Người dân có quyền quyết định những vấn đề của đất nước

Hà An thực hiện 15/01/2012 12:39

Bên lề Hội thảo về sửa đổi Hiến pháp, CHỦ TỊCH HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM PHẠM QUỐC ANH cho rằng, sửa đổi Hiến pháp để phù hợp với thực tiễn cuộc sống là yêu cầu rất cấp thiết trong thời điểm hiện nay. Hiến pháp sửa đổi lần này phải nâng cao quyền của người dân được quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước.

Người dân có quyền quyết định những vấn đề của đất nước ảnh 1Sửa đổi Hiến pháp để phù hợp với thực tiễn cuộc sống là yêu cầu hết sức cần thiết. Theo Chủ tịch, việc sửa đổi Hiến pháp lần này cần phải chú ý đến những vấn đề gì?

- Theo tôi sửa đổi Hiến pháp là điều hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay. Trải qua hơn 60 năm, nước ta đã qua 4 bản Hiến pháp nhưng trong thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quố c tế, cần phải sửa đổi một số điểm để phù hợp với yêu cầu thực tiễn cuộc sống. Tôi cho rằng điều đáng quan tâm trong sửa đổi Hiến pháp lần này có 2 vấn đề. Vấn đề thứ nhất là phải đề cao được quyền dân chủ của người dân, trong đó phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân được quyết định những vấn đề hệ trọng cần phải đặc biệt quan tâm. Thể hiện quyền dân chủ cao nhất của người dân chính là việc người dân có quyền quyết định được việc quan trọng của đất nước. Vấn đề thứ hai tôi cho rằng, bộ máy hành chính của chúng ta tuy có rất nhiều cải cách nhưng vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế hiện nay. Mục đích của việc sửa đổi Hiến pháp lần này làm sao phải xây dựng được một bộ máy hành chính từ trên xuống dưới, tạo được một cơ chế hoạt động thực sự thống nhất và hiệu quả. Để giải quyết khẩn trương, nhanh gọn hơn những vấn đề theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng thì  yêu cầu đặt ra là bộ máy hành chính phải gọn, nhẹ tránh hình thức, rườm rà, không cần thiết. Theo tôi, đây cũng là nhiệm vụ quan trọng đặt ra trong sửa đổi Hiến pháp lần này.

Việc tham vấn ý kiến nhân dân là điều hết sức cần thiết. Theo Chủ tịch, để Hiến pháp sau khi sửa đổi lần này có được hiệu ứng tốt thì quá trình tham vấn này cần phải thực hiện như thế nào?

- Phải khẳng định rằng, Hiến pháp không phải của một số người, của riêng QH hay của riêng một cơ quan nào mà Hiến pháp là của toàn dân. Vì thế, theo tôi, trước tiên Hiến pháp sửa đổi lần này phải thực hiện được quyền phúc quyết của người dân và cần phải làm rõ vấn đề là dân ủy quyền cho QH đến đâu, trong phạm vi nào và còn lại phạm vi nào thì người dân trực tiếp quyết định. Đó là vấn đề rất quan trọng và có tính cốt lõi. Đấy là tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra trong bản Hiến pháp 1946. Do đó, theo tôi chúng ta cần phải xây dựng Luật Trưng cầu ý dân. Người dân được thể hiện thái độ của mình thông qua trưng cầu ý dân đối với Hiến pháp sửa đổi. Đây là vấn đề quan trọng và khó nhưng buộc chúng ta phải làm.

Sửa đổi Hiến pháp không phải là vấn đề đơn giản và cần được tính toán hết sức kỹ lưỡng. Lịch sử lập hiến của nước ta đã qua 4 bản Hiến pháp với 3 lần sửa đổi, theo Chủ tịch để bản Hiến pháp có “tuổi thọ” dài, thì bản Hiến pháp cần phải đáp ứng được yêu cầu, tiêu chí nào?

- Chúng ta đã trải qua 4 bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992; đã qua 3 lần sửa đổi và lần này nữa là 4. So với các nước trên thế giới thì Hiến pháp của chúng ta sửa tương đối nhiều lần. Theo tôi, để Hiến pháp tồn tại lâu dài, không sửa đổi nhiều lần thì bản Hiến pháp đó phải được xây dựng trên tinh thần ngắn gọn, đề cập đến những vấn đề lớn và phải được toàn dân  phúc quyết . Đó là vấn đề cơ bản nhất và tôi mong rằng, bản Hiến pháp sửa đổi lần này phải đáp ứng được những yêu cầu này.

Xin cám ơn Chủ tịch!

Hà An <i>thực hiện</i>