Những trò chơi dân gian ngày Xuân
Trò chơi dân gian là hoạt động không thể thiếu mỗi dịp Xuân về. Đây là nơi thể hiện tài năng, sự khéo léo của con người và trên hết, đó là nơi mọi người gặp nhau, trao nhau những nụ cười vui vẻ sau một năm lao động vất vả. Trải bao thăng trầm, trò chơi dân gian ngày tết đã mai một đi nhiều. Hiện nay, trong các lễ hội đầu Xuân, một số trò chơi dân gian xưa như đánh đu, kéo co, chọi gà, đấu vật, cờ người... vẫn được duy trì trở thành nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Chơi đu
|
Là trò chơi phổ biến tại các làng quê đồng bằng sông Hồng. Ngay từ những ngày cuối năm, bên cạnh đình hay bãi đất rộng, khô ráo người ta chuẩn bị các cột đu. Cột được chọn là những cây tre to, dài để trồng đu. Một cây đu có thể được trồng bởi 4-6 cây tre to. Cần đu cũng là những cây tre dài nhưng thon nhỏ để lúc người đu nắm vào cho gọn và chắc tránh xảy ra trượt hay tuột tay lúc đu nhanh, mạnh. Mọi người đều có thể chơi đu, song ấn tượng nhất và đặc trưng nhất của trò đu là các đôi nam thanh nữ tú. Họ là những người bạn, những người chưa quen gặp nhau trong buổi du Xuân, hay những đôi đã có tình ý, cùng hẹn hò nhau nơi cây đu ngày tết. Trong trang phục rực rỡ tung bay phấp phới, người nhún, người đẩy, phối hợp nhịp nhàng với tư thế đối mặt vào nhau như là biểu tượng phồn thực, tâm đầu ý hợp của lứa đôi trong tâm thức dân gian. Đồng thời, tài năng và lòng dũng cảm của các chàng trai, cô gái được thể hiện. Rất nhiều đôi trai gái sau những buổi chơi đu đã lên duyên vợ chồng.
Đấu vật
|
Đấu vật là một trò chơi thượng võ cũng rất phổ biến trong các dịp hội Xuân và hội làng. Ở Việt Nam ngoài đấu vật ngày Tết còn có nhiều hội vật Làng Sình, Liễu Đôi, Hà Nam; Mai Động, Hà Nội... Mỗi vùng quê đều có những làng vật nổi danh, chứa đựng những tuyệt kỹ, bí kíp nổi tiếng với các “miếng” vật như đệm, bốc, ghì... Để khuyến khích tài năng cũng như sự rèn luyện của trai tráng, nhiều làng xã đã treo giải vật rất cao trong 3 ngày tết. Người xưa thường trao giải bằng tiền, bằng mâm đồng, nồi đồng hay một số thứ khác. Quy định chung của cuộc đấu là phải làm cho đối phương “lấm lưng trắng bụng” hay nhấc bổng được đối phương lên trong một vòng tròn được vạch sẵn. Môn vật không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà còn cần có sự mưu trí và nhanh nhẹn. Hình ảnh đấu vật với những chàng trai cơ bắp cuồn cuộn, mình trần đóng khố đã được hình tượng hóa trong bức tranh nổi tiếng ở làng tranh Đông Hồ cho thấy vẻ đẹp và sự hấp dẫn của trò chơi này.
Chọi gà
|
Là một thú chơi tao nhã, khuyến khích việc chăn nuôi của nhà nông xưa. Chọi gà là thú chơi không chỉ có trong các ngày Tết, ngày hội và có ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Nhiều làng nổi tiếng vì chơi gà chọi như Đình Bảng, Bắc Ninh; Thổ Hà, Bắc Giang… Trò chơi chọi gà đòi hỏi sự kỳ công lớn của người nuôi từ việc chọn gà giống từ dáng vẻ chân, mỏ, mình, đầu... Những chú gà nòi được nuôi rất công phu và có chế độ tập luyện với các chú gà chọi khác (tập vờn) để làm quen dần với những trận đấu. Trong một vòng tròn, hai chú gà chọi như hai như hai hiệp sỹ trên sàn đấu với những “miếng” mổ, đập cánh vào nhau, đá móc vào nách, vào cổ họng, vào ức của đối phương quyết liệt hoặc ghì nhau đè cánh đạp chân… Các sới gà chọi vào dịp Tết Nguyên đán thường thu hút đông đảo người xem. Hiện nay, một số cuộc chọi gà có việc cá cược ăn thua rất lớn làm giảm đi nhiều ý nghĩa.
Cờ người
|
Đây là thú chơi tao nhã, trí tuệ thường diễn ra tại các hội làng. Cờ người là một biến thể tinh tế từ trò chơi cờ tướng. Ở các bãi đất trống hay sân đình, thường các làng trong một tổng hay các cao thủ cờ trong một làng sẽ cùng chơi. Mỗi quân cờ là một người, 16 nam áo đỏ, 16 nữ mặc áo đen đeo biển (tên quân cờ) trước ngực, đứng vào vị trí. Hai tướng mặc đẹp, có 2 cờ đuôi nheo cắm chéo sau lưng, được che lọng. Gặp buổi trời nắng, thì mỗi quân cờ được một người che ô, đứng bên và đi theo mỗi lần quân chuyển. Hai đối thủ ngồi phía sau. Có người chạy cờ, lo việc chuyển quân theo ý định của người chơi. Mỗi lần đi một nước, đấu thủ (có tiếng trống khẩu) gõ một tiếng. Người chạy cờ tới nghe lệnh và chuyển quân trên bãi. Vào cuộc chơi phải bình tĩnh, thận trọng, chủ động không bị phân tán bởi những người xem mách nước. Trò chơi này thường được dành cho những người tuổi trung niên và cao tuổi, những người này còn đại diện và thể hiện trí tuệ của cả làng. Trong đó, thanh niên cũng tham dự trong tư cách là những quân cờ, ở nhiều nơi, các quân cờ còn được đào tạo thêm các thế võ, thế di chuyển rất đẹp mắt. Đây là một trò chơi mang tính cộng đồng, trí tuệ rất cao. Đồng thời, nó cũng thể hiện tinh thần thượng võ, gắn kết cộng đồng làng xã.
Bịt mắt bắt dê
|
Cùng trên một sân cỏ, người chơi quây xung quanh làm vòng tròn. Trò chơi chủ yếu là vui, tùy chỗ cũng có thể treo giải thưởng. Những người chơi đăng ký và chia thành các cặp. Mỗi cặp lần lượt vào sân chơi. Một trong 2 người làm dê, người bắt dê sẽ được bịt kín 2 mắt bằng một tấm khăn mềm. Hai người chỉ được đuổi bắt trong một vòng tròn, khán giả sẽ là người nhắc nhở nếu ra khỏi vòng tròn. Người làm dê trong quá trình chạy trốn thỉnh thoảng phải gây ra tiếng động để người bắt biết mà đuổi theo…