Margaret Atwood: Nghiệp văn đeo bám
Margaret Atwood là khuôn mặt nổi bật của văn chương Canada hậu hiện đại. Bà nổi tiếng là một cây bút nữ quyền với kỹ thuật hư cấu độc đáo. Lối viết của bà biểu lộ một trí tưởng tượng cực kỳ phong phú và mạnh mẽ, nhưng những hình tượng huyền ảo trong tác phẩm của bà lại phóng rọi sâu sắc vào bản chất của hiện thực cuộc sống đương đại.
Sắc sảo và châm biếm
![]() |
Ba mươi năm cầm bút, Margaret Atwood ngày nay được xem là nhà văn Canada đang sống nổi tiếng nhất. Bà là tác giả của hơn 25 tập thơ, tiểu thuyết. Các tác phẩm của bà được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới, trong đó có tiếng Việt. Bà từng nhiều lần được đề cử xét tặng giải Nobel Văn học và đã giành giải thưởng văn chương danh giá Prince of Asturias, giải “Nobel của tiếng Tây Ban Nha”, được trao hằng năm dành cho những nhân vật có những đóng góp cho nghệ thuật, khoa học, nghiên cứu, thể thao, văn chương và những hoạt động nhân đạo. Các tác phẩm của bà cũng nhận được nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó có giải Booker năm 2000 cho tiểu thuyết The Blind Assassin (Tay sát thủ mù), giải Arthur C. Clarke năm 1985 với The Handmaid’s Tale (Chuyện người tùy nữ)… Cuốn tiểu thuyết Oryx and Crake (Linh dương và gà nước) của Atwood cũng từng lọt vào vòng chung kết giải Booker 2003.
Mỗi lần trao giải thưởng cho bà, ban giám khảo đều không tiếc lời ca ngợi ngòi bút “sắc sảo và mang tính châm biếm sâu sắc” của nữ tiểu thuyết gia đằm thắm đã ở tuổi ngoài 70 này. Chẳng hạn khi nêu lý do trao giải thưởng Prince of Asturias văn chương cho bà, ban giám khảo đã nhận xét: “Margaret Atwood, qua những tác phẩm nhạy cảm, giàu chất thơ của mình, đã mang đến quan điểm chính trị, cái nhìn phê phán về thế giới và những vấn đề của xã hội đương đại. Bà là một trong những tác giả nổi bật của văn học đương đại”.
Nhân vật nữ luôn là… chủ đạo
![]() Bìa sách The Blind Assassin |
Không chỉ viết tiểu thuyết, Atwood còn là nhà thơ, nhà phê bình văn học và nhà hoạt động vì nữ quyền. Bà đã có những tiếng nói bảo vệ phẩm giá của phụ nữ và lên án tình trạng bất công của xã hội. Các tiểu thuyết của bà thường tập trung vào các nhân vật nữ như The Edible Woman, Lady Oracle, The Robber Bride…
Mặc dù cuốn Tay sát thủ mù đoạt giải Booker, nhưng Chuyện người tùy nữ mới là tác phẩm được biết đến rộng rãi nhất của Margaret Atwood. Sách đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, dựng thành phim, opera và được yêu thích trên toàn thế giới. Đặc biệt, Chuyện người tùy nữ là tiểu thuyết đầu tiên của Margaret Atwood ra mắt công chúng Việt Nam (tháng 9.2009). Mượn lối vào truyện gay cấn của thể loại viễn tưởng, lấy bối cảnh hư cấu là nước cộng hòa thần quyền cực đoan Gilead, thế chỗ nước Mỹ hiện nay, nhà văn theo sát mô tả từng diễn biến tâm lý, cảm xúc và những suy nghiệm về thân phận cũng như cuộc đời của người tùy nữ, một tầng lớp phụ nữ đặc biệt bị sử dụng thân xác làm công cụ duy trì nòi giống, thay cho lớp quý bà đã đánh mất hoàn toàn khả năng này. Trong hoàn cảnh nô lệ, bị tước đoạt phẩm giá cũng như mọi niềm vui sống, bị âm mưu biến thành “những cỗ tử cung có chân” và cái chết đau đớn luôn rình rập, tùy nữ của Atwood vẫn làm rung động trái tim hàng triệu độc giả vì những cảm xúc mãnh liệt, trí óc xét đoán sắc bén và độc lập, tính hài hước ngạo nghễ và lòng ham sống cuồng nhiệt, được nhấn mạnh như những phẩm chất con người.
