Khó có thể chờ đợi những gì khác hơn thế để xây dựng cơ đồ Việt Nam ngày một thêm rạng rỡ
Tôi đã sống những ngày đẹp đẽ và ngổn ngang của đất nước và mong muốn cuộc đời này của dân ta tươi sáng hơn. Nghị quyết 4 của Đại hội Đảng Khóa XI thật sự có hy vọng cho cuộc đời… ĐBQH, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM, TSKH, HÒA THƯỢNG THÍCH CHƠN THIỆN đã nói với cặp mắt sáng long lanh, ở đức chân tu ấy người ta dễ thấy sự hòa hợp của tinh hoa phật giáo với tinh hoa của một đất nước khải hoàn qua nhiều đau thương.
PV: Thưa Hòa thượng, để không phạm thượng và tránh hiểu lầm, xin được nói trước là tôi xuất thân từ giai cấp vô sản, về mặt lý thuyết tôi là người không có tài sản. Cái phải có là lý tưởng cộng sản, là luận thuyết của chủ nghĩa Marx về một giai cấp phải vứt bỏ gông xiềng khoác trên cổ mình do phong kiến và thực dân… Còn người tu hành Phật giáo như Thầy, tôi có thể hiểu thế này được không, dứt khoát cũng là người vô sản – tài sản lớn nhất của người chân tu là giáo lý Phật giáo một đời theo đuổi?
HÒA THƯỢNG THÍCH CHƠN THIỆN: Chủ nghĩa Cộng sản là học thuyết bàn về những điều kiện giải phóng giai cấp vô sản.
Giai cấp vô sản là một giai cấp xã hội hoàn toàn chỉ sống dựa vào việc bán lao động của mình, chứ không phải sống dựa vào lợi nhuận của bất cứ số tư bản nào, đó là giai cấp mà hạnh phúc và đau khổ, sống và chết, toàn bộ sự sống còn của họ đều phụ thuộc vào yêu cầu về lao động, tức là vào tình hình chuyển biến tốt hay xấu của công việc làm ăn, vào sự biến động của cuộc cạnh tranh không gì ngăn cản nổi. Nói tóm lại, giai cấp vô sản hay giai cấp của những người vô sản là giai cấp lao động trong thế kỷ XIX.
Theo đó, thoạt đầu giai cấp vô sản là chỉ giai cấp công nhân ở xã hội châu Âu thế kỷ XIX. Sau đó mở rộng đến giai cấp nông dân – các bần cố nông – đông đảo ở các nước Á, Phi. Đấy là giai cấp bị giới tư bản, giai cấp tư sản chèn ép, bóc lột sức lao động, bị buộc phải phục vụ cho quyền lợi của giớái tư bản, giai cấp tư sản.
Chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa đấu tranh để giải phóng cho đại đa số nhân loại thuộc giai cấp vô sản thoát khỏi sự bất công, áp bức do giới tư bản, tư sản gây ra, thiết lập lại sự công bằng xã hội.
Ở đây, con người của thời đại chúng ta rút ra được một số nhận định:
Cái nhìn của Các Mác – Ăng ghen rất đúng với xã hội châu Âu thế kỷ thứ XIX.
Thực chất của cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp vô sản là tháo gỡ xiềng xích nô lệ lao động của giai cấp vô sản vì phải phục vụ quyền lợi của giớái tư bản.
Ngày nay, thế giới đã đi vào kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế, thương mại của khu vực và toàn cầu, đã đổi khác rất nhiều. Ở Việt Nam, nhu cầu của đất nước là thực hiện đại đoàn kết dân tộc, làm bung dậy sức mạnh của toàn dân tộc để phát triển, và để vĩnh viễn cởi bỏ vòng xiềng xích nô lệ ngoại bang; nay đang chuẩn bị đi vào thời kỳ kinh tế thị trường của công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ năm 2020, nên chỉ giữ lại tinh thần giải phóng giai cấp vô sản, nghèo khó (công – nông) như là điểm mục tiêu hướng đến theo phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” mà sinh thời (từ năm 1946) Hồ Chủ tịch đã vạch ra. Cuộc sống biến chuyển rất nhanh, nên con đường thực hiện công bằng xã hội và đại đoàn kết dân tộc do đó mà linh động đổi thay. Đấy là trí tuệ của dân tộc Việt Nam, đấy là ý nghĩa định hướng XHCN Việt Nam.
