Kinh tế thế giới có thật khủng hoảng không?
Báo giới hiện nay ra sức than vãn, kinh tế thế giới đang lâm vào khủng hoảng, từ khủng hoảng nợ châu Âu tới cuộc biểu tình “Chiếm lấy phố Wall” tại Mỹ và lạm phát phi mã của nhiều nước khác… Nhưng thực sự, kinh tế toàn cầu không khủng hoảng mà nó chỉ đang nằm ở khoảng giữa của những ổn định? Tại sao lại như vậy?
![]() |
Chắc chắn, châu Âu vẫn đang loay hoay tìm phao cứu sinh để thoát khỏi trận đại hồng thủy tiền tệ có khả năng tàn phá tất cả nền kinh tế châu lục. Mỹ vẫn đang phải chịu đựng tỷ lệ đói nghèo cao nhất trong vòng nửa thế kỷ qua… Tất cả có thể làm sống dậy một từ xấu xí trong từ điển kinh tế đó là lạm phát đình trệ (tình trạng lạm phát tiền tệ mà không có tăng nhu cầu và công ăn việc làm một cách tương ứng trong kinh doanh).
Nhưng trong bài viết của tác giả Doug Saunders trên Globe and Mail, những rắc rối nói trên khó có thể nói là tạo nên “khủng hoảng toàn cầu”. Nếu bạn sống ở Sao Paulo, Moscow, Mumbai, Thượng Hải, Mexico City, Jakarta, Istanbul, Johannesburg hay một số các trung tâm khác tại 3/4 khu vực phía đông và phía nam của trái đất, thì đất nước của bạn chẳng phải trải qua bất kỳ một đảo lộn quá ghê gớm nào ngoài một vài tháng khó khăn trong những năm 2008, 2009. Trên thực tế, phần lớn những nơi đó dù ít dù nhiều còn chứng kiến sự bùng nổ.
Nếu quan sát thế giới kỹ hơn qua ống kính của tăng trưởng kinh tế, bạn có thể vẽ một bức tranh tái cân bằng đối xứng khá chặt chẽ. Jim O’Neill, Chủ tịch Goldman Sachs Asset Management cho biết, khi ông đi du lịch khắp thế giới, đâu đâu cũng nghe thấy chuyện Hy Lạp và bóng đen của nó lên châu Âu. Nhưng Trung Quốc, với mức tăng trưởng cả nghìn USD GDP mỗi năm, đang thực sự tạo ra một Hy Lạp mới sau mỗi bốn tháng. Điều gì sẽ xảy ra với những nước này thậm chí còn quan trọng hơn bất cứ điều gì đang diễn ra ở châu Âu.
Tăng trưởng trong bốn quốc gia thuộc nhóm BRIC đã vượt qua tất cả các dự báo trước đây của ông Jim. Mexico, Hàn Quốc, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ đã vận hành kinh tế tốt như nhau và một số nền kinh tế trong tiểu vùng Sahara châu Phi đã phát triển với một tốc độ kỷ lục… Thậm chí, châu Âu còn cần sự trợ giúp của Trung Quốc để vượt qua cơn bĩ cực kinh tế. Từ đó, người ta hoàn toàn có thể tưởng tượng ra rằng thế giới không khủng hoảng mà chỉ đơn giản là tự đảo ngược.
Nhưng điều gì thực sự đang xảy ra? Chúng ta cần nhìn thẳng vào phép ẩn dụ của mình. Thế giới không phải là một hồ bơi cố định của sự thịnh vượng mà chỉ đơn giản là nơi mà người ta phải lội bì bõm ở phía đông và phía nam địa cầu, trong khi để lại phương Tây ở chỗ cạn. Cũng chẳng có cái thang vàng nào đưa tỷ người nghèo nhất của thế giới từ những túp lều tranh lên trực tiếp những tòa tháp chung cư mà không xảy ra xung đột giữa hai bên.
Trong thực tế, cái thang có xuất hiện, nếu nhìn vượt qua những cách tính đơn giản của GDP và thay vào đó tập trung vào cuộc sống và ngân quỹ của những gia đình vừa thoát nghèo, bạn sẽ thấy rất nhiều nước đã đạt được bước tiến kỳ diệu và sắp đạt được như BRIC
Công bằng mà nói, thế giới hiện nay đang trong mớ hỗn độn giữa giai đoạn. Trước đây, chúng ta đã phải sống hàng thập kỷ trong sự ổn định của bất bình đẳng. Phương Tây tiêu thụ, phương Đông sản xuất và phương Nam chẳng làm gì cả. Phương Tây đã xuất hiện tình trạng dân số đô thị không phát triển, phương Đông và phương Nam lại có dân số nông thôn phát triển nhanh. Phần lớn lương thực được sản xuất ở một vài khu vực đã phát triển cao và phương Đông lẫn phương Nam chỉ có thể nuôi sống bản thân, nhiều khi phải nhập khẩu lương thực.
Một ngày nào đó, chúng ta sẽ tìm ra một sự ổn định công bằng hơn khi mà phương Tây, phương Đông và phương Nam đều tăng mức tiêu thụ trong nước và là các nền kinh tế tiêu dùng. Khi đó, tất cả sẽ được đô thị hóa, có dân số ổn định và khi đất nông nghiệp ở châu Á và châu Phi được sử dụng để sản xuất thực phẩm để bán chứ không phải chỉ dùng cho người nhà. Chúng ta hiện đang ở giữa những ổn định đó.
Những yếu tố nói trên thực tế đang thay đổi với những tốc độ khác nhau nên đã dẫn đến xung đột. Trung Quốc, Nga và Brazil được đô thị hóa với dân số ổn định, nhưng không có tiêu thụ nhiều trong nước vì lương thấp và nền kinh tế của họ dựa vào thu nhập ngoại hối. Ấn Độ có một nền kinh tế nội địa, nhưng vẫn là nước nông nghiệp với dân số quá đông và sản xuất chỉ đủ một nửa lương thực cần thiết. Bất bình đẳng giới tính cũng đang là rào cản tiến bộ ở nước này. Tăng trưởng của châu Phi và những cải thiện về mặt nhân khẩu học của châu Phi được thúc đẩy nhờ những phát triển của nông nghiệp và tài nguyên, nhưng châu Phi lại thiếu tốc độ tăng trưởng kinh tế đô thị và nền kinh tế tiêu dùng.
Khi các nước va vào những bức tường nói trên, căng thẳng sẽ xảy ra qua những cuộc đình công, biểu tình. Và những sự kiện đó, chứ không phải GDP mới là chỉ số quan trọng để quyết định sức khỏe của nền kinh tế.