Võ đoán ung thư (Phần cuối)
Truyện ngắn của Phan Cung Việt

23/02/2012 07:47

>> Võ đoán ung thư (Phần 1)

Kể thêm. Chị Mai, người Hoa kiều. Chị làm ở thư viện cơ quan tầng hai. Thú thực, từ đầu tôi không tài nào đoán được là chị bao nhiêu tuổi. Chỉ cảm thấy: đó là người đàn bà nửa Hoa nửa Việt, già hơn người già, trẻ hơn người trẻ. Tác nhân sợ của người đàn bà này thì đủ thứ. Thật thương cảm. Nếu không muốn nói là thương tâm. Có vấn đề lý lịch gia tộc. Có đàn ông và đàn bà. Có khỏe mạnh và bệnh tật... Thảy đè nặng lên người đàn bà da bủng, mặt phù, môi tái. Chị Mai làm công đoàn. Công đoàn là làm cái khoản chấm công, giờ giấc. Anh Tiến sợ chị “Mai bủng” ở điều này. Được cái, chị Mai là người nghiêm chỉnh trong mọi việc. Hai chân chị bị thấp, tập tễnh như chân người máy, nhưng sáng nào chị cũng đến cơ quan sớm nhất. Sợ muộn giờ, hình như hôm nào chị cũng kéo bộ. Chị bước lên cầu thang gác hai thư viện thật khó khăn. Bước lên được một bậc, cảm như mệt và lâu hơn lên một bậc lương. Chị chúi xuống như một cánh chim tàn, như con gà mạ rù. Chị sợ sệt và hổn hển suốt cả một đời...

Kể thêm về họa sĩ Đặng. Anh là họa sĩ trình bày báo trong nhiều năm. Từ tuổi thanh niên cho đến khi chết. Người nghệ sĩ này da ngăm, hình cá trắm. Dáng là khỏe, là cứng nhưng chẳng hiểu về xã hội hay tử vi, lại hóa ra kẻ sợ sệt. Sợ từ bên trong. Hay nói lớn nhưng âm lượng thì rung. Mắt quắc bực bội nhưng trong mắt lại đầy ngấn nước. Tình duyên tuổi trẻ của anh họa sĩ này cũng từ một tác nhân sợ ghê gớm. Qua bao tình duyên gẫy vụn như nét vẽ, cuối cùng anh lấy chị Hạ. Chị Hạ là vợ bộ đội. Trên đường đời, anh Đặng gặp một cảnh đánh vào cái sự thổn thức của anh kinh khủng. Chồng chết, đơn vị tin cho chị Hạ tìm lên thì anh chồng đã được chôn cất từ một, hai tuần trước. Người đàn bà thương chồng tên là Hạ thật to gan, tự tay bới mồ chồng lên để được nhìn mặt chồng. Để được vĩnh biệt chồng. Một sự vĩnh biệt gây thương cảm rợn tóc gáy, thật vào loại hiếm trong cuộc đời. Họa sĩ Đặng khắc hình ảnh người đàn bà đầu bịt khăn trắng tự tay bới mộ chồng vào tim mình. Điều đó đánh mạnh vào tâm linh yểu tướng của anh. Anh lấy chị Hạ làm vợ.

Võ đoán ung thư (Phần cuối)<BR><I>Truyện ngắn của Phan Cung Việt</I> ảnh 1
Minh họa của Thanh Huyền

Gia đình anh về sau ổn định. Chỉ có công việc và sự nghiệp của anh thì dang dở quá. Anh làm ra bộ to gan, nhưng thực tế thì sợ thủ trưởng và cơ chế của ông ta như cọp. Ông này dốt nhưng anh chỉ cầu mong sản phẩm của mình làm ra, chỉ cần được đến tay ông này duyệt thì dù có hỏng bét, anh cũng yên lòng. Sự sợ sệt quá đáng cuối cùng chỉ biết dựa vào đức tin mù quáng. Tin vào cái dốt và xấu. Trường hợp họa sĩ Đặng đáng thương và đáng trách ở chỗ ấy...

Chuyện đến đây bước vào phần chính. Anh Tiến, anh Quân, chị Mai, họa sĩ Đặng cuối cùng nối nhau bị ung thư mà chết. Lạ thật, toàn chết về ung thư, mà phần lớn là ung thư gan. Cái chết của ung thư gan thật dai dẳng. Ban đầu, mệt nhẹ, rồi mệt thật. Ban đầu, điều trị thuốc tây ở nhà, tưởng là khỏi. Sau, điều trị sang thuốc nam một thời gian, tưởng là khỏi. Người rộc dần. Da chuyển màu nghệ dần. Bước đến một giai đoạn hoang mang, thần hồn nát thần tính, uống thuốc bùa vô tội vạ. Tức là từ “thuốc dương” sang “thuốc âm”. Thậm chí thờ cúng vụng trộm. Kẻ ung thư, do yếu tâm linh, quật dậy, tự cho là mình khỏe hẳn, đến cơ quan đi làm. Bắt tay đủ mọi người. Thực ra đó là ma bắt tay. Đòi một vài chế độ như lên lương, chia nhà, phân xe, đề bạt, đi nước ngoài, v.v... Đó thực ra là ma đòi quyền lợi nhân gian của mình. Được mấy hôm như vậy thì gục xuống, không đến cơ quan được nữa. Gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu, chừng một tuần sau thì chết...

