Vì sao chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí không đạt mục tiêu?
Phát triển ngành công nghiệp cơ khí được coi như phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, kể từ khi Quyết định 186 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam (đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020) ngày 26.12.2002, đến nay đã được gần 10 năm - nhưng, ngay cả các sản phẩm cơ khí trọng điểm - có rất nhiều cơ chế hỗ trợ - cũng không đạt mục tiêu đề ra. Vậy, nguyên nhân do đâu và giải pháp nào tháo gỡ những vướng mắc của ngành công nghiệp then chốt này?
Thực trạng cơ khí Việt Nam
|
Nếu điểm ra những cái được cơ bản của ngành cơ khí sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược, như: đối với công nghiệp đóng tàu - đã chế tạo được tàu công nghệ khó, tải trọng lớn như tàu hàng tải trọng từ 6.500-53.000 tấn đạt tiêu chuẩn quốc tế, hay tàu chở ô tô 4.900 xe, kho nổi chứa dầu thô 150.000 tấn…; về thiết bị toàn bộ - một số doanh nghiệp cơ khí đã trở thành nhà tổng thầu EPC của các dự án nhiệt điện có công suất từ 300-750MW; đã chủ động hoàn toàn đối với lĩnh vực cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện kể cả đối với các thủy điện lớn nhất nước như Sơn La có công suất 2.400MW; hay, ngành công nghiệp ô tô đã sản xuất, lắp ráp được các loại xe buýt đến 80 chỗ, các loại ô tô tải và xe chuyên dùng; rồi ngành cơ khí dầu khí đã chế tạo và hạ thủy thành công giàn khoan tự nâng có độ sâu 90m nước; ở lĩnh vực cơ khí điện đã chế tạo được máy biến áp 500kV… cũng có thể tự hào rằng, công nghiệp cơ khí đã có những sản phẩm “Made in Việt Nam” (thương hiệu Việt Nam) không thua kém nhiều nước phát triển.
Tuy nhiên, nhìn lại mục tiêu của Chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí đến năm 2010 đáp ứng tối thiểu 45 - 50% nhu cầu sản phẩm cơ khí cả nước đã không hoàn thành (mới chỉ đáp ứng khoảng 34%, trong đó, một số lĩnh vực như thiết bị toàn bộ mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu); giá trị xuất khẩu mới chiếm khoảng 23,4%, thấp hơn mục tiêu chiến lược đề ra là 30%. Và trong tất thảy các sản phẩm đã làm được thì tỷ lệ nội địa hóa cũng không cao, trung bình mới đạt được khoảng 30%. Ngay cả các dự án cơ khí trọng điểm được hưởng các chính sách hỗ trợ, Thủ tướng chấp thuận cho triển khai từ năm 2009 thì đến nay cũng mới chỉ có 3/9 dự án được cấp vốn từ nguồn vốn đầu tư phát triển của Nhà nước. 6 dự án còn lại đều vướng mắc không triển khai được.
Theo Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương Nguyễn Mạnh Quân, nguyên nhân cơ bản bên cạnh xuất phát điểm của ngành công nghiệp cơ khí còn thấp, quy mô công nghệ lạc hậu, nguồn nhân lực - chuyên gia đầu ngành ít, sự đầu tư còn hạn chế… khiến các doanh nghiệp cơ khí gặp khó khăn thì ở đây phải đề cập đến nguồn của ngân hàng đầu tư phát triển chủ yếu được cơ cấu từ nguồn ngân sách, trong khi ngân sách còn khó khăn cho nên cũng không thể cho các dự án cơ khí trọng điểm đã được phê duyệt vay hết được.