Về phía nhà Phật, dưới thời Đức Phật tại thế, Đức Phật đã mở ra con đường giải phóng nhân loại thoát khỏi mọi nỗi khổ đau do tham, sân, si gây ra cho cá nhân và cộng đồng, giải thoát nỗi khổ đau của sinh tử. Giáo hội Ngài cần đào tạo một đội ngũ, Tăng sĩ đông đảo để học tập giáo lý, thực hành giáo lý và thuyết pháp độ sinh. Tất cả thời gian đều tập trung vào đó. Các Tăng sĩ, tài sản chỉ có một bình bát và ba y để khất thực (xin ăn): một bên người đời cung cấp lương thực, chỗ ở, y – áo, thuốc men, một bên Tăng sĩ thì học đạo, hành đạo và giới thiệu đạo đến với đời, rất công bằng. Họ là các chiến sĩ giải thoát và giải thoát cho đời, mở ra nguồn hạnh phúc bất tận từ tâm thức. Ở một ý nghĩa, họ thực sự là giai cấp vô sản tự nguyện.
Để hạnh phúc và để mở rộng trí tuệ, từ bi, nhân dân Việt Nam có thể rút tỉa được nhiều bài học quý giá từ Các Mác – Ăng ghen và từ Phật giáo để xây dựng nền văn hóa Việt Nam XHCN.
PV: Có thể phải làm rõ Marx nguyên thủy và Đức Phật Như Lai. Làm rõ vì xã hội qua hàng trăm năm, hàng ngàn năm biến động không ngừng, trong đó có yếu tố ngôn ngữ, dịch thuật, vì vậy tìm tận gốc nguyên lý Marx và lời dạy của Đức Phật mà noi theo mà thực hành.
Tôi đã từng lên án một lối trích dẫn câu nói của Marx: Tôn giáo là thuốc phiện và coi nó là xấu, là ru ngủ nhân dân và thủ tiêu đấu tranh (tôi cũng đã từng hiểu thế) đến khi truy nguyên thì thấy không phải vậy mà tôn giáo là cứu cánh của nhân dân khi họ bị đẩy vào thế bế tắc thì tôn giáo đã nâng đỡ họ, cho họ chỗ dựa về mặt tinh thần…
Điều quan trọng ở đây là phải hiểu đúng và chống giáo điều?
HÒA THƯỢNG THÍCH CHƠN THIỆN: Đúng thế. Hiểu Marx, cũng như hiểu Phật giáo, cần có trí tuệ để nắm bắt được ý nghĩa khởi đầu, nắm bắt được cái tinh hoa, cái nguyên lý của học thuyết. Phật giáo thường cũng bị hiểu lầm về các giáo lý về Giới, Định, Tuệ, Từ bi, Vô ngã, vị tha, Vô thường và khổ đau. Không thể chỉ đơn thuần đánh giá Phật giáo qua hình thức sinh hoạt của một số Tăng sĩ, chùa chiền, hay qua sinh hoạt, hiểu biết thiếu nền tảng của các Phật tử. Không thể chỉ đơn thuần đánh giá qua việc vội vã đọc qua một vài bản kinh, một vài trang kinh, hay một vài đoạn kinh, mà phải tìm và hiểu tận bản chất của giáo lý, tôn chỉ của giáo lý. Mục đích của giáo lý nhà Phật là giới thiệu nếp sống và thực hành con đường loại bỏ tận gốc rễ nguyên nhân thâm thiết nhất dẫn đến khổ đau cho các cá nhân và tập thể, các nguyên nhân đến từ tấm thân nầy do năm yếu tố (tâm lý và vật lý: sắc thân; cảm thọ; trí tưởng; các ý niệm thiện, ác, không thiện không ác; các cái biết từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tập hợp thành, và đến từ ngoại giới. Phật giáo nói đến khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, và con đường giải thoát khổ đau là nói đến con đường sống từng bước hạnh phúc trong hiện tại trên đời này. Nói như thế là nói đến đích điểm của mục đích con đường sống ở đời là hạnh phúc, tự do thoát khỏi các mối ràng buộc của nô lệ dục vọng và nô lệ ngoại bang. Rất tích cực và đầy tính người. Và, đấy là mục đích tìm kiếm của nhân loại qua suốt nhiều thiên niên kỷ lịch sử: nó nằm ngay trong chính mỗi người có thể được phát hiện, khai mở.
