Chiếc ấm dọt của ông Bựu

Vân Đình Hùng 14/02/2012 07:58

Hôm nhà có khách, cháu lớn nhà tôi lỡ tay đánh rơi chiếc ấm pha trà bằng sứ Giang Tây mỏng tang. Cu cậu sợ lắm. Tôi không nói gì, lẳng lặng mở cái hòm gian, lấy ra một cái ấm dọt bằng nhôm cũ kỹ đặt lọt trong cái giỏ ấm gò bằng tôn hoa đã ngả màu, được bọc cẩn thận trong mấy lần túi ni lông. Sau khi tráng rửa sạch sẽ, tôi pha trà mời khách. Chén trà rót từ cái ấm nhôm dọt, khói bốc mùi trà cốm Tân Cương vừa nức vừa ngầy ngậy.

Nhấp một ngụm trà nóng, nước trà thì lăn xuống, hương trà cốm bốc lên mũi, lên óc thật sảng khoái. Tôi chậm rãi kể cho ông bạn nghe: chiếc ấm dọt này là của ông Bựu, ông thợ gò, thợ thiếc ở góc chợ quê tôi. Khi ông qua đời, bà không dùng nó hãm chè nữa mà cất đi, như cất một báu vật gia truyền. Rồi tôi được  bà vợ của ông giao lại chiếc ấm, khi bà đã gần đất xa trời. Thế mà đã gần bốn mươi năm rồi...

Chiếc ấm dọt của ông Bựu ảnh 1
Minh họa của K.Long

Hồi đó tôi là cậu bé học lớp sáu trường làng, người nhỏ thó nhưng mà nhanh lắm, bàn tay búp măng, trắng nhễ trắng nhại. Ông Bựu có lần bảo tôi: Bàn tay này làm thợ thiếc là hợp, bàn tay dáng thon nhỏ ắt phải khéo léo, các khớp tay chắc phải hoạt lắm đây...

Tan học, ăn cơm trưa xong, tôi hay sang nhà ông Bựu ngồi xem ông gò thùng, hàn chậu, hàn nồi thủng. Những cái nồi nhôm, nồi đồng thủng được ông vá bằng các miếng đồng, hoặc nhôm cắt chân rết, cài vào lỗ thủng được sửa tròn xoe, rồi ông gõ nhẹ, tán chúng vào nhau, cuối cùng là lớp nhựa lá khoai được chà xát kỹ. Xong mọi việc ông đổ nước ngâm để xem còn rò rỉ nữa không. Những lần như thế, tôi chưa thấy ông phải làm lại bao giờ.

Ông Bựu có đôi bàn tay thon, rất khéo. Khi ông cắt các miếng tôn, miếng nhôm hình tròn, cái miệng ông cũng tròn theo đường kéo, khi cắt xong, miệng ông giãn ra hài lòng.

Tôi nhớ nhất cái đận ông gò chiếc ấm pha trà bằng nhôm. Đó là vào vụ gặt, vắng khách lắm, người ta tập trung cả ở ngoài đồng, chẳng ai gò thùng, vá nồi gì cả.
Ông chăm chú nhìn, ngắm, lật qua lật lại tấm nhôm dày, mềm, cũ kỹ. Đầu tiên, ông đục một cái lỗ nhỏ bằng ngón tay út của tôi, rồi ông xỏ vào đấy một cây sắt nhọn đầu vê tròn đều đặn. Cái búa của ông bắt đầu chí chát nhè nhẹ dọt vào tấm nhôm. Một lúc sau, tấm nhôm đã trũng xuống như cái phễu, rồi cái vòi ấm dần dần hình thành, mỗi nhát búa nhẹ, đều, để lại vệt nhỏ tròn, tăm tắp như lớp vảy cá.

