Để trở thành một thẩm phán Tòa án Hiến pháp
Tòa án Hiến pháp Áo có 18 thành viên, gồm 12 thẩm phán chính thức và 6 thẩm phán dự khuyết - người sẽ thay thế thẩm phán chính thức khi vắng mặt. Trong số các thẩm phán chính thức có một Chánh án và một Phó chánh án, 9 thẩm phán chuyên làm công tác soạn thảo với nhiệm kỳ 3 năm và mỗi người trong số họ có ít nhất là 2 thư ký luật để giúp việc cho mình.
![]() Chánh án tòa án Hiến pháp Gerhart Holzinger |
Kể từ 1920 cho đến năm 1929, 18 thành viên của Tòa án Hiến pháp Áo đều được Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Liên bang chỉ định, mỗi Viện được chỉ định 9 thành viên. Từ lần sửa đổi Hiến pháp năm 1929 đến nay, các thành viên của Tòa án Hiến pháp được Tổng thống Liên bang bổ nhiệm trên cơ sở đề cử của Chính phủ liên bang (6 thẩm phán chính thức, 3 dự khuyết), Hội đồng Nhà nước (3 chính thức, 2 dự khuyết) và Hội đồng Liên bang (3 chính thức, 1 dự khuyết). Riêng Chánh án và Phó chánh án thì chỉ có Chính phủ liên bang mới có quyền đề cử và nằm trong số 6 thẩm phán chính thức.
Việc phân chia quyền hạn về số lượng đề nghị bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Hiến pháp giữa các nhánh quyền lực theo tỷ lệ là nhằm bảo đảm sự độc lập của cơ quan này và tránh khả năng phải phục tùng một nhánh quyền lực nhất định. Ngoài ra, trên một mức độ nào đó, nó đưa lại cho Tòa án Hiến pháp tính chất đại diện chính trị, nhất là với sự tham gia của hai Viện có thành phần chủ yếu theo các đảng phái chính trị trong xã hội.
Pháp luật Cộng hòa Áo quy định rất cụ thể và chặt chẽ những điều kiện đối với một ứng cử viên thẩm phán của Tòa án Hiến pháp.
Về trình độ chuyên môn và năm công tác: Một người muốn được đề nghị bổ nhiệm làm thẩm phán Toà án Hiến pháp dù là chính thức hay dự khuyết đều “cần phải học hết chương trình cử nhân và khoa học chính trị; đồng thời, phải đã qua 10 năm công tác đúng chuyên ngành đã học”.
Đối với số thẩm phán Tòa án Hiến pháp do Chính phủ liên bang đề nghị bổ nhiệm thì ngoài quy định chung trên còn phải được chọn trong số các thẩm phán, các công chức hành chính nhà nước, các giáo sư luật khoa hoặc khoa học chính trị ở các trường đại học.
Về tính không kiêm nhiệm: Mọi thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Áo, dù chính thức hay dự khuyết, đều không được đồng thời là thành viên Chính phủ Liên bang, thành viên Viện Liên bang, thành viên Viện Dân tộc hay bất kỳ một cơ quan đại diện chung nào khác. Thẩm phán Tòa án Hiến pháp còn không được phép là nhân viên hay cán bộ hưởng lương của bất kỳ một đảng phái chính trị nào. Riêng Chánh án và Phó Chánh án còn phải có thêm điều kiện là trước khi được đề nghị bổ nhiệm không được giữ chức vụ trong các cơ quan trên quá 4 năm.
Về nơi cư trú: 3 thẩm phán chính thức và 2 thẩm phán dự khuyết phải có nơi cư trú bên ngoài thành phố Vienne. Chánh án, Phó chánh án và ít nhất 2 thẩm phán chính thức, hai thẩm phán dự khuyết phải có nơi cư trú tại Vienne.
Về nhiệm kỳ, thẩm phán của Tòa án Hiến pháp sau khi được bổ nhiệm, sẽ làm việc đến hết ngày 31.12 năm họ tròn 70 tuổi, làm việc độc lập và không thể bị cách chức trừ trường hợp đặc biệt, được quy định trong Điều 87 và 88 Hiến pháp Áo là: mất năng lực hành vi; mất quốc tịch; vi phạm kỷ luật chức vụ.
Chế độ lương của thẩm phán Tòa án Hiến pháp cũng là một tiền đề hết sức quan trọng đảm bảo cho tính tận tâm, liêm khiết và vô tư trong hoạt động của Tòa án Hiến pháp. Vì vậy, thẩm phán Tòa án Hiến pháp Áo được hưởng lương cao và có sự phân cấp theo từng chức danh với mức lương gốc là lương của một đại biểu trong Viện Dân tộc; theo đó “lương của Chánh án bằng 166%, Phó chánh án bằng 138%, Thẩm phán chính thức 83%; riêng đối với thẩm phán dự khuyết, do làm theo vụ việc nên được trả thù lao tương ứng với số buổi tham gia”.
Chỉ có Chính phủ liên bang hoặc Chính phủ bang mới có quyền đề nghị Tòa án Hiến pháp xem xét các tranh chấp về thẩm quyền. Tòa án tối cao, Tòa án Hành chính và các tòa án khác, các Nghị sỹ, các công dân Áo được quyền đề nghị xem xét tính hợp hiến của một đạo luật đã ban hành và trong một trường hợp cụ thể. Một điểm đặc biệt trong quá trình hoạt động là Tòa án Hiến pháp Áo chỉ có thể thực thi quyền hạn của mình trong phạm vi các vấn đề được đề nghị. Tòa án không thể quyết định những vấn đề vượt ra ngoài những yêu cầu cho dù trong quá trình xét xử những vụ việc trên, Tòa án Hiến pháp phát hiện ra tính bất hợp hiến của một đạo luật hoặc sai phạm về thẩm quyền. Tuy nhiên Hiến pháp Áo năm 1975 cũng quy định thêm “Tòa án Hiến pháp có quyền quyết định vượt quá yêu cầu trong trường hợp một đạo luật do cơ quan không đủ thẩm quyền ban hành hoặc khi đạo luật được công bố một cách bất hợp thức”. |
Trang báo được hoàn thành trên cơ sở bài viết của Ths. BÙI HUY TÙNG đăng trên tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 12 (173), tháng 6.2010.