Tái cấu trúc các tập đoàn năng lượng - những vấn đề đặt ra
Để hưởng ứng chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, với ba trọng tâm trước mắt là đầu tư công, tài chính và doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Công thương đã yêu cầu mỗi tập đoàn năng lượng cần triển khai ngay trong năm 2012 các giải pháp thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cũng như tái cơ cấu ngành nghề, tái cơ cấu đầu tư. Đây không chỉ là những vấn đề đang đặt ra với quá trình tái cấu trúc tập đoàn năng lượng, mà còn giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư Nhà nước, từ đó, thực hiện những mục tiêu xã hội được đặt ra.
|
Để tái cấu trúc, nhiều tập đoàn năng lượng đã tập trung thực hiện giải pháp căn cơ là tiếp tục thoái vốn, nhằm hạn chế đầu tư ngoài ngành, tập trung vốn và sức lực vào các lĩnh vực, ngành nghề trọng tâm. Ví như việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn, nhân lực và công nghệ của EVN Telecom thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam sang cho Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel) tiếp quản và tái khởi động từ 1.1.2012. Sự kiện này đánh dấu việc chấm dứt hẳn giấc mộng viễn thông của EVN, sau khi liên tục thua lỗ trong thời gian dài. Bên cạnh đó, các tập đoàn năng lượng đã và đang tiến hành rút vốn đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh tài chính - ngân hàng, bất động sản… Cụ thể là Tập đoàn Dầu khí quốc gia đã báo cáo Chính phủ về việc xin rút vốn khỏi một số dự án đầu tư ngoài ngành, trong đó có dự án tòa nhà PVN-Tower. Và ngay từ đầu năm 2012, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản (TKV) xác định cơ cấu lại lượng vốn đóng góp tại một số đơn vị như: Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Công ty CP Chứng khoán SHS và sẽ thoái hết vốn ở các công ty Bảo hiểm hàng không, Quỹ đầu tư Việt Nam, Công ty CP phát triển khu kinh tế Hải Hà, Công ty CP phát triển đường cao tốc BIDV... Ngoài ra, tập đoàn sẽ tiếp tục cơ cấu lại một số đơn vị, tập trung vào lĩnh vực cơ khí, có sắp xếp hợp lý trên cơ sở phát huy được sức mạnh của họ. Giải pháp này sẽ giúp mỗi đơn vị sản xuất được các sản phẩm có mức độ nội địa cao.
Quản trị doanh nghiệp, trong đó tiếp tục sắp xếp đổi mới doanh nghiệp là giải pháp quan trọng thứ hai để giải quyết việc bảo toàn và phát triển vốn, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng của những tập đoàn này. Để nâng cao kỹ năng quản trị, Tập đoàn Dầu khí quốc gia xác định sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh các quy định, quy chế phù hợp với phương án tái cấu trúc doanh nghiệp, phát huy nội lực, cải cách hành chính. Đồng thời, khai thác tối đa mọi nguồn lực của tập đoàn và các đơn vị thành viên để thực hiện 5 lĩnh vực chính là tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; lọc hóa dầu; công nghiệp khí; công nghiệp điện; dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao… Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản đặt trọng tâm vào việc cơ cấu lại vốn tại các công ty cổ phần và thực hiện quy định công ty mẹ và công ty con không tham gia góp vốn vào cùng một doanh nghiệp, tăng trách nhiệm của bộ máy điều hành… Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Phạm Lê Thanh khẳng định, sẽ nghiên cứu, đổi mới chức năng, nhiệm vụ quản lý của công ty mẹ, cùng với việc thành lập và ổn định tổ chức 3 tổng công ty phát điện. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng và nhân lực để vận hành thị trường điện chính thức từ quý II.2012.
Chỉ đạo tổng kết tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, trong năm 2012, từng tập đoàn, doanh nghiệp năng lượng cần triển khai sớm việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cũng như tái cơ cấu ngành nghề, tái cơ cấu đầu tư. Đối với quá trình thực hiện lộ trình giá các mặt hàng năng lượng theo cơ chế thị trường, thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phối hợp với các doanh nghiệp triển khai. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, các tập đoàn cần tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gồm: thoái vốn ở những lĩnh vực không phải ở các lĩnh vực sản xuất chính; tiếp tục sắp xếp đổi mới doanh nghiệp theo kế hoạch đã được phê duyệt cho giai đoạn 2011 - 2015; thực hiện lộ trình giá thị trường. Trong đó, việc thực hiện lộ trình giá thị trường cần vận hành hợp lý, có tính đến những thời điểm nhạy cảm để vừa cân bằng tài chính, vừa thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.