Nguy cơ bỏ ngỏ

Ngọc Quang
Theo EIU
25/02/2012 07:32

Phải thừa nhận những nỗ lực của các quốc gia Đông Nam Á trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố tiếp tục đạt được những tiến bộ. Một loạt phần tử khủng bố đã bị bắt giữ hoặc tiêu diệt, các biện pháp ngăn chặn nguy cơ khủng bố liên tiếp được gia cố. Tuy nhiên, những thành công đó chỉ có thể làm suy yếu các nhóm cực đoan mà chưa thể loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa này.

Umar Patek bị bắt tại thị trấn Abbottabad, nơi các lực lượng đặc biệt của Mỹ đã tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hồi tháng 5 năm ngoái. Tên này bị nghi là đã cài quả bom 700kg tại khu nghỉ dưỡng Kuta ở Bali, Indonesia làm 202 người chết, chủ yếu là du khách phương Tây. Phiên tòa xét xử kẻ tình nghi chính cuối cùng của vụ đánh bom tại Bali năm 2002 này đã bắt đầu từ ngày 13.2 tại Jakarta. Umar Patek có thể phải nhận án tử hình nếu bị buộc tội chủ ý giết người, sản xuất bom và các tội khác có liên quan đến vụ tấn công năm 2002, vụ tấn công chết chóc nhất tại Đông Nam Á. Umar Patek cũng bị cáo buộc thực hiện các vụ đánh bom nổ bên ngoài 5 nhà thờ ở Jakarta năm 2000.

Nguồn: reuters
Nguồn: reuters

Đó chỉ là một trong số những thành tựu mà Indonesia cũng như các nước Đông Nam Á khác làm được. Kể từ vụ đánh bom tại Bali, chính quyền Indonesia đã thực hiện một trong những chiến dịch chống khủng bố thành công nhất thế giới. Các cuộc điều tra do lực lượng tình báo dẫn đầu đã dẫn đến việc đơn vị cảnh sát chống khủng bố Densus 88 bắt giữ được hàng trăm chiến binh tình nghi. Những lãnh đạo đầu tiên của Jemaah Islamiyah (JI), từng là một mạng lưới khủng bố rộng lớn nhất khu vực, bị bắt hoặc bị tiêu diệt, những lãnh đạo kế nhiệm của nhóm này cũng bị xử lý tương tự. Tháng 11.2008, ba kẻ đánh bom chính tại Bali là Imam Samudra, Amrozi và Mukhlas đã bị xử bắn tại Bali. Noordin Top, lãnh đạo một nhóm cực đoan tách ra từ JI và đã thực hiện nhiều vụ tấn công quy mô lớn ở Indonesia trong giai đoạn 2003-2009, bị cảnh sát bắn chết tháng 9.2009. Abu Bakar Bashir, một nhà truyền giáo được cho là lãnh đạo tinh thần của JI, đã bị bỏ tù do kích động chủ nghĩa khủng bố.

Tại miền Nam Philippine, đầu tháng 2 vừa qua chính quyền cũng khẳng định đã tiêu diệt một lãnh đạo cao cấp khác của JI là Zulkifli bin Hir. Đại tá Marcelo Burgos, phát ngôn viên của quân đội Philippine nói Zulkifli bin Hir, còn được gọi là Marwan, là một trong số ít nhất 15 kẻ bị giết trong cuộc không kích do Mỹ hỗ trợ nhằm vào hòn đảo hẻo lánh Jolo ở miền Nam. Marwan, kẻ được Bộ Ngoại giao Mỹ treo thưởng 5 triệu USD trong chương trình Thưởng cho công lý, được cho là lãnh đạo nhóm phiến quân Kumpulun Mujahidin Malaysia. Bị tiêu diệt trong vụ tấn công trên còn có Umbra Jumdail, lãnh đạo cấp cao của nhóm Abu Sayyaf, và Abdullah Ali, một thành viên người Singapore của JI. Nếu được khẳng định bằng xét nghiệm ADN, ba cái chết này là một đòn đau đối với chủ nghĩa khủng bố tại Đông Nam Á.

Sau các vụ đánh bom tại Bali, nhiều nhân vật cấp cao của JI đã chạy trốn khỏi Indonesia đến các trại huấn luyện của Mặt trận tự do Hồi giáo Moro (MILF), một nhóm nổi dậy lớn ở miền Nam Philippine. Mặc dù các mối quan hệ giữa MILF và JI chưa bao giờ bị cắt đứt hoàn toàn, nhưng các trại của MILF ở đảo Mindanao đã ngày càng không mến khách trong khoảng thời gian từ giữa thập niên 2000 do nhóm này tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ. Thay vào đó, các lãnh đạo JI giao thiệp với Abu Sayyaf, một nhóm nhỏ có căn cứ ở quần đảo Sulu gần đó. Bản thân Umar Patek đã chạy đến Philippine trước khi về Pakistan. Quan hệ đồng minh giữa Abu Sayyaf, JI và nhóm đạo Cơ đốc cực đoan đã chuyển sang đạo Hồi- Phong trào Rajah Sulaiman và gây ra vụ tấn công chết chóc lớn thứ hai tại Đông Nam Á: vụ chìm phà chở người làm 116 người chết tại Manila năm 2004.

Các thành viên đơn vị chống khủng bố của Indonesia đang diễn tập Nguồn: CFR
Các thành viên đơn vị chống khủng bố của Indonesia đang diễn tập
Nguồn: CFR

Do chiến dịch chống khủng bố, JI dường như đã bị xóa bỏ hoàn toàn tại Indonesia. Nguy cơ xảy ra các vụ tấn công quy mô như vụ đánh bom 2002 hoặc tinh vi như các vụ tấn công sau đó tại Jakarta, như các vụ đánh bom liều chết vào khách sạn JW Marriott và Ritz-Carlton tháng 7.2009, hiện tại dường như là rất thấp. Tuy nhiên, là quá sớm để kết luận rằng Đông Nam Á hiện không còn chủ nghĩa khủng bố. Tại Indonesia, có hàng loạt các vụ tấn công quy mô nhỏ trong năm 2011, như vụ nổ tại một nhà thờ ở Surakarta, Trung Java, vụ đánh bom tại một trại cảnh sát ở Cirebon, Tây Java, và một vụ tấn công hụt một tháng sau đó tại một nhà thờ ở Tangerang, ngoại ô Jakarta.

Các vụ đánh bom trong năm qua thường được thực hiện bởi các nhóm nhỏ và hoạt động độc lập. Các vụ tấn công cũng dường như là nghiệp dư. Nhóm thực hiện vụ tấn công bất thành tại Tangerang thậm chí còn liên hệ với Al Jazeera, đài truyền hình tiếng Ảrập, để yêu cầu đài truyền hình này quay phim vụ tấn công. Kẻ tình nghi chính nói rằng hắn đã học cách làm bom bằng qua xem phim trên Youtube, một cách huấn luyện hoàn toàn khác so với các chuyên gia chất nổ của JI, những kẻ học kỹ năng của mình tại Afghanistan. Cũng có thể thời gian qua đi, các phần từ quá khích mới ở Indonesia sẽ giỏi lên, đặc biệt nếu chính quyền để những căng thẳng tôn giáo gia tăng, tạo ra môi trường để các nhóm theo đường lối cứng rắn có thể phát triển. Do đó, các vụ va chạm gần đây giữa người Cơ đốc và người Hồi giáo tại đảo Ambon là nguyên nhân cho lo ngại đó.

Ngọc Quang<BR>Theo <I>EIU</I>