PV: Thưa Hòa thượng, Nghị quyết 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa XI đặt vấn đề phải xốc lại đội ngũ, phải nâng cao tính chiến đấu của Đảng, lấy lại lòng tin cho Đảng bằng phê bình và tự phê bình. Khác lần trước, bắt đầu từ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Theo cách nói thông thường là gội đầu trước khi tắm mát cho toàn thân. Tôi hiểu nôm na thế. Hay là nói trái với hình ảnh các chú bộ đội trẻ thường ví von “đường, sữa phân từ trên xuống, cuốc xẻng phân từ dưới lên”. Nay phân cuốc xẻng từ trên xuống?
HÒA THƯỢNG THÍCH CHƠN THIỆN: Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chủ tịch sáng lập, rèn luyện, dẫn dắt nhằm giải phóng dân tộc khỏi ách xâm lược của Pháp, và sự can thiệp của Hoa Kỳ để thực hiện mục tiêu Độc lập, Tự do và Hạnh phúc cho xứ sở. Đảng đã gặt được nhiều thành công lịch sử to lớn: giải phóng ách nô lệ qua hơn 100 năm, đã đưa dân tộc từ chỗ nghèo khổ, kém phát triển và bị cô lập đến giai đoạn đang phát triển – sẽ đi vào công nghiệp hóa và hiện đại hóa từ năm 2020 –, mở rộng bang giao quốc tế - quan hệ hơn 150 nước và 200 đảng – đưa Việt Nam lên vị thế quan trọng. Có thể nói cơ đồ đất nước ngày nay, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, là cơ đồ lớn nhất trong suốt thời gian lịch sử đất nước 2000 năm qua. Từ 1930 đến nay, Đảng luôn luôn gắn bó với nhân dân như máu thịt, phục vụ nhân dân, vì an lạc, hạnh phúc của nhân dân, đã và đang tạo được niềm tin lớn từ nhân dân. Tuy nhiên, từ khi đất nước đi vào kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế, thương mại với khu vực và thế giới thì một số bộ phận cán bộ, đảng viên (không nhỏ) bị dao động, tha hóa, tự diễn biến vì ảnh hưởng của kinh tế thị trường, và vì tác động của các tổ chức thù địch bên ngoài. Gần đây, Nghị quyết 4 của Ban Chấp hành T.ư. Đảng CSVN đặt vấn đề phải ổn định lại, thật ổn định hàng ngũ để lấy lại và phát huy sức mạnh của Đảng, chuẩn bị cho các bước phát triển mới cao hơn và xa hơn.
Nghị quyết 4 đã viết:
- “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng: nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ…”.
- “Một số bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”.
Nghị quyết 4 cũng ghi rõ và đầy đủ: Tình hình và nguyên nhân; mục tiêu và phương châm; giải pháp; và tổ chức thực hiện. Trong nhóm giải pháp, có đoạn viết:
“Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Đưa vào nền nếp việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặt biệt là cấp Trung ương”.
T.Ư Đảng đã soi tỏ các sai sót, yếu kém để sửa sai và hoàn thiện. Đấy đích thực là tinh thần cách mạng chân chính của Đảng cách mạng – Đấy đích thực là một văn kiện lịch sử đầy trí tuệ và chân thành: “Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư,… cấp trung ương, người đứng đầu làm trước và phải thực sự gương mẫu để cho các cấp noi theo”. Rất là lịch sử! và đầy tinh thần tự chủ, sáng tạo!