Chỉ tính riêng đối với lĩnh vực công nghiệp ô tô, theo Phó viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Chính sách công nghiệp - Bộ Công thương Phạm Văn Liêm, bên cạnh việc đến nay vẫn chưa định vị được dòng xe chiến lược thì vẫn còn rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này. Cái khó khăn cơ bản, lớn nhất đối với công nghiệp ô tô Việt Nam là thị trường còn rất nhỏ bé. Thứ hai là công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Thứ ba là năng lực cạnh tranh sản phẩm của ta còn thấp. Thứ tư là tỷ lệ chuyển giao công nghệ của các công ty nước ngoài mặc dù đã đầu tư mười mấy năm nay nhưng việc chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế và ở mức thấp…
Một lĩnh vực được coi là phần cứng, nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp cơ khí, là nhóm ngành thép cũng chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng. Theo Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam Phạm Chí Cường, do định hướng chính sách phát triển thời gian qua thiếu bài bản đã dẫn đến thừa thép xây dựng, trong khi các lĩnh vực thép phục vụ cho chế tạo, đóng tàu, ô tô, xe máy... lại yếu và thiếu trầm trọng. Ngay cả những lĩnh vực cơ khí cần thép như đóng tàu, ô tô, xe máy… cũng còn nhiều hạn chế trong quá trình phát triển cho nên nếu có làm thép cho các lĩnh vực này cũng chưa thể phát huy tác dụng.
Theo nhiều chuyên gia, việc đưa ra 8 nhóm ngành và hàng loạt sản phẩm cơ khí trọng điểm trong điều kiện nguồn vốn eo hẹp là quá dàn trải. Vì vậy, sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành, mới có vài quy hoạch ngành được xây dựng và phê duyệt. Còn rất nhiều nhóm ngành, như: ngành đúc, thiết bị xây dựng, công nghiệp ô tô… vẫn chỉ là đề án. Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Nguyễn Văn Thụ bày tỏ, nhìn lại 10 năm thực hiện Quyết định 186, phải nói là do không đồng bộ trong cơ chế chính sách và thực hiện mà ngành cơ khí chưa đáp ứng 50-60% nhu cầu trong nước và xuất khẩu 30%...
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thụ, một số ít lĩnh vực đã đạt được mục tiêu nội địa hóa (thậm chí đáp ứng 100% nhu cầu trong nước như sản phẩm cơ khí thủy công phục vụ cho các nhà máy thủy điện) là do có được chính sách hỗ trợ theo kiểu cầm tay chỉ việc, bắt buộc sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, áp dụng cơ chế chỉ định thầu… Vì vậy, để ngành công nghiệp cơ khí trong nước phát triển, đòi hỏi phải có những biện pháp mạnh.
Giải pháp phát triển công nghiệp cơ khí
Vụ trưởng vụ công nghiệp nặng, Bộ Công thương Nguyễn Mạnh Quân khẳng định, cái được lớn nhất trong suốt quá trình thực hiện Chiến lược chính là sự ra đời, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý cũng như cơ chế hỗ trợ cho ngành công nghiệp cơ khí. Tuy nhiên, ngay cả những lĩnh vực cơ khí trọng điểm cũng quá nhiều. Bởi, mỗi nhóm ngành trong 8 nhóm sản phẩm trọng điểm đó bao gồm rất nhiều sản phẩm cần được đầu tư với quy mô lớn, có quy hoạch bài bản.
Một ví dụ về nhóm ngành thép, thời gian qua đã phát triển tràn lan thép xây dựng, ống thép, thép tráng tôn mạ kẽm, thép cán nguội… khiến cung vượt cầu, vừa lãng phí, tốn kém trong đầu tư - trong khi rất nhiều sản phẩm thép phục vụ cho chế tạo cơ khí, thép tấm, thép lá, thép không rỉ chất lượng cao… phục vụ công nghiệp đóng tàu, công nghiệp ô tô… lại chưa làm được, vẫn phải nhập khẩu khoảng 5 tỷ USD/năm các loại thép này.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Mạnh Quân, cần tập trung vào những nhóm ngành chủ lực, như: chế tạo thiết bị toàn bộ phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện, chế tạo thiết bị cơ khí thủy công phục vụ cho các nhà máy thủy điện… Đồng thời, đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó, trước mắt, cần tập trung cơ chế hỗ trợ cho một số ngành cơ khí mũi nhọn cho khả năng chủ động nhu cầu trong nước, giảm nhập khẩu và có cơ hội xuất khẩu cao, như công nghiệp chế tạo ô tô, đóng tàu biển, chế tạo thiết bị toàn bộ, máy nông nghiệp, thiết bị điện và cơ điện tử. Để tạo điều kiện cho ngành cơ khí phát triển có 3 yếu tố, thứ nhất: cơ chế chính sách của Nhà nước, thứ hai: tư duy cũng như nỗ lực trong đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp cơ khí và thứ ba, đặc biệt quan trọng, là sự cảm thông chia sẻ ủng hộ của người tiêu dùng các sản phẩm cơ khí trong nước...
