Hạ giá gas và những động thái mới trên thị trường
Thông tin giá gas trên thị trường thế giới giảm mạnh và giá bán trong nước cũng đã giảm đang được người tiêu dùng hết sức quan tâm. Tuy nhiên, liệu giá gas trong nước giảm đã sát với giá gas thế giới hay chưa? Các khâu nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh gas trên thị trường trong nước đã thực sự minh bạch để có giá bán phù hợp?
Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, giá gas trong nước từ ngày 1.4 đã giảm từ 66.000đ - 72.000 đ/bình 12kg. Nguyên nhân của sự điều chỉnh lần này là do giá gas thế giới giao tháng 4 giảm mạnh tới hơn 200 USD/tấn, từ 1.205 USD cuối tháng 3 xuống còn 992,5 USD/tấn. Đây là mức giảm vượt dự báo của tất cả những người quan sát thị trường lẫn các công ty kinh doanh, cũng là mức giảm mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Hiện giá gas trên thị trường dao động ở mức 400.000đ - 420.000đ/bình/12kg tùy loại. Theo giới chuyên môn, mức giảm này vẫn chưa thấm tháp gì so với mức giảm của giá thế giới. Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam Nguyễn Sỹ Thắng khẳng định, mức chênh lệch chút ít về giá bán tùy thuộc vào chi phí, hạch toán, quản trị kinh doanh… của mỗi công ty gas, nhưng về cơ bản sự giảm giá này là phù hợp so với mức giảm của thế giới. Vấn đề là có đại lý vẫn bán theo giá cũ thì cơ quan quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát…
![]() Nguồn: tamnhin.net |
Về tình hình kiểm tra, kiểm soát khâu phân phối, kinh doanh gas của các doanh nghiệp và đại lý trên thị trường, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương vừa qua, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Trương Quang Hoài Nam cho biết, kiểm tra, kiểm soát là hoạt động thường xuyên và tháng 3 là tháng cao điểm nên hiện tại quản lý thị trường vẫn đang tiếp tục các hoạt động…
Hiện đã có thông tin trong tháng 5 tới giá gas thế giới có thể tiếp tục giảm thêm do nhu cầu tiêu thụ đang giảm mạnh vì đã qua mùa đông, nguồn gas trở nên dư thừa. Từ đó, giá gas trong nước sẽ còn có cơ hội giảm nữa. Tuy nhiên, theo bà Đỗ Thị Thanh Hương, cố vấn công ty Cổ phần Dầu khí Thái Bình Dương, đáng quan ngại là tình trạng gas nhập khẩu được bán trôi nổi trên thị trường. Có nghĩa là có những công ty đầu mối nhập khẩu ký hợp đồng nhập gas từ tháng trước, bây giờ hàng về, nếu họ không bán ra thì tháng 5 tới giá thế giới giảm nữa, họ sẽ lỗ nhiều hơn. Vì vậy có thể họ chấp nhận bán lỗ ở thời điểm này, gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trên thị trường.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp nào mua gas trôi nổi, tự do từ một số đơn vị đầu mối kia với giá hạ hơn, có thể sẽ sang chiết trái phép vào các bình gas của các hãng có thương hiệu, với một vài thủ đoạn như đóng thiếu trọng lượng, bán giá thấp hơn để cạnh tranh, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Hiệp hội Gas Việt Nam cũng cho rằng, cần làm rõ giá bán của gas sản xuất trong nước, vì theo logic thông thường, giá gas sản xuất trong nước phải thấp hơn giá gas thế giới do không mất cước phí vận chuyển.