Phân công, điều hòa các ban HĐND tỉnh trong giám sát chuyên đề, đột xuất

Đinh Chung Phụng
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình
25/03/2012 07:52

Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh bị chi phối, ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, trong đó có vai trò của Thường trực HĐND trong phân công, điều hòa hoạt động giám sát của các ban HĐND. Đây là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả giám sát của HĐND, nhất là trong giám sát chuyên đề, đột xuất.

Linh hoạt trong điều hòa, phối hợp hoạt động

Trên cơ sở xác định việc điều hòa, phối hợp hoạt động các ban HĐND tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Quy chế làm việc cụ thể hóa mối quan hệ giữa Thường trực và các ban HĐND tỉnh; phân công Phó chủ tịch HĐND tỉnh phụ trách lĩnh vực kinh tế - ngân sách, Ủy viên Thường trực HĐND phụ trách lĩnh vực pháp chế, văn hóa - xã hội của HĐND tỉnh. Thứ 6 hàng tuần, Thường trực HĐND tỉnh giao ban với lãnh đạo chuyên trách các ban HĐND tỉnh, lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, hàng tháng họp với lãnh đạo các ban HĐND tỉnh và các cơ quan liên quan. Qua đó nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động của các ban để điều hòa, phối hợp và định hướng hoạt động chung hiệu quả.

Cụ thể, để chương trình giám sát của HĐND tỉnh hàng năm có trọng tâm, trọng điểm, sát hợp với thực tiễn, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị Ban Thường trực UBMTTQ, các ban HĐND và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đề xuất nội dung giám sát của HĐND tỉnh năm sau. Trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, đơn vị, ý kiến, kiến nghị của cử tri và tình hình thực tế của địa phương, Thường trực HĐND dự kiến Chương trình giám sát năm sau của HĐND tỉnh, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm. Thông thường, mỗi năm Thường trực và các ban HĐND tỉnh thực hiện từ 15-20 cuộc giám sát chuyên đề, đột xuất.

Sau khi Nghị quyết về chương trình giám sát được HĐND tỉnh thông qua, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các ban HĐND tỉnh dự kiến kế hoạch giám sát cụ thể, trong đó nêu rõ đối tượng, thời gian giám sát từng tháng, từng quý và cả năm. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp, điều hòa để xây dựng kế hoạch giám sát chung của Thường trực và các ban HĐND tỉnh, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lắp về thời gian, địa điểm, đối tượng giám sát hoặc phân tán, kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị được giám sát. Năm 2011, Thường trực HĐND tỉnh đã điều hòa giám sát theo nguyên tắc bảo đảm giám sát mỗi sở không quá 2 lần/năm, mỗi huyện không quá 3 lần/năm và không để một cơ quan, đơn vị cùng là đối tượng chịu sự giám sát của Thường trực hoặc các ban HĐND tỉnh trong cùng một tháng.

Đối với những vấn đề đột xuất phát sinh cần tiến hành giám sát theo yêu cầu của Tỉnh ủy, đề xuất của các cơ quan, đơn vị liên quan hoặc ý kiến, kiến nghị của cử tri, căn cứ vào nội dung vấn đề phát sinh, Thường trực HĐND tỉnh trực tiếp chủ trì, phối hợp với ban HĐND giám sát hoặc giao cho các ban giám sát phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo luật định.

Quá trình triển khai giám sát, Thường trực HĐND tỉnh luôn chú trọng điều hòa, phối hợp hoạt động của các ban. Nhiệm kỳ này, HĐND tỉnh Ninh Bình có 3 lãnh đạo chuyên trách ở 3 ban. Trong các cuộc giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo chuyên trách các ban đều tham gia với tư cách là thành viên đoàn giám sát, qua đó tạo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và góp phần nâng cao hiệu quả giám sát của HĐND.

Trong giám sát của các ban, Thường trực HĐND để các ban phát huy tính chủ động đối với từng chuyên đề, từ khâu lên kế hoạch, tổ chức giám sát, đánh giá kết quả đến kiến nghị. Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên theo dõi, đôn đốc hoạt động của các ban; tham dự các cuộc họp của các ban để bàn chương trình công tác, chuẩn bị kế hoạch giám sát của các ban, cho ý kiến về những lĩnh vực, nội dung cần theo dõi, giám sát; thống nhất kế hoạch hoạt động của từng ban và phối hợp giữa các ban với Thường trực HĐND tỉnh, giữa các ban HĐND tỉnh với nhau; đồng thời lưu ý các ban trong giám sát phải sát thực tế, phải nắm được thực chất vấn đề, phân tích, so sánh, đánh giá cụ thể tình hình, tìm nguyên nhân và đề xuất giải pháp xử lý hiệu quả nhất. Nhờ vậy, quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh luôn được theo dõi chặt chẽ, giúp Thường trực HĐND tỉnh có cơ sở điều hòa, phối hợp hoạt động của các ban được khoa học và hợp lý.

Trong một số trường hợp, do yêu cầu nhiệm vụ, có ban đề nghị điều chỉnh lịch giám sát chuyên đề, do đó, nếu không có sự điều hòa kịp thời sẽ dẫn đến sự chồng chéo, trùng lắp về thời gian, địa điểm, đối tượng giám sát. Vì vậy, Thường trực HĐND tỉnh điều hòa kết hợp giám sát chuyên đề của Thường trực với các ban đối với những nội dung tương đồng hoặc cùng lĩnh vực. Đối với những nội dung không thể tiến hành lồng ghép dẫn đến có đối tượng giám sát bị trùng lắp, Thường trực HĐND tỉnh điều hòa để một ban giám sát trực tiếp, còn các ban khác có thể tiến hành xem xét thông qua văn bản để không ảnh hưởng đến hoạt động chung của đối tượng bị giám sát.

