Lá bài ngoại giao của Triều Tiên

Kim Chi 15/04/2012 07:39

Sau vụ phóng vệ tinh bất thành sáng 13.4, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un của CHDCND Triều Tiên sẽ gặp không ít khó khăn trên đường “mở cánh cổng lớn trở thành một nhà nước tiến bộ” và thực hiện ý nguyện dành ưu tiên cao nhất cho việc cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không phải không lường trước được thất bại này (tương tự như hai lần trước), song có thể sự chú ý của cộng đồng quốc tế mới là động lực chính để Triều Tiên quyết định phóng tên lửa mang vệ tinh.

Triều Tiên đã chuẩn bị đối phó với những tấn công ngoại giao từ lâu trước khi công bố việc phóng vệ tinh với hy vọng sẽ mở rộng các mối quan hệ kinh tế quốc tế và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Cùng với việc có một nhà lãnh đạo mới và các yếu tố khác, việc phóng vệ tinh mở ra cơ hội để Triều Tiên cải thiện quan hệ với các nước mà không phải nhượng bộ sự độc lập của mình.

Hình ảnh vụ phóng vệ tinh thất bại của Triều Tiên Nguồn: Allvoices
Hình ảnh vụ phóng vệ tinh thất bại của Triều Tiên Nguồn: Allvoices

Bề ngoài, việc phóng vệ tinh là một phần của lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành - lễ kỷ niệm chủ yếu hướng tới người dân trong nước nhằm nhấn mạnh sự độc lập của Triều Tiên. Việc sử dụng công nghệ hiện đại đó là phóng vệ tinh nhằm nhấn mạnh, Triều Tiên vẫn có khả năng đạt được những tiến bộ khoa học, cho dù bị quốc tế cô lập. Đây là một thông điệp khôn khéo gửi tới các nhà quan sát bên ngoài rằng, chính sách cô lập cùng các lệnh trừng phạt không hiệu quả và nên được dỡ bỏ.

Vụ phóng vệ tinh cũng nằm trong khuôn khổ kế hoạch chuyển giao quyền lực từ cố Chủ tịch Kim Jong-il sang vị tướng trẻ Kim Jong-un, dự kiến sẽ diễn ra trong năm 2012, nếu ông Kim Jong-il không đột ngột qua đời. Bằng việc tiếp tục thực hiện kế hoạch phóng vệ tinh, lãnh đạo mới của Triều Tiên muốn chứng minh tính liên tục của nước này trong ý định và hành động, đồng thời xây dựng hình ảnh là một nhà lãnh đạo không khuất phục trước áp lực từ bên ngoài.

Trên bình diện ngoại giao, Bình Nhưỡng hy vọng vụ phóng vệ tinh lần này được nhìn nhận khác so với các vụ thử tên lửa trước đây. Triều Tiên đã gửi các hồ sơ về vụ phóng vệ tinh cho các cơ quan quốc tế và mời các phóng viên quốc tế, gồm cả Mỹ tham dự lễ phóng. Bình Nhưỡng cũng công bố vệ tinh có thể được phóng từ một căn cứ mới ở bờ biển phía Tây, có một đường bay mới không đi qua không phận hay vùng lãnh thổ đông dân cư của Nhật Bản. Có thể thấy, kế hoạch phóng vệ tinh lần này có một quá trình chuẩn bị và hành xử rất khác so với các vụ thử trước của Triều Tiên.

Bình Nhưỡng thông qua các kênh và hình thức đàm phán đặc biệt, từ lâu đã đặt nền móng cho một kế hoạch tấn công ngoại giao bắt đầu từ năm 2012. Triều Tiên đã mở rộng nhanh chóng các mối quan hệ ngoại giao quốc tế và hợp tác kinh tế với Hàn Quốc năm 1998, sau khi bất ngờ tiến hành vụ phóng vệ tinh lần thứ nhất. Hiện, Triều Tiên đang xem xét phát triển thêm các đặc khu kinh tế và muốn thu hút các nhà đầu tư ngoài Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc. Có thể Triều Tiên hy vọng sẽ dần vượt qua những hạn chế của việc bị cô lập sau thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ và Trung Quốc chuyển sự quan tâm sang các mối quan hệ kinh tế với Hàn Quốc và Mỹ, Bình Nhưỡng đã thực hiện một chiến lược tương đối hiệu quả để tồn tại. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn bị hạn chế bởi mối quan hệ với Mỹ. Với kế hoạch phóng vệ tinh, Triều Tiên muốn đưa ra 2 lựa chọn cho cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ. Thông qua các kênh ở New York và Berlin, Bình Nhưỡng muốn lưu ý rằng, giờ là thời điểm cho tiến bộ đáng kể trong quan hệ Mỹ - Triều và Washington nên ủng hộ sự thay đổi này, thay vì đưa ra những đường lối cứng rắn để kìm kẹp Triều Tiên. Bình Nhưỡng hy vọng có thể thuyết phục Washington rằng, tiến bộ trong các mối quan hệ sẽ tương đương hoặc lớn hơn so với thời kỳ 1998 - 2000, khi Triều Tiên tái thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước phương Tây, mở cửa đặc khu kinh tế Kaesong với Hàn Quốc và tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều. Nhưng mặt khác, thông qua các kênh Nhật Bản, Triều Tiên còn muốn ám chỉ, nếu Mỹ phản ứng tiêu cực đối với vụ phóng vệ tinh, Triều Tiên có thể quay về cách hành xử như trong giai đoạn 2009 - 2010 như việc thử thiết bị hạt nhân, tên lửa và diễn tập quân sự ở biển Hồng Hải. Một động thái như vậy sẽ làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến tranh khu vực, trì hoãn các vòng đàm phán và khiến các nước trong trong khu vực phải trả giá nhiều hơn để đổi lấy việc giữ nguyên trạng.

Bình Nhưỡng xem phản ứng của phương Tây đối với vụ phóng vệ tinh lần ba này như một phép thử. Nếu Mỹ không tìm cách gây áp lực mạnh, Bình Nhưỡng sẽ tham gia các cuộc đàm phán nhằm thay thế Hiệp định Đình chiến năm 1953. Ngược lại, nếu Mỹ cố gắng trừng phạt Triều Tiên, Bình Nhưỡng có thể một lần nữa làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á, nhưng không bao giờ đi quá xa để dẫn đến một phản ứng quân sự từ Washington. Rõ ràng, phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với vụ phóng vệ tinh này sẽ ảnh hưởng đến mức độ Bình Nhưỡng theo đuổi các lợi ích ngoại giao thay vì một lần nữa leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Kim Chi