng đó làm con bài răn đe và mặc cả với Mỹ, phương Tây và Israel; khuấy động lòng tự hào dân  tộc; làm thước đo thái độ của các thế lực nội bộ giới cầm quyền Iran. Phái bảo thủ Iran cũng làm cho việc đàm phán trở nên không rõ ràng để kéo dài thời gian, đánh lạc hướng chú ý, để có thể tập trung phát triển hạt nhân. Phía Mỹ và đồng minh thì dùng vấn đề hạt nhân để khẳng định thái độ cứng rắn, giảm bớt sức ép của phe hiếu chiến trong nước, đồng thời trấn áp các nước có ý đồ phát triển hạt nhân, và đe dọa sử dụng vũ lực đối với họ khi cần thiết.

Chu Sam