Rào cản xuất khẩu và những chiến lược mới của doanh nghiệp

Xuân Lan 10/04/2012 07:45

Trong 3 tháng đầu năm 2012, cả nước đã xuất khẩu đạt giá trị 24,52 tỷ USD, tăng trên 26% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là, chúng ta xuất khẩu với số lượng lớn, nhưng lại thiếu giá trị gia tăng cho hàng hóa, mặt khác chủ yếu xuất khẩu qua trung gian nên thiếu tính bền vững. Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, thị trường xuất khẩu tiếp tục đứng trước những thách thức mới, đòi hỏi doanh nghiệp cần có những chiến lược rõ ràng, thích nghi kịp thời với diễn biến mới.

Rào cản xuất khẩu và những chiến lược mới của doanh nghiệp ảnh 1
Nguồn: ITN

Khó khăn trước mắt là cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, khủng hoảng nợ châu Âu dẫn đến kinh tế Mỹ, EU vẫn trong tình trạng trì trệ, thu nhập và tiêu thụ giảm sút, nhập khẩu giảm, đơn hàng giảm. Điều này ảnh hưởng đến xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, thủy sản,...Ông Nguyễn Thành Biên- Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, doanh nghiệp cần có những chiến lược mới trong xuất khẩu. Cộng đồng doanh nghiệp cần phân tích xem làm hết trách nhiệm chưa để xem cấp ưu đãi, mà thậm chí có định hướng đầu tư về lâu dài để sản xuất ra những hàng hóa mà được hưởng ưu đãi thuế quan trong các khu vực mậu dịch tự do mà Việt Nam tham gia. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế trên thế giới diễn biến phức tạp thì xu hướng bảo hộ mậu dịch đối với các thị trường nhập khẩu hàng Việt Nam ngày càng phức tạp, tinh vi và hàng xuất khẩu của chúng ta gặp nhiều rào cản kỹ thuật trong thương mại về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, môi trường, bảo vệ sức khỏe, chống bán phá giá, chống trợ cấp. Vì vậy, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ để tránh những rủi ro ở thị trường xuất khẩu.

Theo Vụ trưởng Vụ châu Mỹ, Bộ Công thương Nguyễn Duy Khiên, mặc dù kim ngạch xuất khẩu của hàng Việt Nam sang khu vực châu Mỹ tăng, nhưng chủ yếu tăng do số lượng, còn thực chất giá trị gia tăng trong sản phẩm rất thấp, các doanh nghiệp chưa phá được thế gia công để có những sản phẩm, thương hiệu Việt ở thị trường nước ngoài. Một câu chuyện đáng quan tâm nữa là cho đến bây giờ nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam chưa xuất khẩu trực tiếp sang nước ngoài mà vẫn phải qua một thị trường trung gian, khiến giá trị xuất khẩu thấp, nhiều khi bị ép giá. Vì thế cần liên kết các doanh nghiệp lại với nhau để làm sao phải gia tăng giá trị trong hàng hóa xuất khẩu, đồng thời phá vỡ thế gia công để có sản phẩm thương hiệu Việt Nam trên thị trường này.

Hiện nay nước ta đã tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định song phương, các doanh nghiệp cần nhanh chóng tìm hiểu để được hưởng thuế suất ưu đãi, giảm giá thành đầu vào hơn nữa khi nhập khẩu nguyên liệu. Mặt khác, doanh nghiệp cần nâng cao giá trị hàng xuất khẩu chất lượng cao hơn bằng việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để cải tiến mẫu mã, mới có thể đứng vững ở thị trường nước ngoài.

Theo các chuyên gia thị trường, giá xuất khẩu hàng hóa năm nay có xu hướng giảm sau khi đã tăng mạnh trong năm ngoái. Đối với doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất hàng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do đã nhập khẩu nguyên liệu với giá cao, khó bán được sản phẩm với giá có lãi, dẫn đến tồn kho lớn, ứ đọng vốn cho sản xuất. Tự do hóa thương mại, các hàng rào bảo hộ được dỡ bỏ sẽ gây áp lực đối với Việt Nam trong việc hạn chế nhập siêu, hạn chế nhập khẩu hàng hóa và công nghệ tiêu tốn năng lượng, không thân thiện với môi trường và có nguồn gốc từ các nước có trình độ công nghệ trung bình. Đồng thời, khi thị trường xuất khẩu khó khăn, doanh nghiệp dễ bị mắc vào những trường hợp lừa đảo từ đối tác nước ngoài. Do đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu thông tin trước khi ký kết các hợp đồng với đối tác nước ngoài…

Theo chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hương năm 2030 phấn đấu giữ đà tăng trưởng xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020 thì, trong năm 2012 phấn đấu kim ngạch tăng trưởng trên 13%, giá trị tuyệt đối đạt 108 tỷ USD, tham gia vào nhóm 15 cường quốc xuất nhập khẩu lớn trong khu vực ASEAN. Như vậy, để đạt được kết quả này thì mỗi doanh nghiệp, mỗi thương vụ thị trường cần phải có chiến lược rõ ràng trong việc đổi mới công nghệ các ngành sản xuất có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn, phát triển các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng, tốc độ tăng trưởng và giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương nhằm mở rộng thị trường phân phối hàng hóa Việt Nam và thúc đẩy xuất khẩu, rà soát các cơ chế, chính sách, các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ trong quá trình thực hiện các cam kết, tạo điều kiện lưu thông thuận lợi, ổn định cho hàng hóa xuất khẩu…

Xuân Lan