Cạnh tranh sẽ quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp

Vi Hoa thực hiện 06/04/2012 08:40

Đây là khẳng định của CHỦ TỊCH (CT) PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM (VCCI) Vũ Tiến Lộc khi đánh giá về hiệu quả và sự thành công trong hoạt động của mỗi doanh nghiệp. Theo Chủ tịch Vũ Tiến Lộc, một chương trình tái cấu trúc nền kinh tế toàn diện sẽ bao trùm hết các lĩnh vực như cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, cơ chế điều hành… Với nguồn lực mới - yếu tố cạnh tranh mới sẽ mang tính quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp.

- Hiệu quả của công việc và sự thành công trong hoạt động của mỗi doanh nghiệp đều bắt đầu từ nguồn nhân lực, thưa Ông?

CT Vũ Tiến Lộc: Đúng vậy! Trong thời điểm nền kinh tế thế giới và trong nước đang gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã đặt rõ mục tiêu cho năm nay đó là tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó tái cấu trúc doanh nghiệp được coi là thành tố vô cùng quan trọng. Một chương trình tái cấu trúc toàn diện sẽ bao trùm hết các lĩnh vực như cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, cơ chế điều hành; các hoạt động và các quá trình, các nguồn lực khác của doanh nghiệp.

Tuy vậy, hiệu quả công việc và sự thành công trong hoạt động của bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng đều phải bắt nguồn trước hết từ nguồn nhân lực. Sự khác biệt cùng với vị thế riêng của một doanh nghiệp nào đó so với các đối thủ cạnh tranh luôn đòi hỏi người quản lý phải có những kiến thức và kỹ năng cơ bản, cần thiết để lựa chọn, điều hành và quản lý tốt đội ngũ nhân viên. Với nguồn lực mới, một yếu tố cạnh tranh mới sẽ mang tính quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp, đó chính là con người- nguồn nhân lực.

- Thưa Ông, như vậy yêu cầu đặt ra đối với doanh nghiệp là phải nâng cao chất lượng quản trị nhân lực?

CT Vũ Tiến Lộc: Khi nền kinh tế rơi vào khó khăn như thời điểm hiện nay, sức cạnh tranh yếu kém của các doanh nghiệp đã bộc lộ rõ rệt. Như vậy, để có thể tồn tại được, các doanh nghiệp phải tái cấu trúc để nâng cao năng lực cạnh tranh. Một trong những yếu tố đó là nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, trong đó quản trị nhân lực chiếm vị trí quan trọng hàng đầu.

Theo tôi tất cả từ vốn liếng, thương hiệu, thị trường hay công nghệ đều được tạo nên bởi chính con người, với chính sự sáng tạo của mình. Yêu cầu đề ra đối với doanh nghiệp không bao giờ là muộn trong bối cảnh hiện nay đang tạo nên những sức ép, áp lực buộc cho các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng quản trị nhân lực, là cơ hội cho các doanh nghiệp có thể tạo ra những bước chuyển biến trong lĩnh vực này. Nếu trong môi trường kinh doanh thuận lợi thì không ai có nhu cầu phải cải cách thay đổi, nhưng trong môi trường khó khăn thì doanh nghiệp đứng trước sự tồn tại hay không tồn tại thì phải có sự thay đổi, tạo cơ hội… Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn, lãnh đạo các doanh nghiệp sẽ có thời gian nhiều hơn trong việc xem xét lại chiến lược. Và cũng chính khó khăn sẽ ươm mầm cơ hội, những doanh nghiệp nào biết tái cơ cấu lại nguồn nhân lực sẽ tìm kiếm được nhiều thành công hơn khi nền kinh tế đi vào ổn định.

Có rất nhiều nguyên nhân để dẫn đến khó khăn của các doanh nghiệp, có thể do yếu tố bên ngoài tác động vào như sự biến động của thị trường, nhưng phần lớn các doanh nghiệp khó khăn là do trình độ quản trị, chiến lược phát triển và chất lượng nguồn nhân lực. Bởi vì nếu chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp được xây dựng trên cơ sở chiến lược phát triển bền vững chứ không phải mang yếu tố đầu cơ, thì những doanh nghiệp như vậy thường trụ rất tốt trong bối cảnh hiện nay.

- Vậy đâu là mấu chốt, là chìa khóa cho việc tìm và giữ được người tài trong thời điểm khó khăn như hiện nay, thưa Ông?

CT Vũ Tiến Lộc: Bất cứ biện pháp nào đặt ra đối với doanh nghiệp hiện nay đều đặt trong tầm nhìn dài hạn, hướng tới sự phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần phải chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp cùng với hệ thống quản trị doanh nghiệp. Việc dùng người, tìm người tài nên dựa trên năng lực thực sự của họ để bố trí công việc và có chế độ đãi ngộ phù hợp. Muốn doanh nghiệp phát triển bền vững, cần có chiến lược dài hạn về nhân lực như tạo nhiều việc làm có giá trị, chủ động tạo dựng nhân lực cao cấp từ chính nguồn nhân lực của mình, có chính sách đãi ngộ hợp lý. Doanh nghiệp cũng cần tạo ra môi trường làm việc lành mạnh để người lao động cảm thấy được tôn trọng, được tham gia vào quá trình quyết định và có cơ hội để thăng tiến. Thực tế đã cho thấy, một số doanh nghiệp đã thành công trên cơ sở từ chỗ biến những người làm thuê trong doanh nghiệp thực sự trở thành người chủ doanh nghiệp và họ được chia lợi nhuận. Đây là những kinh nghiệm tốt để giữ được người tài. Như vậy rõ ràng quản trị nhân lực luôn đặt lên hàng đầu.

- Ông vừa nói tới yếu tố xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp, nhưng có phải là nghịch lý không khi các doanh nghiệp hiện đang còn rất nhiều khó khăn về vốn?

CT Vũ Tiến Lộc: Trong nền kinh tế cạnh tranh như hiện nay thì việc xây dựng được văn hóa học tập trong doanh nghiệp sẽ tạo mọi điều kiện cho nhân viên có thể tiến hành các bước cần thiết để mài giũa những kỹ năng và duy trì vị trí hàng đầu trong nghề nghiệp hoặc lĩnh vực của mình. Đặc biệt, lãnh đạo phải luôn chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chú trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần hài hòa với đời sống vật chất.

Mục tiêu quan trọng nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh như hiện nay đối với doanh nghiệp nếu muốn tiếp tục phát triển phải quay trở lại đầu tư cho yếu tố nền tảng cho những giá trị căn bản, xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng như nâng cao trình độ, chất lượng và quản trị nguồn nhân lực. Nếu có những biện pháp tôn trọng người lao động, chia sẻ những lợi ích giữa chủ doanh nghiệp với người lao động thì tôi tin rằng người lao động cũng sẵn sàng cùng chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp để có có cơ hội phát triển lớn hơn trong tương lai.

- Xin cám ơn Ông! 

Vi Hoa thực hiện