PV: Toàn văn bản Nghị quyết 4 Hòa thượng đã đọc, Thầy lại rất thích thú với Diễn văn bế mạc Hội nghị lần thứ 4 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thưa thầy tinh hoa của nghị quyết này Thầy thấy thế nào. Thầy thích điều gì nhất?
HÒA THƯỢNG THÍCH CHƠN THIỆN: Như chúng tôi vừa đề cập: toàn văn Nghị quyết 4 là một văn kiện lịch sử, thái độ nhận thức rõ ràng, kết cấu chặt chẽ.
Ở bài diễn văn bế mạc Hội nghị T.Ư 4 thì nổi bật những nét đặt biệt khác cần được trích lại và đọc đi đọc lại nhiều lần. Đại để,
- “Từng cán bộ, đảng viên từ cấp cao đến cơ sở cùng làm. Nếu mỗi người tự chỉnh đốn bản thân mình trước thì cả tổ chức sẽ chuyển động. Ở đây, sự gương mẫu của T.Ư là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu làm trước; tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình; cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa; tránh xa mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài; tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tệ hại”.
- “... tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác rất cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình”.
Lời lẽ như những lời chuông lớn vang lên những âm vang cách mạng thức tỉnh mọi người. Lời lẽ như những luồng ánh sáng tỏa sáng mở ra một phương trời đầy tin tưởng và hy vọng. Tôi thật sự thích cả toàn văn bản Nghị quyết 4 và bài Diễn văn bế mạc Hội nghị T.Ư 4 của Tổng bí thư. Ở đó báo trước rằng từ đây, Đảng sẽ gặt hái nhiều thành quả và niềm tin, và sẽ để lại ngày càng ít tồn tại. Một khi nhân sự được củng cố chuyển động mạnh thì guồng máy phát triển sẽ quay đều, lực lượng đại đoàn kết toàn dân sẽ hội tụ quanh Đảng. Đây, thực sự là vấn đề sách yếu của phát triển đi vào tương lai đầy hứa hẹn.
PV: Tôi có nhận xét: một không khí dân chủ đang bao trùm trong sinh hoạt của Ban Chấp hành T.Ư; một cơn sóng náo nức đang lan truyền trong hàng ngũ đảng viên và dân chúng. Đấy có phải là người đứng đầu Đảng Cộng sản đang thổi vào đảng của mình nét sinh hoạt của nghị trường Quốc hội Việt Nam hay không? Nếu thế thì cái được là rất lớn, tuy vậy đã là đúng là trúng chưa thưa Thầy?
HÒA THƯỢNG THÍCH CHƠN THIỆN: Tôi cũng nghe vang vọng tiếng nói của trí tuệ và chân thành từ Nghị quyết T.Ư 4. Làm sống lại tinh thần phê và tự phê là làm sống lại tinh thần dân chủ của sinh hoạt Đảng, như là tinh thần dân chủ được biểu hiện mạnh mẽ ở nghị trường QH. Đấy là tiếng nói đẹp đẽ, tốt lành.
Như phần “Tinh thần và Nguyên nhân”, Nghị quyết T.Ư 4 đã đề cập đến 3 vấn đề cấp bách: đẩy lùi tình trạng suy thoái...; xây dựng đội ngũ lãnh đạo có năng lực đáp ứng các yêu cầu của phát triển...; tiếp tục xác định thẩm quyền, trách nhiệm, và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Bên cạnh đó, hẳn là cần có nhiều đóng góp trí tuệ, sáng kiến của đảng viên, cán bộ các cấp, đặc biệt là cấp lãnh đạo T.Ư thì mới thực sự tạo thành sức mạnh phát triển bền bỉ và ổn định. Chúng ta khó có thể chờ đợi những gì khác hơn thế để xây dựng cơ đồ Việt Nam ngày một thêm rạng rỡ.
PV: Xin cám ơn Hòa thượng thật nhiều!