Thông qua những cốt truyện như thế, Margaret Atwood đã đề cao trí thông minh và năng lực của giới nữ như một hình tượng nhân văn cho toàn thể loài người, chống lại những quyền lực phi nhân tính đang có nguy cơ đe dọa đời sống xã hội. Cuốn tiểu thuyết đầy ắp xung năng mạnh mẽ của trí tuệ và xúc cảm nhục thể, phá vỡ lối trần thuật thông thường, với một “rừng” hình ảnh mới mẻ không ngừng khơi gợi và ám ảnh.
Nghiệp văn đeo bám ở mọi khía cạnh
Margaret Eleanor Atwood sinh năm 1939 ở Ottawa. Là con gái thứ hai của một nhà côn trùng học, nên cô bé Atwood sống phần lớn tuổi thơ theo cha ở vùng rừng xa xôi miền Bắc Quebec và thỉnh thoảng đi về giữa Ottawa, Sault Ste. Marie và Toronto. Atwood rất mê đọc sách, nên bạn bè vẫn gọi đùa cô bé là “mọt sách”. Atwood đọc tất cả các thể loại, từ truyện cổ Grimm, truyện cười cho tới truyện khoa học về các loài động vật ở Canada.
Có lẽ xuất phát từ thú đọc sách và cảm nhận được những điều được viết trong sách, nên từ nhỏ Atwood đã thích viết lách cho dù cả nhà không ai theo nghiệp văn chương. Atwood bắt đầu viết văn từ năm lên sáu tuổi và chỉ thực sự nhận ra mình yêu nghề cầm bút khi đến tuổi 16. Bà cũng theo học viết văn, triết học, có bằng thạc sĩ văn chương ở Trường Radcliffe (Harvard) năm 1962 và từng giảng dạy ở nhiều trường đại học như ĐH British Columbia, ĐH Alberta…
Margaret Atwood cũng làm rất nhiều thơ và thơ của bà lấy cảm hứng từ cổ tích. Bà nhớ lại đầy tự hào: “Tập thơ đầu tay của tôi bị từ chối thẳng thừng. Tôi nghĩ nó cũng kém. Tôi đã viết rất nhiều thể loại: thơ ca, tiểu thuyết, tác phẩm phi hư cấu… Rồi tập thơ Circle Game của tôi đoạt giải Governor General. Cuốn sách được in 420 bản - con số rất đáng kể cho một tập thơ”.
Bà lập gia đình với Jim Polk năm 1968, nhưng cuộc sống không hạnh phúc và họ chia tay nhau năm 1973. Dường như nghiệp văn chương đeo bám bà ở mọi khía cạnh của cuộc sống. Ngay sau đó, bà đi bước nữa với tiểu thuyết gia Graeme Gibson và sinh con gái năm 1976. Hai vợ chồng hiện sống ở Toronto. Song song với việc làm thơ, viết tiểu thuyết, Atwood cũng tích cực hoạt động đoàn thể. Bà từng làm chủ tịch Hội Nhà văn Canada 1981-1982 và là chủ tịch của Hiệp hội văn bút quốc tế International P.E.N., chi nhánh Canada, từ 1984 đến 1986.
Tuy vậy, nữ văn sĩ Canada vẫn chia sẻ với tờ The Hindu những suy nghĩ của mình về nghề văn và cả những danh hiệu mà bà không thích người ta gán cho mình. Bà nói: “Tôi viết văn đâu phải vì giải thưởng”.