Để hoạt động giám sát đạt hiệu quả thiết thực, Thường trực HĐND tỉnh đặc biệt chú trọng việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của các đối tượng giám sát. Trước các kỳ họp HĐND tỉnh, Thường trực HĐND đề nghị các ban yêu cầu các đối tượng giám sát rà soát, báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Đối với những vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc vấn đề khó, còn nhiều bất cập, Thường trực HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với các ban tiến hành kiểm tra và báo cáo kết quả tại kỳ họp HĐND tỉnh để tiếp tục đôn đốc thực hiện.

Có thể nói, với sự chủ động, linh hoạt của Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình trong điều hòa, phối hợp hoạt động, các ban của HĐND tỉnh đã phát huy trách nhiệm, quyền hạn của mình trong giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, đột xuất. Chất lượng, hiệu quả giám sát đã được nâng lên, nhiều kiến nghị sau giám sát được các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp thu và thực hiện nghiêm túc, tạo chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh và bộ máy chính quyền địa phương.

Tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của HĐND

Tuy đã đạt những kết quả tích cực nhưng quá trình phân công, điều hòa, phối hợp giám sát đối với các ban HĐND còn một số tồn tại, hạn chế như: vẫn còn tình trạng trùng lắp đối tượng giám sát của các ban HĐND tỉnh. Một số thành viên các ban HĐND tỉnh là đại biểu kiêm nhiệm, bận việc chuyên môn nên chưa tích cực tham gia hoạt động giám sát. Có ban HĐND tỉnh ban hành báo cáo kết luận giám sát chậm so với quy định. Một số trường hợp, các kiến nghị sau giám sát của Thường trực, các ban HĐND chưa rõ ràng, chưa cụ thể. Việc theo dõi, đôn đốc, giám sát thực hiện kiến nghị sau giám sát có lúc thiếu kiên quyết, không thường xuyên, chưa sâu sát, tác dụng còn hạn chế. Một số đối tượng chịu sự giám sát chưa thực hiện nghiêm túc, triệt để các kiến nghị sau giám sát của HĐND.

Nguyên nhân trước hết do địa vị pháp lý của Thường trực và các ban HĐND tỉnh chưa được xác lập rõ ràng. Thực tế, Thường trực và các ban HĐND tỉnh không được coi là cơ quan mà chỉ được quan niệm là những bộ phận trong HĐND tỉnh. Mối quan hệ giữa Thường trực với các ban HĐND chưa cụ thể, quy định về cơ chế điều hòa, phối hợp hoạt động còn chưa rõ. Bên cạnh đó, cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của đại biểu còn chung chung. Đặc biệt, trong thực hiện chức năng giám sát của HĐND, các chế tài xử lý chưa rõ ràng, chưa đủ mạnh và thiếu tính khả thi dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai hoạt động trên thực tiễn.

Về nhân sự, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình chỉ có Phó chủ tịch và Ủy viên thường trực hoạt động chuyên trách. Trong các ban của HĐND tỉnh, chỉ có Ban Kinh tế - Ngân sách có Trưởng ban hoạt động chuyên trách, 2 ban còn lại Trưởng ban đều hoạt động kiêm nhiệm, mỗi ban chỉ có 1 Phó ban hoạt động chuyên trách. Số lượng thành viên hoạt động chuyên trách ít nên việc thành lập các đoàn giám sát có khó khăn nhất định, nhất là đối với các cuộc giám sát chuyên đề, đột xuất. Những cuộc giám sát này thường mang tính chuyên sâu, phạm vi lĩnh vực giám sát rất rộng, trong khi đó thành viên hoạt động kiêm nhiệm của các ban có trình độ, năng lực và lĩnh vực hoạt động khác nhau, một số thành viên là lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND nên ít nhiều ảnh hưởng đến tính khách quan trong hoạt động giám sát. Ngoài ra, pháp luật không cấm việc huy động các chuyên gia tham gia hoạt động giám sát của HĐND, song thực tế các chuyên gia có kinh nghiệm thường là cán bộ, công chức thuộc các sở, ngành nên cũng có những bất cập trong tham gia giám sát của HĐND.

Để nâng cao hiệu quả giám sát của HĐND tỉnh, cùng với việc sửa đổi Hiến pháp 1992, vấn đề đặt ra là cần hoàn thiện tổ chức và hoạt động của HĐND theo hướng: làm rõ địa vị pháp lý, kiện toàn và nâng cao năng lực của Thường trực HĐND. Quy định mở rộng thành phần của Thường trực HĐND gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các ủy viên là Trưởng các ban HĐND nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính dân chủ trong hoạt động của Thường trực HĐND. Nâng cao năng lực hoạt động của các ban HĐND tỉnh theo hướng tăng thành viên hoạt động chuyên trách, nhất là lãnh đạo các ban HĐND phải hoạt động chuyên trách. Làm rõ hơn mối quan hệ giữa Thường trực và các ban. Mặt khác, nghiên cứu cụ thể hóa hơn các chế định pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát, đặc biệt các chế tài xử lý phải quy định rõ ràng, cụ thể và đầy đủ cả về hình thức, trình tự, thủ tục bảo đảm tính hợp lý và khả thi. Có cơ chế cụ thể đánh giá hiệu quả hoạt động của đại biểu gắn với công tác thi đua khen thưởng và xử lý kỷ luật, quy định rõ hơn cơ chế chịu trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh. Cũng cần quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của bộ máy giúp việc HĐND các cấp rõ ràng, cụ thể ngay trong Luật Tổ chức HĐND và UBND để tạo sự thống nhất và thuận lợi trong quá trình hoạt động.

Đinh Chung Phụng<BR><I>Phó chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình</I>