Gỡ vốn cho ngành cơ khí trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp đang thiếu vốn, tiếp cận với nguồn vốn khó khăn, trong khi ngành cơ khí cần nguồn vốn lớn, vòng quay vốn lâu, lãi suất thấp… được ví như là điều không tưởng hiện nay. Tuy nhiên, không phải không có đường ra cho doanh nghiệp cơ khí. Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí, Bộ Công thương Nguyễn Chỉ Sáng, nếu doanh nghiệp Việt Nam biết phát huy nội lực, liên kết lại tạo thành các liên danh để chủ động đàm phán. Và khi được tham gia làm tổng thầu, chỉ cần đối với một số nhà máy nhiệt điện thôi chắc chắn sẽ cho kết quả cả về tỷ lệ nội địa hóa, cung ứng thiết bị trong nước, giảm nhập siêu.
Cũng theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, cần sửa ngay Luật đấu thầu. Theo đó, phải tính tới yếu tố xuất xứ hàng hóa trong đấu giá sản phẩm cơ khí. Nếu xuất xứ khác thì giá phải khác. Thực tế này được TGĐ Công ty CP thiết bị điện Đông Anh Trần Văn Quang, đơn vị đã sản xuất được máy biến áp 220kV-500kV khẳng định: rất khó khăn khi đấu thầu các dự án điện. Nếu những bài thầu đưa ra chỉ đơn giản là “đạt các thông số kỹ thuật” thì hầu như nhà thầu nào cũng đạt cả. Nhưng, nếu sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ của G7 chất lượng và giá cả hoàn toàn khác với của các nước khác. Ông Trần Văn Quang đề xuất, trong công tác đấu thầu phải có những hệ số. Nếu mua của các nước thuộc nhóm G7 một hệ số, của nước đang phát triển một hệ số, mua của nước chậm phát triển một hệ số và sản phẩm cơ khí của Việt Nam một hệ số... có như thế mới công bằng và khuyến khích được các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam phát triển…
Một vấn đề nữa cũng được các chuyên gia khuyến nghị, đó là, nếu tỷ lệ nội địa hóa không được quy định cụ thể trong mỗi dự án được đấu thầu thì các doanh nghiệp trong nước không thể tham gia vào dự án. Theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam, cần tính tới việc chỉ định thầu cho các nhà chế tạo thiết bị cơ khí trong nước đối với các dự án có nguồn vốn ngân sách.
Hiện nay, đã có rất nhiều cơ chế hỗ trợ ngành công nghiệp cơ khí được ban hành từ cấp trung ương tới địa phương, cấp ngành. Việc bổ sung danh mục máy móc, thiết bị vật tư nguyên liệu trong nước đã sản xuất cũng được Bộ Công thương thường xuyên cập nhật. Tuy nhiên, để những chính sách, sản phẩm cơ khí được sử dụng trong các công trình, dự án, thì bên cạnh những chế tài, pháp lý đủ mạnh đòi hỏi cái tâm của chính chủ đầu tư, doanh nghiệp - những người tiêu dùng “ưu tiên dùng hàng Việt”. Có cầu ắt có cung, ngành công nghiệp cơ khí cũng không nằm ngoài quy luật đó.