Quãng tuần lễ trước khi chết, họ phải chịu mọi can thiệp y tế. Quãng này y học không tiếc gì với họ. Thường được thử sinh thiết, được chọc, được mổ. Mổ ra rồi đóng lại. Họ vẫn thở. Những ngày này mắt họ sáng lạ thường. Họ nhìn chằm chằm vào người thân bên cạnh. Họ khao khát gặp tri âm hơn là người thân ruột thịt trong gia đình. Thấy bóng tri âm đến, có khi họ bật dậy, nhưng yếu quá, lại gục xuống. Đó thường là ngày tận số. Trừ chị Mai là đàn bà. Còn các anh Tiến, anh Quân, anh Đặng... trước ngày họ chết, tôi đều có mặt và đưa tay sờ vuốt lên ngực tử thi. Anh Tiến thấy tôi thì vùng dậy rồi gục xuống. Anh Đặng thấy tôi thì muốn đưa hai tay ôm lấy đầu tôi, như để hôn. Thường họ chết về đêm, khi sương xuống thật lạnh. Khi đưa tay sờ vuốt lên bụng họ như một bãi đất hoang phế, tôi thấy nổi lên những u lổn nhổn, thậm chí như một nấm mồ trên bụng họ nơi vết mổ, dồn lên về phía ngực một chút. Dưới tay là khối u hoang lạnh đến khủng khiếp.

Những ngày trước khi phát hiện ra người thân mắc chứng ung thư, người ta nháo lên về u ác u lành. Ôi, cái tiếng “U” trong cuộc đời, nó thật đa thanh, đa nghĩa, đa hình đến lạ lùng. “U ơi”… đó là tiếng gọi mẹ. U buồn. Buồn quá, uất quá đến mức thành u. Sợ và uất, là hai tác nhân làm cho khối u lớn nhanh đến khủng khiếp. Lớn thành mô đất thành nấm mồ. Những nỗi ấy làm cho lá gan khô héo. Ung thư đáng sợ vì nó chứa trong mình đầy những tác nhân sợ. Người sợ người. Dương sợ âm. Mình sợ chính mình. Nhân gian sợ ma quỷ. Có khi cả thể chế truyền cho nhau nỗi sợ sệt. Như anh Quân, anh Tiến, họa sĩ Đặng. Tôi mù tịt về y học. Nhưng tôi võ đoán nguyên nhân chính gây ung thư là như vậy. Tỉ lệ tử vong vì ung thư ngày một tăng cũng vì như vậy.

Phần chính của truyện, coi như đã xong, xin nói tản ra một chút. Tác nhân gây ung thư do sự sợ sệt ám ảnh, gây nên u xơ, u uất, u ác, theo võ đoán của tôi là như vậy. Còn các chứng bệnh khác, như sỏi thận, sỏi mật, sỏi bàng quang… thì thế nào. Tôi tìm đường lên khu điện thờ có nhà luyện khí công nổi tiếng phía Hồ Tây. Điện thờ khuất sau mấy chùm rễ si chỗ bờ lở, gợi một sự u tịch tuyệt đối. Nhân duyên gặp Thầy, tôi thưa: “Nỗi sợ truyền kiếp thì sinh nan chứng ung thư. Còn như ngược lại, chẳng sợ gì cả, thì sao ạ?” Tiếng đáp giọng thổ vọng sau khói hương và rễ si mờ tỏ: “Thì kết thành đá sỏi, trong cơ thể”. Tôi sợ quá, vã mồ hôi như ai vừa nhúng dưới hồ lên…

Trở lại một chút về những ngày gian khó chúng tôi ở trên cái “chuồng chim” sát mái ngói bên những sọ người. Đến duyên, chị Phương chị Hảo đi lấy chồng. Từ một, sinh sôi nẩy nở thành tổ ấm. Anh Tiến hồi ấy, tấm áo bộ đội bạc màu, hàm răng ám khói thuốc luôn cười trên gương mặt đen xỉn, pha chút vàng nghệ, vẫn đi lại quen biết với gia đình. Đại gia chúng tôi có cháu đầu, sinh giờ Dậu, tuổi Gà, con trai, đặt tên là Nhật Nam. Vợ anh Tiến sinh con thứ hai, con gái, cùng ngày, cùng tuổi Gà, chỉ trước hai tiếng đồng hồ. Tên cháu là Thủy Khanh. Gặp tôi giữa đường đi làm, anh Tiến cười hề hề, khoe điều đó. Theo tôi, rất may là ung thư không có “gien” di truyền. Hình như sự khiếp sợ quá đáng không có “gien” di truyền. Bố sợ sệt, nhưng đến đời con cháu to gan lớn mật. Cháu Nhật Nam lớn lên trên tấm thép và sọ người, vậy mà cháu khác với đại gia chúng tôi hay sợ sệt truyền kiếp, nó không hề biết sợ. Hồi bé, nó đem cả sọ dừa ra chơi, nhăn răng cười với sọ dừa. Nhìn sâu róm, người lớn còn sợ, vậy mà nó dám dùng tay bắt. Lớn lên, nó học giỏi, được đi du học ngành y, giờ làm ăn tung hoành ở nước ngoài, không có “gien” sợ. Còn cháu Thủy Khanh, sau khi anh Tiến chết vì ung thư, ở với mẹ, đi học, đi làm. Nó đẹp như một hoa hậu. Nó cũng không có “gien” sợ như bố Tiến. Mắt to, nhìn thẳng, tóc võng lên như một minh tinh màn bạc. Hôm mẹ tôi mất, trong nhà liệm xác lạnh lẽo, chỉ nó là người duy nhất cúi xuống hôn một cái lên gương mặt lạnh lẽo của người chết, như một nghĩa cử đưa tiễn xúc cảm và táo tợn. Nghĩa cử của một cô gái đẹp xứ này, vượt lên nỗi sợ truyền kiếp, vượt lên tử thần, vượt lên mọi chứng nan y. Như ung thư chẳng hạn. Hãy tin ở tương lai.