So sánh lực lượng mới tại Trung Đông

Thành An 08/03/2012 08:13

Mùa Xuân Ảrập đã định hình lại bản đồ chính trị Trung Đông. Từ Tunisia tới Ai Cập, Syria và Yemen, một trật tự mới đang dần được thiết lập trong thế giới ảrập. Cán cân quyền lực truyền thống ngày càng suy yếu, thay vào đó là sự xuất hiện của một thế lực chính trị mới, với lực lượng chủ yếu là dòng Hồi giáo Sunni.

Amr Mussa, ứng cử viên sáng giá cho vị trí tân tổng thống Ai Cập, cựu chủ tịch Liên đoàn Ảrập gồm 22 thành viên, nhận định: “Thế giới Ảrập sẽ không bao giờ như trước nữa”. Cuộc chạy đua giành ảnh hưởng mới đã manh nha giữa Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, trong khi Syria gần như đã bị loại khỏi cuộc chơi.

Lực lượng Hồi giáo dòng Sunni (màu hồng) đang ngày càng lớn mạnh ở Trung Đông
Lực lượng Hồi giáo dòng Sunni (màu hồng) đang ngày càng lớn mạnh ở Trung Đông

Lần đầu tiên trong suốt ba thập niên, kể từ khi cựu Tổng thống Ai Cập Anwar al-Sadat đặt ưu tiên vào quan hệ với Israel và liên minh với Mỹ, có vẻ như Ai Cập đang đặt mục tiêu nắm vai trò lãnh đạo thế giới nói tiếng Ảrập và thậm chí toàn bộ khu vực. Về điểm này, các lực lượng cánh tả, dân tộc chủ nghĩa và Hồi giáo Ai Cập đoàn kết với nhau. Với việc Mỹ và phương Tây đang ngày càng gia tăng sức ép đối với chính quyền Iran và Syria, có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử Trung Đông, Ai Cập đứng trước cơ hội bá quyền tại khu vực này đến vậy. Sau khi lật đổ chế độ của Tổng thống Hosni Mubarak, quyền lãnh đạo Ai Cập đã thuộc về những người Hồi giáo và tổ chức “Anh em Hồi giáo” dòng Sunni trở thành lực lượng chính trị có ảnh hưởng lớn nhất tại quốc gia Bắc Phi này. Quan điểm của người ảrập Sunni đã được ứng cử viên tổng thống Ai Cập, cựu Tổng thư ký Liên đoàn Ảrập, Amr Moussa, nêu rất rõ rằng: “Trung Đông Arập sẽ không nằm dưới sự điều hành của Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ”.

Người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ai Cập hiện nay và là một trong những thủ lĩnh đảng Anh em Hồi giáo, Essam al-Arian, đã thẳng thừng ủng hộ việc quay lưng với Israel và thủ tiêu những lợi ích của Mỹ trong khu vực. Chính khách này cũng chống Iran mạnh mẽ. Theo giới quan sát, khi một thành viên cấp cao trong đảng Anh em Hồi giáo phát biểu như vậy thì đây cũng chính là chủ trương của lực lượng này.

Không những thế, tham vọng của Ai Cập trong mục tiêu hướng tới bá quyền Trung Đông còn thể hiện qua việc Cairo lôi kéo Hamas vào quỹ đạo của mình, qua thái độ thù địch đối với khối do Iran cầm đầu, đồng thời ủng hộ những người anh em Syria của họ trong cuộc cách mạng chống lại chính quyền thân Iran ở Damacus. Đảng Anh em Hồi giáo cũng ủng hộ Chính phủ Bahrain chống lại phe đối lập Shi’ite ở quốc gia này và còn thù địch với Hezbollah ở Lebanon.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng là quốc gia Hồi giáo có đa số dân theo dòng Sunni. Nhờ vào những thành tựu kinh tế, cùng vai trò hòa giải trong các cuộc xung đột khu vực, vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong thế giới ảrập những năm gần đây không ngừng được củng cố. Đặc biệt gần đây, Ankara được phương Tây quan tâm sau khi ủng hộ các phong trào biểu tình chống chính quyền trong khu vực. Bất chấp thái độ dè dặt trước đây, Ankara đang tiên phong trong việc kêu gọi đồng minh một thời của mình là Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức. Agnes Levallois, chuyên gia Trung Đông ở Parsi, nói: “Ankara sẽ can dự tới cùng (cuộc khủng hoảng ở Syria) cùng với cộng đồng quốc tế và Liên đoàn Ảrập”. Còn theo ông Paul Salem, Giám đốc Trung tâm Trung Đông Carnegie tại Beirus, “Mùa xuân Ảrập” đã khiến ảnh hưởng của nước ngoài giảm sút, nhường chỗ cho những nguồn nội lực và Trung Đông đang ngày càng trở nên “tự lực cánh sinh”.

Trong khi đó, người Hồi giáo dòng Shiite tại Trung Đông đang đối mặt với giai đoạn thoái trào. Năm qua đã trở thành thảm họa đối với chiến lược của Iran giành quyền lãnh đạo khu vực. Ngoài Syria, Bahrain và Iraq, nơi Tehran đang ủng hộ những lực lượng không còn mạnh nữa, Iran chỉ còn ảnh hưởng thực sự ở Lebanon. Mặc dù luôn tìm cách liên kết hai yếu tố là chủ nghĩa dân tộc Hồi giáo và đạo Hồi dòng Shi’ite để chứng minh mình là quốc gia phù hợp nhất với vai trò lãnh đạo tại Trung Đông, song Iran đang đối mặt với sự chia rẽ nội bộ sâu sắc giữa hai thế lực – Đại giáo chủ Ali Khamenei và Tổng thống đương nhiệm Mahmud Amadinejad. Điều này cũng là một trong những nhân tố làm Iran suy yếu.

Rõ ràng, Trung Đông đang trong một cuộc chiến tranh giành quyền lực mới với sự nổi lên của người Hồi giáo dòng Sunni và vai trò có phần thu hẹp của Iran.

Thành An