Hiệu quả từ một dự án xóa nghèo ở Bến Tre
Giống như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, mảnh đất quê hương của phong trào Đồng Khởi được bồi đắp bởi nguồn phù sa màu mỡ, thêm vào đó là vị trí thuận tiện thông thương với các trung tâm kinh tế lớn như TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Tận dụng những lợi thế ấy, trong những năm qua, dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn tỉnh Bến Tre (DBRP) đã triển khai nhiều chương trình hiệu quả, giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Những con đường kết nối giao thông
Một ngày làm việc của các cán bộ Ban Quản lý dự án phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn tỉnh Bến Tre gọi tắt là DBRP-Bến Tre rất bận rộn. Có lẽ do công việc quản lý và điều phối một dự án hơn 50 triệu USD trải trên một địa bàn rộng đã khiến Ban Quản lý dự án DBRP-Bến Tre như một cỗ máy luôn hoạt động hết công suất.
Cán bộ phòng Hạ tầng kinh tế nông thôn của Ban quản lý dự án DBRP-Bến Tre thường xuyên phải xuống giám sát, hỗ trợ cán bộ xã làm hồ sơ dự án cho những công trình xây dựng, do dự án tài trợ theo nguồn vốn Quỹ đầu tư cấp xã. Công việc khá khó khăn, bởi các cán bộ xã chưa đủ năng lực quản lý dự án. Trong những lần thực địa, nhiệm vụ của các cán bộ dự án là phải kiểm tra chất lượng và hiệu quả một số công trình, trong đó có đường Tân Thiện. Con đường này được làm theo mô hình giao khoán cho người dân tự thực hiện không qua đấu thầu theo hồ sơ dự án của DBRP-Bến Tre. Mọi công đoạn từ thi công, tư vấn giám sát đều do người dân địa phương tự tổ chức. Hơn nữa, công trình được giám sát cộng đồng. Nhờ tinh thần làm đường cho chính mình nên chất lượng tốt, giá thành hạ và không phải nộp thuế.
Nằm trong khuôn khổ của dự án là một con đường liên xã khác dài 1.000m, hoàn thành sau 2 tháng thi công với số vốn gần 400 triệu đồng, bao gồm cả đóng góp của người dân. Con đường này được làm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của 600 hộ dân cả 3 xã xung quanh. Điển hình như cơ sở sản xuất mặt hàng mỹ nghệ của ông Nguyễn Văn Đông, xã Thanh Tân, Mỏ Cày Bắc, Bến Tre, thành lập từ năm 2002. Tuy chỉ là một cơ sở vệ tinh tại địa phương của công ty xuất khẩu lớn, nhưng vào dịp cao điểm, có ngày cơ sở của ông Đông vận chuyển hàng trăm chuyến hàng ngược xuôi. Ông Nguyễn Văn Đông hồ hởi chia sẻ: Trước đây tôi vận chuyển bằng đường thủy. Từ khi có chương trình IFAD hỗ trợ cho con lộ, tôi đi giao hàng dễ dàng. Nhờ có IFAD bà con vận chuyển, bán được hàng có giá, làm ăn, đi lại thuận tiện. Sự thuận tiện của con đường đã giúp cơ sở giảm bớt thời gian, nhân công vận chuyển và giảm chi phí sản phẩm. Điều đó phần nào giúp cơ sở nhận thêm nhiều đơn đặt hàng, doanh thu liên tục tăng.
Tuy không thể so sánh với những tuyến giao thông huyết mạch cấp huyện, tỉnh về quy mô, tầm vóc, nhưng con đường chính là miếng ghép cuối cùng giúp khu vực này kết nối với mạng lưới giao thông bên ngoài.
Chưa ai đặt tên cho những con đường. Nhưng người dân địa phương vẫn gọi là Con đường IFAD.
Khởi động vào đầu năm 2008, Dự án DBRP-Bến Tre đã mang lại lợi ích thiết thực nhờ những bước tiếp cận sáng tạo và đầu tư đúng hướng. Dự án đầu tư xây dựng nhiều hệ thống giao thông nông thôn với những tuyến đường liên ấp, liên xã, những công trình trị giá vài trăm triệu đến 2 tỷ đồng, nhiều công trình đã phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương.
Thêm nghề mới
Cũng như nhiều lao động phổ thông tại địa phương, chị Phạm Thị Duyên được tham gia lớp tập huấn làm sản phẩm thủ công của dự án DBRP-Bến Tre. Chị và nhiều bà con có thêm một nghề mới là đan giỏ lục bình làm hàng xuất khẩu. Được hướng dẫn cách làm, bây giờ mặt hàng gì cũng làm được - chị Duyên phấn khởi chia sẻ.
Chính công việc làm thủ công đã trở thành cái phao cứu sinh và khơi lên niềm hy vọng cho các hộ gia đình. Hiện nay có hộ đã làm được nhiều mẫu mã mới, thu nhập đạt hơn 1 triệu đồng một tháng. Cuộc sống của người dân khá dần lên, có cơ hội thoát nghèo.
Dự án đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Bến Tre tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn dạy nghề cho người lao động tại địa phương theo phương châm Thúc đẩy người nghèo tại vùng nông thôn vượt lên khó khăn, giúp họ thoát nghèo bền vững. 300 lao động tại xã Thanh Tân được tham gia tập huấn nghề.
Dựa vào thế mạnh của địa phương, dự án DBRP – Bến Tre còn hỗ trợ nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt mới như nuôi gà thả, trang trại trồng lạc, củ đậu. Dự án giúp người nghèo được tiếp cận nguồn vốn, được đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ từ đầu vào đến khâu cuối cùng của chuỗi sản phẩm. Nhờ đó, không chỉ tạo thêm việc làm cho người nghèo, mà còn mở rộng và phát triển thị trường phục vụ người nghèo.
Dự án DBPR - Bến Tre nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa chính phủ Việt Nam và Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD). Thời gian triển khai 2008-2013 Tổng vốn: 24,2 triệu USD, trong đó IFAD tài trợ 17,8 triệu USD, phần còn lại là vốn hỗ trợ kỹ thuật, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam và đóng góp của người thụ hưởng. Dự án thực hiện tại 50 xã nghèo của 7 huyện, tỉnh Bến Tre. Các hợp phần chính: Cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; Phát triển dịch vụ kinh doanh nông thôn; Mở rộng cơ hội thị trường cho người nghèo và Quản lý Dự án. |