Tay kê, tay dọt, lúc thì dùng thanh sắt nhọn làm cốt, lúc thì dùng một đoạn thân cây ổi găng có một nhánh cây chòi ra nghiêng như cái vòi ấm. Khi ông uốn cái vòi ấm mới thần tình. Ông xỏ từ trên xuống một đoạn song nhỏ, phía cuống vòi ấm là đoạn thân cây ổi có nhánh cành cộc, ông từ từ bẻ cong đoạn song, cái vòi ấm cong theo, không bị bẹp chỗ nào. Cái búa nhỏ vẫn nhè nhẹ gõ giữ nhịp đều đặn. Đã vừa ý, ông rút thân cây ổi ra trước, gõ nhẹ đoạn song tụt xuống phía dưới, cái vòi ấm cong đã được định hình. Uốn xong cái vòi ấm, ông nghỉ tay để tự thưởng cho mình một điếu thuốc lào, khói thở ra như đám mây, gặp gió bốc mùi hăng hăng. Mắt lim dim, nhìn cái vòi ấm vừa gò qua khói thuốc, ông chiêu một chén trà nóng, bà vừa hãm trong cái giỏ tích cũ. Vị trà xanh vò kỹ, chát ngọt, ông chiếp giọng để tận hưởng hết các cảm giác đang bò lên từ mọi phía.

Bà Bựu người Thủy Nguyên, Hải Phòng, có giọng lẩy Kiều như gió thoảng, mây sa. Lúc thì ứ hự nhè nhẹ, lúc thì nghẹn lại, bất chợt cất lên chênh chênh.

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài...

Hôm sau tôi đến, đúng lúc ông hết khách. Ông lại bắt tay để gò tiếp cái ấm dở dang. Cái thân ấm tròn còn lại quá dễ với người có tay nghề như ông. Hình trụ tròn xoay, bụng ấm được gò phình ra như bà chửa, miệng ấm được thu lại tròn đều, gờ cao chừng nửa đốt ngón tay. Chỗ thừa của miếng nhôm được cắt khéo léo. Tôi nhìn không chớp mắt vào các thao tác của ông và được chứng kiến cái ấm dọt hình thành như thế nào. Thế là phần thô của cái ấm đã xong.

Sau đó ông lấy lá duối già chuốt thật kỹ các vết kéo và xung quanh miệng ấm, nắp ấm đậy vừa khéo, khít lắm. Cái ấm dọt được ông đặt cẩn thận lên cái tíu bằng gỗ gụ, nghển cổ nhìn quanh nhà, lạ hoắc. Ông còn làm thêm một cái giỏ ấm bằng tôn hoa hình trụ, đáy là hình bầu dục, bên trong lót bông gòn tháng ba của mấy cây gạo già ở đầu làng bay xuống. Tôi đã giúp ông gom số bông gòn đó.

Hồi nhỏ tôi chưa biết thưởng thức và phân biệt được hương vị của các loại trà. Nhưng khi cái ấm dọt làm xong, pha ấm trà đầu tiên, tôi cũng được ông cho uống một chén. Bà Bựu vừa đun siêu nước mưa để pha trà, từ dưới bếp lên, má đỏ như đánh son. Chiết nước vào ấm vừa khéo, bà ngồi thần mặt và bật ra câu Kiều nghe mà chạnh lòng:

Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

Không biết câu Kiều có vận vào ông bà không, mà khi ông sáu mươi nhăm, ông đã trốn bà đi trước. Hai năm sau, bà cũng theo để hầu hạ ông cho phải phép. 

Chuyện cái ấm dọt ông Bựu nó thế đấy ông ạ! Ông bạn tôi không nói gì, mắt nhìn vào xa xăm, tay nâng chén trà nhấp một ngụm. Mây tháng giêng trắng loãng bay chầm chậm. Hoa đào muộn khoe sắc hồng e ấp. Dáng cây đào thế rồng chầu uốn vụng về. Bạn tôi cùng đơn vị với con trai ông Bựu. Hồi phục viên anh ấy được đi học nước ngoài. Xuân này cũng chưa thấy về thành thử ban thờ ông bà Bựu không có người hương khói. Tôi dẫn bạn lên nhà ông thợ gò thắp mấy nén hương. Người ta bảo thật tâm hương sẽ bay ngược chiều gió. Bất giác tôi thấy đám khói hương ấy hình như đang bay ngược về miền ký ức. Hay là tôi mơ nhỉ.

Vân Đình Hùng