Một thế giới ngập trong dầu

Nguyễn Long
Theo FP
05/04/2012 07:35

Trung Đông hiện đang là tâm điểm trong các bản tin thời sự Syria, Iran, đến Israel và Palestine. Tuy nhiên, 10 hay 20 năm nữa, những vụ xung đột ở vùng đất này sẽ ít thu hút sự quan tâm của thế giới hơn, như thời kỳ dầu mỏ chưa được phát hiện ở vùng đất này.

Trung Đông ít thu hút sự chú ý hơn trong tương lai không phải vì khu vực này sẽ hết dầu mà bởi vì phần còn lại của thế giới sẽ ngập trong dầu. Khi nguồn cung tăng lên, dầu sẽ giảm giá và tỷ lệ thuận với nó là giá trị chính trị của những khu vực có dầu.

Để nhìn tương lai của dầu mỏ, hãy xem xét đến hiện tại của khí đốt tự nhiên. Cho đến mãi gần đây, nhiều người vẫn nghĩ rằng phương Tây đang thiếu khí đốt. Hầu hết những mỏ khí tự nhiên đang dần cạn kiệt, khiến phương Tây phải dựa nhiều hơn vào những mỏ dự trữ xa xôi và khó khai thác. Nước Mỹ, nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, bắt đầu xây những kho chứa khí đốt từ những lục địa xa xôi với tính toán rằng nước này sẽ nhập nguồn cung từ Canada và Mexico là không đủ.

Rồi đột nhiên mọi thứ thay đổi. Công nghệ mới cho phép trích xuất gas từ đá phiến sét và các tổ hợp đá khác. Do những công nghệ mới này – fracking là công nghệ được biết đến nhiều nhất – rẻ hơn nhiều so với khai thác gas từ những nguồn “thông thường” khác, và do gas từ đá phiến sét là rất nhiều, những công nghệ xa lạ này sẽ trở nên chuẩn mực. Nhờ vào fracking, Mỹ đột nhiên trở thành nhà sản xuất khí gas tự nhiên lớn nhất thế giới, tạo ra lượng khí gas thừa mứa đến mức có thể hạ giá tới một nửa nguồn tài nguyên này. Những kho chứa khí mà Mỹ xây dựng để dự định nhập khẩu gas giờ đang được sử dụng để xuất khẩu loại khí đốt này.

Nguồn cung dư thừa sẽ nhanh chóng ảnh hưởng tới châu Âu, nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn khác của thế giới. Những lượng đốt khai thác từ đá phiến sét ở Anh, Pháp, Ba Lan, Ukraine và các nơi khác sẽ nhanh chóng hạ giá thành năng lượng xuống. Chuyện tương tự  cũng sẽ xảy ra với Trung Quốc và các nhà nhập khẩu năng lượng khác. Thế giới sẽ  ngập trong khí đốt và sẽ như vậy trong nhiều thập kỷ, nếu không muốn nói là hàng thế  kỉ.

Câu chuyện dầu mỏ giờ cũng đang đi theo một kịch bản tương tự như khí đốt, với những nguồn cung dầu mỏ “không thông thường” sẽ lấn át những nguồn cung thông thường mà khó khai thác. Cho đến gần  đây, dầu cát được khai thác từ Canada vẫn chỉ  là nguồn cung “bất thường” duy nhất, biến Canada trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất với Mỹ. Sẽ không còn như vậy nữa. Dầu sẽ đến từ đá phiến sét và từ các tổ hợp đá khác ở ngay trong nước Mỹ, nước hiện giờ có trữ lượng dầu đá phiến sét lớn nhất thế giới. Mỹ đang nhanh chóng trở thành nhà sản xuất dầu và khí gas phát triển nhanh nhất thế giới, với tốc độ này Mỹ sẽ nhanh chóng tự cung được về dầu và hiện nay nước này đã trở thành nhà xuất khẩu ròng sản phẩm dầu khí.

Một nhà nhập khẩu lớn khác là Trung Quốc cũng có thể trở thành nhà xuất khẩu dầu mỏ vì nước này có trữ lượng dầu đá phiến sét lớn thứ hai thế giới. Tổng cộng 38 nước trên khắp thế  giới có trữ lượng khoảng 4,8 nghìn tỷ thùng dầu đá phiến sét, có khả năng đáp ứng được mọi nhu cầu tiêu thụ cho mọi khu vực trên thế giới một cách đầy đủ. Với một thế giới tràn ngập dầu và khí gas, các nước phương Tây sẽ không còn phụ thuộc vào nguồn năng lượng đến từ các quốc gia Trung Đông nữa. Khu vực này se quay trở lại thời kỳ đầy bí hiểm với con mắt của người phương Tây như đã từng như vậy cách nay vài ba thập kỷ.

Cho dù công nghệ khai thác dầu từ đá phiến sét vẫn còn đang mới mẻ, nó lại hứa hẹn bởi giá thành rẻ, chỉ khoảng từ 50 đến 60 đôla Mỹ cho một thùng dầu và mức giá  này đang giảm xuống từng ngày. Xu hướng này sẽ không thể đảo ngược trong những năm tới. Israel, nước có khoảng 250 tỷ thùng dầu tại một mỏ gần Jerusalem, trữ lượng tương đương với Ảrập Xêút bây giờ, đang kỳ vọng sẽ khai thác dầu ở vào mức 35 – 40 USD/thùng. Nếu giá dầu thế giới giảm xuống tới mức này  – mức giá trung bình của hai thập kỷ vừa qua – các nhà xuất khẩu năng lượng Trung Đông sẽ phá sản và tiến trình chính trị ở khu vực này sẽ diễn biến theo một chiều hướng khác. Ảrập Xêút hiện giờ đang có dầu mỏ đóng góp tới 80% ngân sách, 45% GDP và 90% thu nhập xuất khẩu. Một mức giá dầu sụt giảm 70% sẽ làm hoàn toàn thay đổi xã hội của đất nước Trung Đông này. Và tất nhiên, của nhiều nước xuất khẩu dầu khác. Nhưng lúc đó, có lẽ thế giới sẽ không còn bận tâm nhiều đến khu vực này nữa.

Nguyễn Long<br>Theo <i>FP</i>