Hai mặt của đồng xu
Quy chế cho phép bãi nhiệm những người được bầu giống như hai mặt của đồng xu. Một mặt nó trao cho cử tri quyền giám sát đối với những người do dân bầu ra. Nhưng mặt khác, quyền này có thể bị sử dụng vào những mục đích cá nhân hoặc phục vụ một số nhóm lợi ích.
Về ưu điểm, trước hết, đây là một cơ chế bảo đảm trách nhiệm giải trình trước cử tri trong suốt nhiệm kỳ, buộc nghị sỹ phải phản ứng trước những yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và phải hành động, ứng xử đúng đắn. Cơ chế bãi nhiệm còn làm cho các thành viên của cơ quan lập pháp phải thận trọng hơn trong việc đưa ra những giải pháp, chính sách cứng rắn; hoặc nếu định đưa ra thì phải giải thích rõ ràng, hợp lý. Cơ chế này còn trao cho cử tri quyền kiểm soát những người mình đã bầu, giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng không hay từ các nhóm lợi ích.
Thứ hai, nếu có cơ chế bãi nhiệm thì không cần phải quy định nhiệm kỳ ngắn, không cần phải có các cuộc bầu cử liên miên, làm cho nền chính trị ổn định hơn, dễ đoán định hơn.
Thứ ba, cơ chế bãi nhiệm có thể đóng vai trò như một cái van an toàn, giải tỏa áp lực của bầu không khí chính trị đang bị nóng lên, là phương thức dân chủ giải quyết các mâu thuẫn chính trị giữa kỳ.
![]() Nguồn: NBC |
Thứ tư, cơ chế bãi nhiệm tỏ ra hiệu quả hơn cơ chế luận tội trong việc truất quyền một quan chức được bầu. Bởi lẽ, ở những nước đang áp dụng cơ chế này, để bãi nhiệm không cần phải chứng minh có lỗi xảy ra, ít có khả năng quy trình bị đình trệ vì những vấn đề về chứng cứ và pháp lý.
Thứ năm, quá trình bãi nhiệm thu hút sự tham gia của cử tri vì đã trao quyền cho họ, khuyến khích sự tranh luận trong công chúng và sự quan tâm của xã hội đối với việc công, có tác dụng giáo dục, truyền thông công chúng.
Thứ sáu, cơ chế bãi nhiệm giúp cân bằng quan hệ giữa nghị sỹ với đảng của nhân vật này. Khi thảo luận hay biểu quyết một vấn đề chính sách nào đó, nghị sỹ sẽ phải tính đến ý kiến của công chúng và đối chiếu với đường lối của đảng mình.
Về nhược điểm, thứ nhất, cơ chế bãi nhiệm cũng có nhược điểm, mà trước hết là sự tốn kém khi phải tổ chức một cuộc bầu cử hoàn toàn mới để bầu người thay thế, chưa kể chi phí trước đó cho việc khởi xướng, thu thập chữ ký. Trong nhiều trường hợp, bầu cử thay thế người bị bãi nhiệm vừa kết thúc một thời gian thì đã bắt đầu kỳ bầu cử mới.
Thứ hai, bãi nhiệm có thể chịu tác động tiêu cực của đồng tiền. Chẳng hạn, ở Mỹ, các công ty chuyên thu thập chữ ký ủng hộ bãi nhiệm trả khoảng 2,5 - 3 USD cho một chữ ký. Như vậy, bất kỳ ai có tiền đều có thể “mua” sự bãi nhiệm. Trong khi mục đích ban đầu của bãi nhiệm ở Mỹ là tách các chính trị gia khỏi sự chi phối của các nhóm lợi ích có nguồn lực mạnh, cơ chế này có thể bị lợi dụng để các nhóm có tiền “dọa” các chính trị gia.
Thứ ba, do bãi nhiệm, chủ nghĩa dân túy có thể thắng thế. Có rủi ro là vì lo ngại bị bãi nhiệm, các chính trị gia sẽ chỉ dám đưa ra những quyết định dân túy ngắn hạn, mà không dám có những quyết sách khó khăn, có thể không được ủng hộ rộng rãi nhưng lại cần thiết về dài hạn. Thông thường, các nhà lãnh đạo kiệt xuất hay đưa ra những quyết định không được ủng hộ rộng rãi vì lợi ích của nhân dân mình. Vì lý do đó, như cựu Tổng thống Taft của Mỹ từng nhận xét, nếu cơ chế bãi nhiệm được áp dụng đối với chức vụ Tổng thống thì những Tổng thống ưu tú nhất trong lịch sử nước Mỹ như Washington, Madison, Lincoln chắc sẽ bị đưa ra bỏ phiếu bãi nhiệm.
Thứ tư, bãi nhiệm có thể làm cho chính phủ thiếu ổn định. Như các nhà quan sát nhận định, người ta có thể khởi xướng bãi nhiệm ngay cả khi không hề hy vọng thành công, miễn làm sao để phá đối thủ là được hoặc để đe dọa, tác động đến chính sách có lợi cho mình. Do đó, cơ chế bãi nhiệm có thể gây trở ngại cho hoạt động suôn sẻ của Chính phủ.
Thứ năm, có rủi ro người dân sử dụng cơ chế bãi nhiệm với lý do rất vụn vặt, riêng tư, cá nhân. Ở California, trong vòng 20 năm, chỉ vì tức giận do phải sống gần vài cái hồ có nhiều ếch nhái kêu suốt ngày, một công dân đã 37 lần kiến nghị bãi nhiệm các quan chức trong vùng.
Cuối cùng, việc lạm dụng cơ chế bãi nhiệm có thể làm trầm trọng thêm mâu thuẫn chính trị và phân hóa xã hội trong cộng đồng, vì người ta có thể “ăn miếng trả miếng” không có điểm dừng, nhất là ở phạm vi nhỏ như hạt, thị trấn.